'Mẹ ơi cho con ra ngoài chơi đi!', các con van nài vì ở trong nhà quá lâu khi thành phố bước vào giãn cách xã hội. Tôi và chồng phải liên tục tìm nhiều cách để con quên đi mong muốn được ra ngoài.
"Mang biển" về nhà
Bình thường chân đi vốn quen, các con vẫn đeo khẩu trang chạy sang nhà hàng xóm hoặc ra sau hè chơi với bạn. Nay chỉ thị 16 được áp dụng, hai bạn nhỏ của tôi chính thức không được ra ngoài, mọi hoạt động đều gói gọn trong bốn bức tường.
Gia đình tôi sống chung với ông bà nên đồ đạc nhiều, khoảng không gian cho con chơi cũng rất hạn hẹp. Sau vài ngày tù túng, con bắt đầu tìm đồ để đập phá, nhảy lên bàn ghế tạo tiếng động ồn, hú la inh ỏi. Khi bị mắng, con lại quay sang chiếm tivi xem phim hoạt hình.
Có lẽ trẻ con quá nhiều năng lượng nhưng lại không biết xả vào đâu. Vợ chồng tôi nghĩ, nếu tình trạng này cứ kéo dài hết mùa giãn cách, mắt con sẽ cận lòi, còn hai vợ chồng sẽ vô cùng stress.
Chúng tôi ngồi lại với nhau, nghĩ ra nhiều trò dựa trên sở thích của con để giúp con bớt buồn chán. Chồng tôi có người quen nuôi chim nên cũng xin về một chú vẹt để "phân tán tư tưởng" của con. Ngày nào lũ trẻ cũng ra tập cho vẹt nói chuyện, cho vẹt ăn, uống nước hay thậm chí dọn phân cho chim. Bận rộn như vậy, các con lại thích.
Tôi nghĩ nhân cơ hội này, nuôi một con thú cưng vừa giúp vun bồi ở con tình yêu động vật lại tập cho trẻ tính chịu trách nhiệm đối với cuộc sống hằng ngày.
Trẻ con thường rất thích chơi cát. Ra biển không được thì chồng tôi mang cát về nhà cho con chơi. Tôi đầu tư một tấm bạt trải và bộ đồ chơi cát chưa đến 100.000 đồng. Chồng tôi chọn một khoảng trống trong nhà để đổ cát ra. Cứ mỗi chiều, khi con bắt đầu nóng lòng ra đường, tôi lại thả con ở đó để hai cu cậu thỏa sức sáng tạo.
Chơi với cát cũng giúp con gần gũi với thiên nhiên hơn, bởi ở thành phố không có cát nhiều để con tiếp xúc. Gia đình nào ở xa biển có thể mua các loại hạt giả cát như ở trong các khu trò chơi cũng rất tiện. Trong lúc chơi, tôi tranh thủ đệm thêm vài câu hỏi làm phép tính cộng, tính trừ để con không quên bài. Với bạn nhỏ hơn, tôi dạy về màu sắc thông qua các món đồ chơi.
Ngoài đồ chơi cát, tôi thấy bong bóng cũng là món đồ chơi mà mình có thể sáng tạo ra nhiều cách chơi khác nhau. Ngoài dùng bong bóng để đá, tôi tận dụng giấy bìa cứng làm vợt để con đánh qua lại. Bóng nhẹ và bay chậm nên trẻ con dễ đỡ, sẽ rất vui khi cả nhà cùng chơi.
Chồng tôi bày ra trò thổi lên rồi thả cho bong bóng xì bay vèo vèo khắp nhà, các con cũng rất khoái.
Các con chơi chán rồi, tôi đổ nước vào bong bóng, cho vào ngăn đá làm quả cầu lạnh. Mỗi trò chơi, tôi và chồng đều cố gắng lồng ghép kiến thức vào để con có thể học được điều gì đó thú vị, như tại sao bong bóng lại bay, vì sao nước lại có thể đông thành đá,…
Bắt trẻ con ở nhà rất khó, nhất là trong tình cảnh nhà ở phố chật hẹp lại không có sân chơi. Tôi thật sự rất đồng cảm với nhiều bậc cha mẹ. Nhưng rồi "cái khó cũng ló cái khôn", mọi khó khăn rồi cũng sẽ qua miễn là cả gia đình cùng đồng lòng chung sức.
Theo Tú Oanh/Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/con-quen-di-choi-toi-bay-tro-trong-nha-de-con-giai-toa-nang-luong-20210725150447917.htm