"Đó là cơn ghen kỳ cục nhất khi tôi so sánh những gì anh đã làm cho bạn kia với mình. Mặc định tình yêu đầu bao giờ cũng là sâu nặng nhất nên tôi cảm thấy khó chịu khi mình là người thứ hai".
Trong tình yêu, tin tưởng nhau là điều quan trọng - Ảnh minh họa: QUANG ĐỊNH
Ghen tuông là điều có thể xảy ra trong mối quan hệ yêu đương, vợ chồng, bởi sợi dây liên kết đặc biệt. Theo đó, người trong cuộc mong muốn người kia dành sự quan tâm riêng và thật nhiều cho mình, và ngược lại.
"Yêu đương, ghen giúp cho cả hai cảm thấy được quan tâm nhiều hơn nhưng đừng để cơn ghen trở nên độc hại", chị T., nhân viên một công ty tài chính ở TP.HCM, chia sẻ.
Khó tránh chuyện ghen
Theo chị T., người từng trải qua vài mối tình, kéo dài một vài năm, rồi lâu nhất là 4 năm - "không có cặp đôi yêu nhau nào mà không ghen". Chị T. nhớ lại hồi mới quen bạn trai đầu, chị đã ghen với người yêu cũ của anh ấy khi... nghe anh kể tình đầu.
"Đó là cơn ghen kỳ cục nhất khi tôi so sánh những gì anh đã làm cho bạn kia với mình. Mặc định tình yêu đầu bao giờ cũng là sâu nặng nhất nên tôi cảm thấy khó chịu khi mình là người thứ hai. Tôi biết cơn ghen đó đến từ thời trẻ trâu, khi mình mới ra trường", chị T. kể. Và đó cũng chính là lý do khiến chị và anh chia tay.
"Giờ nghĩ lại, tôi thấy mình ích kỷ, lẽ ra tôi nên thấy hiện tại mới là quan trọng nhất để cùng anh vun bồi tình cảm. Đến giờ, khi nghĩ lại câu nói lúc anh đề nghị dừng lại - "anh hết chịu nổi em rồi" - tôi vẫn còn giật mình vì sự quá quắt của bản thân, suốt ngày cứ kiếm chuyện với mối quan hệ cũ của anh, để người xưa "đội mồ" sống dậy trong mối quan hệ hiện tại của mình", chị nói về bài học xương máu.
Trong khi đó, anh H. cũng từng ghen với vợ khi có thời gian bà xã mình đi sớm, về trễ do một dự án mới của công ty. "Vợ tôi làm cho công ty nước ngoài nên khi có dự án mới sẽ rất bận. Cô ấy ở vị trí trưởng phòng nữa nên họp liên tục. Bị vợ "bỏ đói", thiếu quan tâm nên tôi nổi nóng, nghĩ rằng cô ấy có thể có mối quan hệ bên ngoài", anh chia sẻ.
Và anh H. đã có những lời nói khiến mối quan hệ trở nên căng thẳng. "Em đi làm đã rất áp lực ở công ty rồi, anh hãy thôi ngay những suy diễn lung tung ấy có được không?". Đến khi một người vợ hiền lành, luôn nhỏ nhẹ phải quát lên như vậy anh H. mới giật mình, xin lỗi và hẹn vợ ngồi lại giải quyết vấn đề trong mối quan hệ của hai người.
Khi cơn ghen là "người thứ ba"
Việc anh H. giải quyết ngọn lửa ghen tuông bằng cách đề nghị vợ cùng lắng nghe nỗi lo lắng, buồn phiền, hoài nghi trong lòng mình là một cách... thông minh. Anh H. tự nhận thấy như vậy và chia sẻ thêm: "Vì yêu vợ và mong muốn vợ chồng luôn dành thời gian quan tâm nhau, lãng mạn vào cuối tuần nên tôi đã giận dỗi vợ, gán ghép điều không đúng cho cô ấy. Trong khi đó, mình không có chứng cứ nào cho sự xao lãng của vợ liên quan đến người thứ ba.
Tôi đã kịp bừng tỉnh để lắng nghe chính mình, đang sợ hãi điều gì, cần vợ mình giúp đỡ ra sao cũng như lắng nghe cô ấy để hiểu thực tế công việc và áp lực vợ mình đang gánh. Nhờ đó đã kịp dừng lại, bước qua sự căng thẳng một cách bình an".
Không phải ai cũng có được kỹ năng thoát ra vùng nguy hiểm của ghen tuông bởi khi rơi vào vòng xoáy của hoài nghi, nhiều người đã trở nên ích kỷ cùng cực, hành xử không còn dễ thương, thậm chí bạo lực.
Trong tình yêu, hôn nhân, không ít người do để ý quá chi tiết, sợ mất nên càng dễ suy diễn dẫn tới ghen bóng ghen gió khiến mối quan hệ trở nên "cơm không lành canh không ngọt" - thạc sĩ tâm lý Phạm Đình Khanh lý giải. Và khi cơn ghen vượt ra khỏi sự kiểm soát bằng lý trí, con người ta sẽ có những lời nói, việc làm - từ gây khó chịu đến tạo ra tổn thương cho người kia.
Theo anh Khanh, có nhiều vụ án do ghen tuông xảy ra khiến người trong cuộc sau khi nhận về hậu quả đã không biết tại sao mình có thể làm như vậy. Nhiều cặp đôi phải đi đến chấm hết, không nhìn mặt nhau cũng vì ghen tuông, giữ quá chặt người kia khiến người ấy "nghẹt thở", dẫn tới mối quan hệ bị "chết yểu". Và đáng tiếc nhất là những cặp đôi ấy không phải vì có người thứ ba. Khi đó, cơn ghen vô cớ chính là "kẻ thứ ba" giấu mặt.
Để dập tắt ngòi nổ ghen tuông, anh Phạm Đình Khanh gợi ý hai người trong cuộc cần đối thoại cùng nhau để tìm ra đầu mối của cơn ghen. Nếu một trong hai có người thứ ba thật thì không nên lừa dối người kia, còn người kia cũng không nên quá đau khổ để rồi hành xử gây phương hại đến sức khỏe, danh dự của người yêu, bạn đời.
"Lửa ghen cần phải được làm dịu lại bằng cách dừng lại, nhìn sâu vào mối quan hệ của cả hai. Nếu bắt buộc phải dừng lại thì cũng phải thật văn minh vì trong tình cảm không thể có chuyện dùng vũ lực để nắm giữ, lôi kéo", thạc sĩ Đình Khanh cho hay.
Giãi bày với người thương Nếu rơi vào tình huống gặp một... cơn ghen, bạn nên cùng người ấy ngồi lại với nhau, nói về tình trạng mà mình đang cảm thấy, đang trải qua, và nói lên mong muốn cải thiện tình hình, đề nghị người kia cùng mình bước qua khó khăn. Nếu người kia còn thương và trân trọng mình sẽ cảm nhận được, hóa giải hoài nghi, giúp mình tin tưởng, làm cho mối quan hệ sáng đẹp ra. Còn khi không thể tiếp tục mối quan hệ yêu đương, vợ chồng buộc phải chia tay, đây là điều không ai muốn nhưng chúng ta phải chấp nhận để cả hai còn giữ lại những điều tốt đẹp đã từng có với nhau. Thạc sĩ tâm lý Phạm Đình Khanh |
Theo Tấn Khôi/ Tuổi Trẻ
https://tuoitre.vn/ghen-voi-tinh-xua-doi-mo-song-day-2022091722044654.htm