Mệt mỏi, cáu gắt do đối mặt với áp lực học tập, áp lực gia đình, một số bạn trẻ đã tìm đến chất gây nghiện để giải tỏa stress.
Trẻ vị thành niên sử dụng thuốc lá điện tử - Ảnh: D.LIỄU
Từ những áp lực tâm lý, trẻ tìm cách giải tỏa bằng nhiều cách trong đó có sử dụng nghiện chất. Ban đầu chỉ có thể là thử, khi đạt được cảm xúc thỏa mãn thì trẻ tiếp tục sử dụng và dần dần gây nghiện.
-TS.BS Lê Thị Thu Hà-
Điều này không chỉ làm gia tăng nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra việc sử dụng chất gây nghiện có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần.
Hút để... tỉnh táo: sai lầm nghiêm trọng
Hút thuốc lá, hút bóng cười, cần sa đang trở thành trào lưu của một bộ phận giới trẻ. Một số trẻ vị thành niên đang ngồi trên ghế nhà trường đã lựa chọn sử dụng những chất gây nghiện này.
Hiếu - học sinh lớp 12 tại Hà Nội - được cha mẹ đưa đến Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) trong tình trạng không tập trung trong học hành, công việc, thường xuyên cáu gắt với mọi người xung quanh.
Qua tìm hiểu, các bác sĩ nhận thấy nguyên nhân do nam sinh này thường xuyên chịu áp lực về học tập nhưng không tìm được sự đồng cảm của gia đình.
Mới đầu, Hiếu chủ yếu dại dột sử dụng cần sa, sau đó dùng thêm bóng cười, Ketamin để có thể "giảm áp lực" về học tập, cuộc sống. Sau khi được điều trị về mặt tâm lý, tháo gỡ nút thắt về áp lực cuộc sống kèm theo sử dụng thuốc điều trị, Hiếu đã dần bỏ chất nhưng vẫn cần sự giám sát và theo dõi của cha mẹ.
Đặc biệt là trường hợp của Thúy Vy (23 tuổi), nữ sinh có điều kiện này thường xuyên chi 5 - 7 triệu đồng để sử dụng bóng cười và có đến ba lần nhập viện để điều trị.
Điều đáng nói, Vy đã tìm hiểu rất kỹ về bóng cười, mặc dù biết rằng sử dụng nhiều N2O bóng cười sẽ gây thiếu hụt vitamin B12 nhưng nữ sinh này đã thuê người đến nhà tiêm truyền vitamin B12 vào cơ thể.
Khi Thúy Vy nhập viện, qua xét nghiệm, bác sĩ nhận thấy nữ bệnh nhân không thiếu vitamin B12 mà thiếu hồng cầu do tác hại của bóng cười. Các bác sĩ lý giải do bóng cười khá dễ thử và cho cảm giác sảng khoái nhưng nhanh hết nên rất nhiều bạn trẻ lựa chọn sử dụng.
Còn Kiều Anh (22 tuổi, quê Hà Tĩnh) đang phải đối mặt với khủng hoảng tâm lý vì mẹ luôn thúc ép chuyện ra trường phải kiếm được việc làm ngay, rồi thúc ép chuyện lấy chồng sinh con với quan niệm ở quê "con gái có thì". Đến mức cô sợ đặt chân về đến nhà, sợ đối diện với mẹ. Cô tìm đến thuốc lá, chất gây nghiện để giải tỏa căng thẳng.
Ngồi trà đá vỉa hè, la cà quán xá, Kiều Anh không ngần ngại hút thuốc, nhưng đến lúc về nhà cô giấu nhẹm đi vì sợ mẹ biết chuyện. "Không có ai đủ tin tưởng để tôi trút bỏ cảm xúc, chỉ có khi hút thuốc tôi mới bình tĩnh trở lại", Kiều Anh giãi bày. Đến bây giờ, cô vẫn tìm đến chúng sau mỗi lần cãi vã với mẹ.
Một học sinh bị căng thẳng kéo dài, dùng dao tự rạch vào tay - Ảnh bác sĩ cung câp
Thử một lần rồi nghiện
Tại hội thảo sử dụng chất gây nghiện ở thanh thiếu niên diễn ra mới đây, các bác sĩ Viện Sức khỏe tâm thần thông tin trung bình mỗi ngày viện tiếp nhận khoảng 350 bệnh nhân đến khám. Trong đó có hàng chục trường hợp là thanh thiếu niên bị rối loạn tâm thần do sử dụng và lạm dụng rượu, chất nicotine trong thuốc lá điện tử, shisha, hút cần sa, bóng cười và các loại ma túy tổng hợp khác.
