Nhận thấy nguồn tài nguyên từ cây mắc mật của tỉnh Lạng Sơn dồi dào, nhưng thường bị thương lái ép giá khiến thu nhập của người dân chỉ ba cọc ba đồng nên anh Điện quyết định đưa mắc mật quê hương vươn xa.
Chàng trai làm giàu từ quả mắc mật - Dương Hữu Điện NVCC
Từng chịu mức lỗ khởi nghiệp hơn 200 triệu đồng/năm và đổ bỏ hàng tấn sản phẩm bị lỗi nhưng anh Dương Hữu Điện (33 tuổi), ngụ tại xã Chiêu Vũ, huyện Bắc Sơn (tỉnh Lạng Sơn) hiện tại đã trụ vững và phát triển với mô hình khởi nghiệp từ các sản phẩm làm ra với lá và quả mắc mật.
Để có được một túi khô heo thì phải thử nghiệm hơn 2 tấn thịt
Tốt nghiệp Học viện Hành chính quốc gia, với chuyên ngành quản lý nhân sự vào năm 2013, anh Hữu Điện về làm Bí thư Xã đoàn Chiêu Vũ, và nhận thấy nỗi khó khăn khi người dân thường tìm quả mắc mật trên núi cao rất nguy hiểm nhưng mang về bán cho thương lái giá trị lại không cao.
Anh Điện kể: “Thời điểm trước năm 2018, các thương lái Trung Quốc thu mua rất nhiều quả mắc mật ở các vùng biên giới, bất chấp đó là trái non, già hay sắp hỏng, có thời điểm người ta nâng giá lên 25.000 đồng/kg. Nhưng sau khoảng năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát thì thương lái Trung Quốc không lấy hàng qua con đường tiểu ngạch nữa nên quả mắc mật ế rất nhiều. Và chừng 2, 3 năm trở lại đây thì mắc mật chỉ còn khoảng 2.000 đồng/kg cũng không có người mua”.
Các sản phẩm khô heo và nước sốt mắc mật của anh Điện NVCC
Cũng theo anh Điện, tỉnh Lạng Sơn là vùng đất nổi tiếng với gà, vịt và lợn quay mắc mật trứ danh. Quá trình làm ra những loại đặc sản này lại rất kỳ công mà nguyên liệu ướp là quả mắc mật, loại cây này chỉ có thể sống tự nhiên trên núi đá vôi, nếu trồng và chăm sóc thì sức sống sẽ rất èo uột.
“Trong quá trình tìm hiểu tôi nhận thấy vẫn chưa có sản phẩm chính hiệu nào từ mắc mật, mà huyện Bắc Sơn lại có đến 350 ha rừng mắc mật, nếu chỉ thu nhặt rồi bán thô thì rất lãng phí tài nguyên bản địa. Chính vì vậy, tôi bắt đầu lên ý tưởng nghiên cứu về món thịt khô và nước sốt hương vị từ quả mắc mật”, anh Điện cho hay.
Anh Hữu Điện đã mang sản phẩm tham gia rất nhiều cuộc thi về sáng tạo đổi mới NVCC
Nhưng đến khi bắt tay vào làm lại vô cùng gian nan, vì không có kinh nghiệm nên thời gian ban đầu anh Điện thất bại liên tục suốt hơn 1 năm với mức lỗ hơn 200 triệu đồng. “Lúc đó do chưa tính toán kỹ mà lại làm ồ ạt nên sản phẩm làm ra phải đổ bỏ đi rất nhiều. Để có được một túi khô heo thì phải thử nghiệm hơn 2 tấn thịt, để có được một hũ sốt ngon phải bỏ đi hơn 3 tấn quả mắc mật. Thời ấy làm ra cứ đổ bỏ liên tục, nhiều đến mức mà… gà chán không ăn nữa”, anh nhớ lại.
Ngoài ra, mọi công đoạn làm sản phẩm đều là thủ công nên rất vất vả vì không có máy móc cân chỉnh nhiệt độ, thời gian nên các mẻ ban đầu cứ hư hỏng, không được như ý. Để sấy khô thịt, anh Điện cho biết: "Cứ 5 phút lại phải đảo thịt một lần và cứ liên tục mỗi ngày làm như vậy đến 5 giờ sáng hôm sau".
