Mỗi khi nhớ lại câu chuyện hủy hôn của nhiều năm trước, lòng tôi vẫn cuộn lên những con sóng. Quả thực cảm giác sợ hãi, lo âu lẫn day dứt lúc ấy thật kinh khủng.
Hồi đó tôi rất sợ sẽ làm ba mẹ buồn lòng, sợ họ hàng và mọi người không hiểu hết câu chuyện sẽ cười chê, sợ bản thân bị mang tiếng...
Thật ra người đàn ông ấy chẳng có lỗi gì, nếu không nói là hoàn hảo. Anh là người con hiếu thảo và không bao giờ để mẹ phải sống một mình lúc tuổi già. Ba anh đã mất, nhà chỉ còn hai mẹ con nên anh luôn xác định khi cưới vợ vẫn sẽ sống cùng với mẹ.
Có thể trước khi đám ăn hỏi diễn ra tôi chưa hiểu về mẹ của anh. Mãi đến sau đám hỏi, tôi mới hiểu thêm về tính cách và cuộc sống của những người mà tôi chọn là mái nhà thứ hai.
Đỉnh điểm là lần bà kể cho tôi nghe việc bà đã hủy hoại tiền đồ của một nhân viên làm cho công ty gia đình trót ăn cắp một số tiền lớn ra sao. Thậm chí bà còn về quê của anh ta "quậy" đến nỗi cha mẹ anh ta xấu hổ đến sinh bệnh...
Khi tôi nói lẽ ra chỉ cần để pháp luật trừng trị anh ta là đủ rồi, không nên làm ảnh hưởng đến cha mẹ anh ta như vậy thì bà bĩu môi: "Vậy mới đáng đời...".
Tôi sốc và đã có nhiều đêm mất ngủ, suy nghĩ về cuộc sống chung sau này, càng không muốn con cái của mình chịu ảnh hưởng từ một người bà như thế.
Lúc ấy, tôi chợt nhớ đến một phụ nữ tôi từng biết ở quê. Năm ấy khi cô về làm dâu, tôi chỉ mới mười mấy tuổi. Hôm đám cưới của cô và chú T., tôi thấy cô tất bật rửa đống chén bát đãi khách và dọn dẹp đến tận chiều muộn.
Vậy mà từ trên sân thượng, tôi nhìn thấy má và các chị nhà chú T. lườm nguýt, móc mỉa cô dâu mới bằng ánh mắt không chút thiện cảm chỉ vì cô mặc bộ đồ hơi ôm và sáng màu. Chỉ sáng hôm sau, trong xóm rộn lên tin người vợ mới cưới của chú T. đã bỏ đi.
Sau đó không lâu, nhà chú T. lại rộn ràng đám cưới. Lần này cô dâu mới dường như không còn chịu sự soi mói nữa sau "tối hậu thư" của ba chú T. với mấy người phụ nữ trong nhà. Thỉnh thoảng khi về thăm nhà mẹ, nhìn xuống bến sông, tôi lại nhớ đến người-vợ-một-ngày của chú T. và khâm phục nếp nghĩ mới mẻ, dám bứt phá của người phụ nữ trẻ thà chịu mang tiếng một lần đò chứ không chấp nhận cột đời mình trong cuộc sống nhiều dự báo không vui.
Thời điểm đứng giữa những đấu tranh nội tại, sự dứt khoát của cô ấy đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi... hủy hôn. Tất nhiên cái giá của việc hủy hôn không hề nhỏ và những ngày tháng sau đó tôi phải mệt mỏi giải quyết những hệ quả của nó. Nhưng đến bây giờ, tôi thấy đó là một quyết định sáng suốt.
Nếu ngày ấy tôi buông trôi chấp nhận bước tiếp với chiếc dằm trong chân, không mạnh dạn chịu đau để bứt phá khỏi nó, có lẽ giờ đây tôi đang chìm đắm trong một cuộc sống ngột ngạt hoặc có thể đã ly hôn từ lâu. May thay, tôi đã dám "bẻ lái" thay vì thỏa hiệp. Quả thật "khi cánh cửa này đóng lại, một cánh cửa khác sẽ mở ra", tôi hoàn toàn tin vào điều đó.
Theo Phạm Dự/Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/be-lai-truoc-hon-nhan-2021022721025297.htm