"Từ nhỏ, nhà tôi nghèo nên được mẹ dạy rằng phải biết sống tiết kiệm, trân quý từng đồng tiền nhỏ. Không chỉ tiền bạc mà cả thức ăn, tôi cũng không bao giờ kêu thừa mứa rồi bỏ", chị Đỗ Thị Thu Huyền (quận 4, TP.HCM) chia sẻ.
Minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN
Thói quen ấy thấm trong nếp sống hằng ngày, nên chị Huyền cũng dạy con mình sống đơn giản, đừng phung phí, để sử dụng từng đồng tiền một cách có giá trị.
Tiền không dễ kiếm
Chị Huyền kể, với tụi con nít lứa cuối 7X như chị, được đi học là may mắn. Nhiều bạn bè, và cả chị, học một buổi còn một buổi phụ việc gia đình, đồng áng, chăn nuôi... các kiểu.
"Nhờ chịu khó đi học, được đậu vào đại học, lên thành phố rồi từ đó mới có công việc tốt hơn, ổn định dần, nếu không cũng khó kiếm tiền lắm", chị Huyền nói.
Nghĩ về quê nhà Trà Vinh và những bạn bè trang lứa, cả tuổi thơ khó khăn của mình, chị Thu Huyền cho biết luôn tự nhắc mình sống chừng mực ngay cả khi có điều kiện.
Tiền không dễ kiếm - đó là bài học chị vẫn thường trao cho các con mỗi khi có dịp ngồi đọc sách, ăn cơm chung hay đưa con đi chơi, mua sắm...
Nói một cách khéo léo về khó khăn của ba mẹ khi kiếm tiền để con có cái nhìn đúng hơn về tiền bạc, không ỷ lại, không tạo thói quen dễ dãi khi xài tiền, nhất là khi bản thân chưa làm ra tiền.
"Từ nhỏ tôi tập cho con làm các sản phẩm handmade dễ làm, sau đó đăng lên mạng và bán giúp con. Tôi để cho con trải nghiệm kiếm tiền, rồi nói với các con rằng: Con thấy không, tụi con dành nhiều thời gian mới làm được sản phẩm như vậy, thu được chừng này tiền, nên tụi con phải biết trân quý tiền bạc", chị chia sẻ.
Tất nhiên, quý trọng khác với dè sẻn quá mức, ích kỷ. Chính vì vậy, chị Huyền vẫn dạy con, tạo điều kiện để các con mình mở lòng với mọi người xung quanh, nhất là trong các hoạt động ủng hộ đồng bào thiên tai bão lụt, giúp bạn nghèo vượt khó, đến với người già neo đơn và trẻ em mồ côi...
Sử dụng tiền vào việc có ích
Anh Trần Thanh Phương ở Đà Nẵng cũng thường hướng con vào các hoạt động sẻ chia. Anh Phương kể, mỗi lần đi ăn cùng con, anh hay bảo: "Con hãy mua giúp vé số cho cụ đi". Đó là những lúc hai cha con thấy có cụ già lam lũ kiếm cơm từ công việc bán từng tờ vé số.
Họ cũng như ông bà mình ở nhà, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên tuổi đó vẫn chưa được nghỉ ngơi. Anh Phương nói thêm với con về những người già mưu sinh giữa phố để khơi gợi tình thương nơi con.
"Vậy con sẽ để dành tiền, sau này gặp các cụ con lại mua vé số nữa nha ba", cậu bé 10 tuổi chia sẻ khiến anh cảm thấy hoan hỉ. Con anh còn cho biết sau này kiếm được nhiều tiền sẽ giúp đỡ các cụ nhiều hơn.
Chia sẻ với Tổ ấm về việc dạy con kiếm tiền, sử dụng tiền bạc hợp lý, tạo ra giá trị cho bản thân và cộng đồng, ThS giáo dục Lê Trường An - giảng viên Trường đại học Mở TP.HCM - cho rằng đây là một trong những bài học quan trọng dành cho con. "Cha mẹ phải dạy con mỗi ngày, không chỉ bằng lời nói mà cả hành động cụ thể", ThS An nói.
Theo anh An, cha mẹ không thể dạy con kiếm tiền chân chính nếu bản thân mình không làm được vậy. Nên trước tiên, để con mình sau này sống và làm việc tốt, cha mẹ phải nêu gương trước.
"Thực ra, dạy con kiếm tiền chân chính cũng là giúp cho con có một đời sống hạnh phúc trong tương lai. Cứ nhìn vào nhiều vị kiếm tiền dễ dàng từ nỗi khổ, sự mất mát của người khác đều phải sa lưới pháp luật, có kết cuộc bi thảm để chính mình điều chỉnh hành vi, dạy con đúng đắn hơn", ThS Lê Trường An khuyên.
Song song đó, với lối sống giản dị, không hoang phí trong xài tiền, có kế hoạch chi tiêu cho bản thân, gia đình, chia sẻ với mọi người phù hợp cũng là cách giúp con mình có thói quen tương tự.
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/de-con-quy-trong-tung-dong-tien-le-20221105225838166.htm