Anh Điện cho biết: "Thời điểm ấy, tôi căng thẳng đến mức gần cả năm không gặp gỡ ai và mỗi ngày cứ thử nghiệm sản phẩm rồi tìm hiểu thêm các kiến thức về kinh doanh khởi nghiệp. Vào năm 2020, vô tình tỉnh Lạng Sơn có tổ chức cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, nên mình mạnh dạn đem sản phẩm tham gia thì được ban giám khảo đánh giá rất cao và đạt được giải nhì. Kể từ đó, tôi rất phấn khởi và tiếp tục con đường khởi nghiệp của mình".
Tự tin sản phẩm mình làm ra sẽ góp phần phát triển quê hương
Khi nhìn lại quá trình khởi nghiệp của mình, anh Hữu Điện bật cười rồi cảm thấy tự khâm phục bản thân và không hiểu sao dù đã thất bại nhiều lần như vậy mà đến giờ vẫn trụ vững, vẫn đang viết tiếp câu chuyện về con đường phát triển của mắc mật quê hương.
“Việc khởi nghiệp đối với nhiều người thì rất bình thường, còn đối với người đồng bào Tày như chỗ tôi đó là vấn đề quá lớn lao. Mô hình chế biến quả mắc mật là một trong những mô hình đầu tiên của huyện, cho nên tôi rất tự hào và tự tin sản phẩm mình làm ra sẽ góp phần phát triển quê hương”, anh Điện nói.
Các giấy chứng nhận và kiểm định chất lượng sản phẩm của anh Điện NVCC
Trải qua gần 5 năm khởi nghiệp, các sản hiện có trên thị trường của anh Điện như: khô heo, nước sốt hương vị mắc mật không chỉ phân bổ ở Lạng Sơn mà còn mở rộng ở các thị trường Thái Nguyên, Hà Nội, Kiên Giang, Long An, Bến Tre, Quảng Ninh… với doanh thu mỗi tháng hơn 200 triệu đồng. Và tính đến tháng 11 vừa rồi, anh đã xuất ra thị trường hơn 70.000 sản phẩm. Từ căn bếp rộng 40 m2, đến thời điểm tháng 7.2021 đã trở thành nhà xưởng đủ độ vệ sinh an toàn thực phẩm rộng hơn 900 m2 và tạo công ăn việc làm cho 5 lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Anh Hữu Điện tạo điều kiện công việc cho những hoàn cảnh khó khăn NVCC
“Bản thân tôi mong muốn phát triển được tài nguyên bản địa bền vững để người dân dần dần coi trọng các sản phẩm, đặc sản quê hương mình. Tôi cũng muốn người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện xã có việc làm để không phải lên rừng vất vả như trước”, anh Điện bày tỏ.
Là khách hàng ủng hộ từ lúc anh Điện khởi nghiệp, chị Dương Thị Hà (21 tuổi), hiện đang kinh doanh mỹ phẩm tại huyện Bắc Sơn (tỉnh Lạng Sơn) cho biết: “Trước kia mình cũng từng ăn các loại thịt khô rồi nhưng khô heo mắc mật của anh Điện rất đặc biệt và ngon hơn. Mình rất thích những người khởi nghiệp đi lên từ hai bàn tay trắng mà tạo ra một thương hiệu như thế này thì tôi rất ngưỡng mộ”.
Chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp của mình, chàng trai khởi nghiệp với mắc mật nhấn mạnh: “Mỗi người khởi nghiệp với sản phẩm quê hương trước tiên phải có sự kiên trì, làm sao phải hiểu thật rõ và nghiên cứu, tìm tòi tài nguyên bản địa của mình. Thứ hai là có niềm đam mê với sản phẩm đó và theo đuổi nó đến cùng”.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/chang-trai-lam-kho-heo-voi-mac-mat-co-thu-nhap-200-trieu-dongthang-post1533589.html