Gần 20 năm nay, nhiều người dân ở Sóc Trăng rất cảm phục trước nghĩa cử của đôi vợ chồng ngoài 70 tuổi đã cưu mang, nuôi dưỡng hàng chục trẻ mồ côi. Tất cả các cháu đều gọi ông bà là ông nội, bà nội.
Ông Nguyễn Văn Phước (75 tuổi) cùng vợ là bà Lê Thị Trí Hiền (64 tuổi) đang nuôi dưỡng các cháu mồ côi tại "Cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi" được đặt ở nhà riêng của ông bà tại phường 7 (TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng).
Cơ sở này được vợ chồng ông Phước mở năm 2003. Ban đầu, cơ sở nhận nuôi 13 cháu, đến nay đã có tổng cộng 26 cháu. Trong đó, có 18 cháu đang đi học từ Tiểu học đến THPT và nhiều cháu đã trưởng thành, ra ngoài đi làm.
Ông Phước chia sẻ, vợ chồng ông nhận nuôi trẻ mồ côi là sự tiếp nối di nguyện của cha bà Hiền là cố Hòa thượng Tịnh Hạnh, người sáng lập chùa Năng Nhơn, đã nhận nuôi nhiều trẻ mồ côi ở địa phương.
Khi qua đời, ông để lại di nguyện cho con gái là mong muốn bà tiếp bước, thay ông bao bọc, chở che cho những cháu bé bất hạnh.
Bà Hiền (thứ 2 bên trái) và ông Phước (thứ nhất bên phải).
Các cháu vào cơ sở của vợ chồng ông Phước đều có cảnh ngộ rất éo le như mẹ các cháu là những phụ nữ nghèo, thiếu hiểu biết, nhẹ dạ, bị lừa gạt dẫn tới có thai rồi bị người yêu hay gia đình ruồng bỏ; có cháu bị bỏ rơi ngay khi vừa sinh ra;…
Như giữa tháng 5/2003, khi vào chùa dọn dẹp, bà Hiền gặp một cô gái khoảng 20 tuổi bế trên tay một đứa bé còn đỏ hỏn ngồi trước cổng. Vừa thấy bà, cô gái này khóc lóc, xin bà hãy nhận nuôi dưỡng cháu bé vì cha cháu và cả gia đình đều không thừa nhận, còn cô cũng vì hoàn cảnh không thể nuôi con được. Vậy là bà Hiền nhận nuôi cháu bé đó.
Khi có trẻ bị bỏ rơi, vợ chồng ông Phước đều trình báo với chính quyền địa phương để lập biên bản ghi nhận sự việc. Sau đó, ông bà xin được nuôi dưỡng các cháu. Tất cả các cháu đều gọi ông Phước và bà Hiền là ông nội, bà nội.
Vợ chồng ông Phước chăm sóc chu đáo, lo cái ăn, cái mặc, học hành cho các cháu đến nơi đến chốn. Hàng ngày các cháu đi học đều được ông bà thuê xe taxi đưa đón để không bị mưa nắng và đảm bảo an toàn.
Ông Phước cùng các "cháu nội".
Trong số này, có những cháu "đủ duyên" tiếp tục ở lại chùa để trở thành những tu sĩ; có cháu tìm về với cha mẹ, hòa nhập vào cuộc sống cộng đồng; có cháu ra ngoài xin việc làm, ông bà cũng tạo điều kiện để các cháu có cuộc sống ổn định.
Cháu Trần Văn Vi (hiện học lớp 11, trường THPT TP Sóc Trăng) cho biết: "Con nghe kể, con được gửi vào cơ sở lúc còn nhỏ. Con không biết cha mẹ là ai. Vào đây, con và các em được ông bà nội chăm sóc chu đáo, ăn uống đầy đủ, được cho đi học đàng hoàng. Con rất vui và muốn được ở với ông bà nội lâu dài hơn".
Nguồn kinh phí để nuôi dưỡng, chăm sóc các cháu chủ yếu do 2 người con gái của vợ chồng ông Phước và một người em gái của bà Hiền hỗ trợ, cùng với sự chung tay góp sức của các nhà hảo tâm.
"Dù có con nhưng không có cháu nên vợ chồng tôi xem các cháu như cháu ruột của mình. Hàng ngày, thấy các cháu vui vẻ, khỏe mạnh là chúng tôi vui lắm. Vợ chồng tôi nói với nhau sẽ dành hết đời mình cho các cháu", ông Phước nói.
Nhiều "cháu nội" của vợ chồng ông Phước đã lớn, tùy theo "duyên" mà các cháu ở lại chùa hoặc về với gia đình hoặc ra ngoài kiếm sống.
Ông Nguyễn Văn Hùng (người dân ở phường 7, TP Sóc Trăng) cho biết: "Việc vợ chồng ông Phước nuôi nhiều cháu bé mồ côi là một "sự tích" kỳ diệu ở địa phương, bà con ai cũng cảm phục. Càng khâm phục hơn là dù rất đông "cháu nội" nhưng vợ chồng ông bà không thuê người ngoài chăm sóc mà tự ông bà và cô con gái trực tiếp chăm sóc.
Chúng tôi cũng hỏi thì ông bà nói: "Khi mình nhận nuôi dưỡng các cháu là phải bảo đảm an toàn cho các cháu. Thôi thì mình vất vả thêm chút nhưng để các cháu được vui, được an toàn". Điều đó cho thấy ông bà nuôi dưỡng các cháu bằng tình thương đích thực, không thể kể hết được".
Hôm chúng tôi đến thăm cơ sở vào ngày nghỉ, cổng rào, cửa nhà đều đóng nhưng bên trong có hàng chục cháu bé đang nô đùa với nhau. Nghe các cháu nói có khách, ông Phước từ sau vườn bước ra hỏi rồi mở cửa cho chúng tôi vào.
Ông Phước lý giải: "Chúng tôi luôn lo lắng cho sự an toàn của các cháu nên ngày các cháu ở nhà, tôi đóng cửa để các cháu vui chơi bên trong, không tiếp khách lạ. Một phần do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, một phần do không biết người đó gặp mình có vấn đề gì không, nhất là những người lợi dụng hình ảnh các cháu để trục lợi cho cá nhân họ, ảnh hưởng đến uy tín của chúng tôi, tội cho các cháu".
Theo Cao Xuân Lương/Dân trí
https://dantri.com.vn/doi-song/ong-ba-lao-u-70-bong-dung-co-26-chau-noi-20210518144509677.htm