Trong cuộc sống ai cũng mong muốn mọi thứ thuận lợi, hạnh phúc đủ đầy. Vậy với gia đình chưa sung túc, bố mẹ cần dạy con thế nào để trẻ không mặc cảm vì hoàn cảnh và tự tin vươn lên?
Ảnh minh hoạ/INT.
Theo chuyên gia Nguyễn Thu Hà: Thay vì chê trách con, bực bội thất vọng vì con, đổ lỗi than phiền trách móc, cha mẹ cần dùng công thức “Quan sát - Nhận diện và Hỗ trợ” để tìm ra hướng tốt hơn cho con và cả gia đình, với 5 nguyên tắc:
Chuyên gia tâm lý giáo dục gia đình Nguyễn Thu Hà.
Thứ nhất, chúng ta cần nhìn nhận lại chính mình, dành thời gian kết nối với con, bằng cách tạo ra những không gian an toàn tin cậy trò chuyện riêng với con và lắng nghe con nói, thấu hiểu và đồng cảm với tâm lý lứa tuổi của con từ đó đặt những câu hỏi để con tự nhận diện vấn đề làm thế nào để tốt hơn cho con.
Ví dụ: Theo con có cách nào khác tốt hơn không? Có điều gì đó tốt ở đây không con?
Thứ hai: Giúp con nhận biết rằng ở ngoài xã hội, ở xung quanh chúng ta hay thậm chí ngay cạnh nhà mình lại có những cảnh đời bất hạnh.
Cha mẹ hãy linh động cho trẻ thử nghiệm thử thách thông qua những hoạt động giáo dục mới thật sự quan trọng và đó cũng là nguyên tắc dạy con bản lĩnh trong cuộc sống.
Ví dụ cho con tham gia các trải nghiệm tình nguyện, từ thiện để gia tăng nghị lực, kích hoạt lòng trắc ẩn sự sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn bất hạnh như mồ côi cả cha lẫn mẹ, bị bỏ rơi từ bé không có gia đình, bị bệnh tật hiểm nghèo...
Cho con trải nghiệm để nhận ra rằng cuộc sống này muôn màu đa dạng, để cho trẻ cảm nhận được mình may mắn dù rằng cha mẹ không giàu nhưng vẫn luôn nỗ lực vươn lên. Và động lực để con phấn đấu để có được những thứ con muốn và nhất là con người mà con muốn trở thành trong tương lai tốt đẹp đi lên từ khó khăn còn đáng ca ngợi hơn ý nghĩa hơn nhiều.
Hãy giúp con hiểu hoàn cảnh chỉ chiếm 10% kết quả và sự thành công, 90% còn lại phụ thuộc vào thái độ sống, vào phản ứng, cách đón nhận và chuyển hoá sự vật sự việc con người như thế nào.
Hầu hết những người thành công xuất chúng trên thế giới là những người có hoàn cảnh không thuận lợi thậm chí rất khó khăn.
"Kẻ nghèo nhất trong cuộc đời không phải là không có một đồng xu trong túi mà là kẻ không có nổi cho mình một ước mơ; Giúp con gợi nhớ ước mơ của con là gì? Con muốn trở thành người như thế nào?".
Ảnh minh hoạ/INT.
Thứ ba: Thực hành lòng biết ơn, đếm những ân phước những gì mình đã có, đang có và muốn có. Giúp con nhìn nhận những điều tốt đẹp trước khi nó biến mất, cảm nhận và tưởng tượng khi mất đi sẽ như thế nào và nhận ra mình vẫn đang còn có nó, để con thấy mình thật may mắn đủ đầy thay vì thiếu thốn.
Ví dụ câu nói: "Tôi đã khóc vì không có giày để đi, cho đến khi tôi nhìn thấy một người không có chân để đi giày" - Một câu nói truyền động lực đến hàng triệu người bài học quý về giá trị sống rút ra từ lời tâm sự của nữ nhà văn Mĩ Helen Keller.
"Hãy biến hoàn cảnh thành động lực sống” - bà Nguyễn Thu Hà nói.
Thứ tư: Cha mẹ hãy kể cho các con nghe những câu chuyện những tấm gương vượt lên số phận hoản cảnh. Chẳng hạn: Trước khi đăng quang tại cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 6, bạn Lê Vũ Hoàng là “con nhà mồng tơi” thứ thiệt, cả nhà phải sống trong căn nhà tranh vách lá nhưng chưa bao giờ Hoàng mặc cảm vì điều đó.
Chính vì hoàn cảnh gia đình khó khăn mà Hoàng có một quyết tâm phải học thật giỏi để thoát nghèo và giúp đỡ cha mẹ. Hay tấm gương của thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, anh Nick Vujicick.
Thứ năm: Một trong những bí quyết để con trở nên lạc quan, tự tin trong cuộc sống đó chính là cha mẹ hãy cho con tiếp xúc và làm quen với những người có tư duy, cách sống tích cực. Bởi vì bên cạnh những người này trẻ sẽ cảm nhận được sự nhiệt huyết, vui vẻ, thái độ sống nhã nhặn và luôn hướng về đích tươi sáng cuối cùng.
Hãy giúp trẻ hiểu rằng, hoàn cảnh nào cũng chỉ là nhất thời, nỗ lực của con người đủ sức mạnh làm thay đổi tất cả. Thái độ sống của con hôm nay sẽ là chỉ báo cho những điều con nhận được trong tương lai.
Theo Bảo Trâm/GD&TĐ
https://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/chuyen-gia-bat-mi-5-nguyen-tac-giup-tre-lac-quan-tu-tin-trong-cuoc-song-3r0R51NnR.html