Càng gần đến rằm tháng 8, thị trường bánh trung thu càng sôi động, đặc biệt là có sự góp mặt trở lại của nhiều loại bánh “xách tay” giá siêu đắt đỏ.
Sau 2 năm thị trường bánh trung thu ảm đạm bởi dịch Covid-19, năm nay, bên cạnh dòng bánh bình dân, cao cấp nội địa, còn có sự góp mặt của rất nhiều loại bánh trung thu giá từ vài triệu đến gần chục triệu đồng từ Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Singapore, Malaysia… nhập khẩu qua đường xách tay.
Quen thuộc và lâu đời nhất trên thị trường vẫn là bánh trung thu Hồng Kông - được mệnh danh là nơi sinh ra những chiếc bánh trung thu đắt đỏ, ngon nhất thế giới. Năm nay, một số cửa hàng chuyên bánh kẹo xách tay đã săn lùng những chiếc bánh trung thu “độc lạ” phục vụ các “thượng đế”. Một trong những loại siêu đắt đỏ đang được bán trên thị trường là bánh trung thu hạng nhất Hồng Kông của khách sạn 6 sao Penisuala.
Tại một cửa hàng chuyên bán đồ nhập khẩu trên phố Trần Quốc Toản (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội), hộp bánh Star chef Moon Gazung gồm 4 chiếc bánh nhân đậu xanh, mè, trứng và 4 chiếc nhân hạt sen, chanh mặn kèm theo bộ ấm và tách trà sứ, giá 9,5 triệu đồng/hộp. Rẻ hơn nữa có loại Premium gồm 10 chiếc: nhân sen, dứa, đậu đỏ, hạt hướng dương, khổ qua… giá 4,9 triệu đồng.
Nhân viên cửa hàng này tiết lộ: “Bánh trung thu từ khách sạn lâu đời và sang chảnh này là một món quà không thể thiếu trong giới tài phiệt và thượng lưu ở xứ Hương Cảng. Vì vậy, khi xách tay về Việt Nam, loại bánh này rất kén khách, người mua chủ yếu mang đi biếu, tặng. Cửa hàng chỉ ưu tiên cho khách hàng đặt sớm, cận trung thu sẽ không còn hàng về”.
Mùa bánh trung thu năm nay còn có sự góp mặt của bộ sưu tập bánh đến từ các khách sạn danh tiếng của Singapore, cũng được các cửa hàng online quảng cáo là hàng xách tay phiên bản giới hạn.
Theo các cửa hàng, với mức giá không quá cao, bánh trung thu Singapore đang được nhiều người săn tìm làm quà biếu. Đơn cử, bộ sưu tập bánh trung thu mạ vàng làm thủ công từ nguyên liệu cao cấp của thương hiệu khách sạn The St. Regis, có các loại nhân lá dứa, hạt sen, trứng muối, maca… giá 4,9 triệu đồng/hộp; 1 hộp bánh trung thu Indigo đang bán trên thị trường giá 4,3 - 3,5 triệu đồng (gồm 1 set ấm trà và 4 chiếc bánh).
Nếu dòng bánh trung thu của Hồng Kông, Singapore, Đài Loan… chủ yếu là bánh nướng, thì bánh trung thu Malaysia lại chuyên về dẻo. Chỉ mới xuất hiện tại Hà Nội gần đây và được các cửa hàng online “lăng xê” ví như chiếc bánh “đánh rơi” từ thiên đường là bánh trung thu sầu riêng Musang King Blackthorn.
Chị Thu Trà, nhân viên văn phòng ở Q.Hai Bà Trưng (Hà Nội), cho hay ở Việt Nam chị từng mua bánh trung thu sầu riêng nhưng chỉ là bánh có đậu xanh, thêm hương vị sầu, còn loại bánh trung của Malaysia thì lại là nhân sầu tươi.
“Một người bạn tôi đi công tác Malaysia tặng tôi hộp bánh trung thu, phải nói là nhìn chiếc bánh bình thường, nhưng rất ăn ngon. Vỏ bánh mềm ngọt dịu như bánh mocha, nhân sầu béo ngậy, nhưng không hề ngấy. Lên mạng tìm kiếm, tôi mới biết đây là loại bánh thượng hạng làm từ loại sầu riêng ngon nhất thế giới. Ở Việt Nam cũng có bán loại này, tôi đặt mua mà “cháy” hàng, chờ 2 ngày nữa mới có đợt hàng mới”, chị Trà chia sẻ.