Nếu như trước đây, đối tượng dùng chất gây nghiện chủ yếu là nam giới, hiện nay với việc xuất hiện nhiều chất gây nghiện mang tính giải trí (cần sa, khí cười...) thì tỉ lệ sử dụng giữa nam và nữ không chênh lệch nhiều.
Theo TS.BS Lê Thị Thu Hà - trưởng phòng điều trị nghiện chất, Viện Sức khỏe tâm thần - các loại chất như bóng cười, cần sa khá dễ thử, cho cảm giác sảng khoái tức thì, do đó rất nhiều người trẻ lựa chọn sử dụng.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người sử dụng thuốc lá từ 11 - 19 tuổi có nguy cơ gặp rối loạn thần kinh cao hơn. Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc lá hằng ngày cũng làm tăng nguy cơ rối loạn thần kinh và tuổi khởi phát bệnh rối loạn thần kinh sớm hơn.
"Trẻ vị thành niên là đối tượng rất dễ bị tác động tâm lý. Việc đối diện với áp lực trong học tập, những vấn đề trong các mối quan hệ xã hội hay trong chính gia đình cũng có thể khiến trẻ bị ảnh hưởng.
Từ những áp lực tâm lý, trẻ tìm cách giải tỏa bằng nhiều cách, trong đó có sử dụng nghiện chất. Ban đầu chỉ có thể là thử, khi đạt được cảm xúc thỏa mãn thì trẻ tiếp tục sử dụng và dần dần gây nghiện", bác sĩ Hà nhận định.
Với những trường hợp trẻ nghiện chất, bác sĩ cho rằng cha mẹ có thể dễ nhận ra những thay đổi của trẻ. Trong đó có việc thay đổi trong thành tích học tập, thay đổi mối quan hệ với thành viên trong gia đình, bạn bè, thay đổi trong vệ sinh cá nhân hoặc có những cuộc điện thoại không thể giải thích.
Tuy nhiên, những biểu hiện này cũng giống với những triệu chứng ban đầu nếu trẻ mắc trầm cảm. Bác sĩ đưa ra lời khuyên trong những trường hợp này, cha mẹ phải luôn theo sát tâm lý của trẻ, thường xuyên giữ giao tiếp với trẻ để xác định trẻ đang gặp vấn đề như thế nào.
Chị N.T.H. (ở Hà Nội) - phụ huynh có con gái đang học cấp III - chia sẻ tình cờ đọc được tin nhắn của con gái, chị bàng hoàng phát hiện con gái cùng nhóm bạn đang bàn bạc về việc sử dụng chất gây nghiện sẽ làm tỉnh táo hơn, để có thời gian học bài nhiều hơn. Chị chưa bao giờ nghĩ đến việc con sử dụng chất gây nghiện vì bình thường con có học lực khá giỏi, ngoan ngoãn và nghe lời gia đình.
"Con tìm hiểu rất rõ về việc sử dụng chất như thế nào, thậm chí hiểu cặn kẽ đến mức biết mức độ hút cần sa một hơi có cảm giác gì, hút hai hơi có cảm giác ra sao, phải hút thế nào để không ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống hằng ngày.
May mắn tôi đã phát hiện ra vấn đề, tôi lựa chọn ngồi xuống nói chuyện với con và ngăn con sử dụng chất", chị H. nhớ lại. May mắn, con gái chị H. đã chịu hợp tác với mẹ, không tham gia sử dụng chất cùng nhóm bạn.
ThS Bùi Văn Toàn - phòng tâm lý lâm sàng, Viện Sức khỏe tâm thần - cho biết trị liệu tâm lý đối với trẻ vị thành niên có thể sử dụng các liệu pháp gia đình, giáo dục và sử dụng thuốc điều trị.
Trước tiên, gia đình, chuyên gia cần giáo dục cho trẻ về tác hại lâu dài của chất đến sức khỏe thể chất cũng như sức khỏe tâm thần. Bên cạnh đó, cần có sự đồng hành của cha mẹ, người thân, can thiệp kịp thời khi trẻ có ý định tái sử dụng chất. Với mức độ trẻ nghiện chất nặng, cần có sự can thiệp sử dụng thuốc dưới phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa.
"Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu sử dụng nghiện chất, cha mẹ nên can thiệp càng sớm càng tốt, gia đình cần tỏ rõ quan điểm, đồng hành để thay đổi hành vi của trẻ. Trẻ sử dụng chất gây nghiện chủ yếu do hai nguyên nhân là do stress hoặc muốn thể hiện bản thân. Vì vậy, gia đình cần theo dõi, giải quyết những vấn đề của trẻ để trẻ không tái sử dụng chất gây nghiện", ThS Bùi Văn Toàn nói. |
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/nhung-nguoi-tre-tu-dung-khoc-cuoi-ky-la-ky-2-dai-dot-dung-chat-gay-nghien-de-bot-stress-2022102010012339.htm