Trong thời gian thực hiện giãn cách, các em nhỏ không thể đến các khu vui chơi hay gặp gỡ bạn bè mà phải ở trong nhà. Nhiều bố mẹ đã mua trứng về ấp thành những chú vịt để con bầu bạn, bớt buồn chán.
Nhờ cách ấp nở dễ dàng nên những chú vịt được nuôi làm "thú cưng" đang trở thành trào lưu của các gia đình có con nhỏ trong mùa dịch.
Vịt hóa "thú cưng"
Chị Phan Quỳnh Trang ở quận Tân phú, TPHCM không ngờ có ngày lại nuôi vịt ở chung cư. Chị mua 10 quả trứng vịt lộn, 8 quả để ăn, còn 2 quả dành để ấp nở và lên kế hoạch chuẩn bị cho việc đón thêm "thành viên mới".
Chú vịt con được chị Trang nuôi ở ban công chung cư (Ảnh: Quỳnh Trang).
Từ khi có thêm "thành viên mới", chị Trang cũng bận bịu hơn nhưng đổi lại không khí gia đình thêm rộn ràng, vui vẻ hơn, đặc biệt con trai 2 tuổi không còn đòi xem tivi lúc bố mẹ bận, mà chỉ chơi với bạn vịt.
"Ngôi nhà" của vịt ở ngay ban công nên chị Trang thường xuyên dọn dẹp, mỗi ngày chị dọn 1 lần vào sáng sớm, để cả ngày vịt có không gian sạch để ở và mùi hôi không bay vào nhà.
Mẹ đảm còn trang bị 1 "hồ bơi" bé để vịt bơi, rỉa lông rỉa cách sạch sẽ nên cũng hạn chế được mùi hôi. (Ảnh: Quỳnh Trang).
"Bé nhà mình đang tuổi tập nói, nên từ khi có vịt, bé tập nói chuyện với vịt, hát 1 số bài về chú vịt con, biết giúp đỡ mẹ chuẩn bị đồ ăn cho vịt. Đặc biệt là không đòi xem tivi và điện thoại lúc bố mẹ bận nữa.
Sài Gòn giãn cách thời gian dài nên con ở trong nhà nhiều cũng chán, có thêm chú vịt này làm con vui vẻ hơn, tập nói nhiều hơn", chị Quỳnh Trang chia sẻ.
Cũng giống chị Quỳnh Trang, gia đình chị Đặng Trang (Hà Nội) những ngày ở nhà giãn cách cũng bận rộn hơn vì có thêm "thành viên" mới để bầu bạn cho con.
"Vì nghỉ dịch các con không có chỗ đi chơi và khám phá nên mình mua 2 quả trứng vịt lộn ở chợ về cho ủ trong khăn và để chỗ ấm, khoảng 12 ngày vịt nở", chị Đặng Trang kể.
Chị Trang dùng thùng bìa carton và khăn để ấp trứng, sau 12 ngày vịt nở (Ảnh: Đặng Trang).
Ngày ngày các bạn bé lên thăm em vịt và cho ăn rất háo hức, như có thêm người bạn để chơi cùng (Ảnh: Đặng Trang).
Quá trình nuôi vịt đã đem lại cho 2 bạn bé nhiều niềm vui trong những ngày thành phố thực hiện giãn cách và cũng giúp các bé có thêm kiến thức về động vật (Ảnh: Đặng Trang).
Dạy con tình yêu với động vật
Kể từ khi ấp trứng, nuôi vịt đến nay cũng đã được hơn 1 tháng, chị Nguyễn Hằng (Hà Nội) chia sẻ, con trai 4 tuổi của chị vẫn rất hào hứng mỗi khi được chăm sóc chú vịt con.
"Cậu con trai 4 tuổi nhà mình sợ bẩn, hơi nhút nhát khi tiếp xúc với động vật nên mình muốn nuôi 1 bạn động vật nào đó để con trai học cách biết yêu động vật, hoàn thiện tính cách hơn", Chị Nguyễn Hằng cho biết.
Mẹ đảm Hà Nội chọn ấp thử trứng vịt và sáng nào sau khi ngủ dậy cu cậu cũng ra xem và hỏi các câu hỏi mang tính khám phá: "Trong quả trứng có lòng vàng và lòng trắng thì bạn vịt màu gì hả mẹ?", "Bạn vịt lớn trong quả trứng rồi dùng mỏ đập vỏ chui ra à mẹ?"…
Sau 11 ngày trứng nở, con trai chị Hằng rất vui mừng và đặt tên cho "thú cưng" mới là "Bánh Gấu" - món ăn vặt yêu thích nhất của cậu bé.
Hàng ngày cu cậu chơi với bạn vịt, cho vịt ăn, cho bơi…thậm chí cho lên ngủ cùng (Ảnh: Nguyễn Hằng).
Mẹ đảm Hà Nội hài hước nói: "Từ khi có bạn vịt, con trai mình bạo dạn hơn, mình còn sáng tạo chiếc bỉm cho vịt" (Ảnh: Nguyễn Hằng).
Chị Hằng cũng chia sẻ thêm, mọi người nghĩ vịt hôi nhưng thực ra chỉ nuôi 1-2 con thì việc vệ sinh rất đơn giản, chị nuôi vịt trong lồng chim, cho ăn rau và cơm hàng ngày.
Theo Hà Hiền/Dân trí
https://dantri.com.vn/van-hoa/trao-luu-ap-trung-nuoi-vit-lam-thu-cung-cho-con-trong-mua-dich-20210916085936495.