Chị Thanh Hương, chuyên bán đồ xách tay ở Q.Long Biên (Hà Nội), cho hay cửa hàng mới nhập khẩu 10 hộp bánh trung thu Malaysia về mà bán hết veo trong ngày.
“Trước dịch Covid-19, tôi hay bán dòng bánh nhập từ Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan. Hai năm rồi trung thu toàn rơi vào đúng lúc dịch bệnh bùng phát nên buôn bán ế ẩm. Năm nay, hàng hóa lưu thông trở lại, tôi chỉ dám nhập thăm dò 10 hộp về bán, không nghĩ loại bánh nhân sầu riêng của Malaysia lại đắt hàng như vậy. Dù giá không hề rẻ, 1,4 triệu đồng/hộp (6 chiếc), nhưng vẫn có nhiều người đăng ký đặt mua 4 - 5 hộp, chủ yếu là những khách hàng vip, hoặc mua đi biếu sếp, đối tác”, chị Hương nói.
Theo chị Hương, bánh trung thu Malaysia có 2 loại: bánh dẻo trắng làm từ bột nếp và bánh dẻo đen vò trộn thêm tinh than tre. Sở dĩ bánh đắt là ngoài nhân bánh được từ sầu tươi ngon nhất thế giới, bánh được làm hoàn toàn thủ công, hộp bánh được thiết kế sang trọng có túi xách giữ nhiệt đi kèm và phải xếp hàng mới mua được loại bánh này.
Mua hàng bằng niềm tin
Mặc dù được bán với giá tiền triệu khá là đắt đỏ, song có một thực tế là hầu hết các loại bánh trung thu nội địa, “xách tay” trên thị trường, nhất là cửa hàng online, không có tem, nhãn phụ bằng tiếng Việt, chỉ có tiếng Trung, tiếng Anh, Malaysia… cũng không có hóa đơn chứng từ. Người tiêu dùng mua bằng niềm tin, theo lời quảng cáo của các cửa hàng. Nhiều người chuộng “hàng xách” tay bởi hàng hiếm, mới lạ, “không đụng hàng” mới xứng tầm làm quà biếu; hoặc tin tưởng hàng ngoại là hàng mới, từ các nước phát triển, các thương hiệu lớn, an tâm về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo PGS - TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm (Trường đại học Bách khoa Hà Nội), hàng thực phẩm, bánh kẹo nhập khẩu chính ngạch thường qua mất rất nhiều thủ tục, từ kiểm tra nguồn gốc, chứng nhận xuất xứ hàng hóa... Những năm gần đây, đặc biệt là sau dịch Covid-19, mua sắm online đã trở thành xu hướng phổ biến tại Việt Nam. Tuy nhiên, cơ quan quản lý lại chưa kiểm soát được việc mua bán online, nhất là trên mạng xã hội. Người tiêu dùng vẫn chủ yếu mua hàng dựa vào niềm tin.
“Bánh trung thu là mặt hàng thực phẩm ăn trực tiếp, vì vậy, để tránh phát sinh rủi ro khi mua hàng online, người tiêu dùng phải tự bảo vệ mình bằng cách lựa chọn những cửa hàng uy tín, có địa chỉ bán hàng cụ thể. Khi mua hàng, nhất là những loại bánh có giá trị cao, cần yêu cầu có hóa đơn đầy đủ, bánh có ghi hạn sử dụng trong vòng 15 ngày đến 1 tháng”, chuyên gia về công nghệ thực phẩm khuyến cáo.
Thời điểm gần tết Trung thu là cơ hội để các đối tượng trà trộn sản phẩm kém chất lượng, bánh nhập lậu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Trong tháng 8, Cục Quản lý thị trường TP.Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 11 vụ, phạt hành chính 92,5 triệu đồng, trị giá hàng hóa vi phạm gần 115 triệu đồng, tịch thu, tạm giữ 26.963 chiếc bánh trung thu các loại. Trong đó, hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng hóa nhập lậu, có nhãn ghi bằng tiếng nước ngoài, không có hóa đơn chứng từ.
Cục này khuyến cáo người tiêu dùng không nên mua các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Khi mua phải lưu ý kiểm tra nhãn mác, hạn sử dụng sản phẩm. Sản phẩm được bán ở địa điểm kinh doanh xác định, đáp ứng các điều kiện bảo quản.
Theo Hải Bình/ Thanh niên
https://thanhnien.vn/banh-trung-thu-danh-roi-tu-thien-duong-chay-hang-post1496390.html