Trong mối quan hệ vợ chồng có bao mắt xích gắn kết bền chặt, nhưng cũng có những xung đột rối bời, thậm chí dẫn đến đổ vỡ hôn nhân.
Những lúc chông chênh bên bờ vực thẳm đó, cần có sự nỗ lực cứu vãn của cả vợ và chồng.
Lục đục khi có con
Trải qua thời gian khó khăn khi thích ứng việc có con, nuôi con với những quan điểm giáo dục trái chiều, chị Trang (Lâm Đồng) bộc bạch: "Nếu không khéo, vì chuyện dạy con lại khiến vợ chồng xung đột chứ chẳng chơi".
Chị kể, do mỗi người mong muốn con phát triển theo hướng khác nhau, dù tình yêu giống nhau, cách thể hiện khác biệt cũng dẫn tới xung đột không đáng có.
Chị Trang ví dụ: "Chẳng hạn như việc cho con những trải nghiệm của cuộc sống ngay từ nhỏ. Tôi muốn con ngã phải biết tự đứng lên, trong khi anh ấy nóng ruột nên cứ hét lên vì... mẹ vô tâm quá. Ai mà không xót khi thấy con té, nhưng việc dạy con biết đứng dậy cũng là điều cần thiết".
Và ở những tình huống khác, ngược lại, chính việc chiều con của vợ lại là nguyên do khiến lục đục trong nhà xảy ra.
Anh Toàn (Quảng Nam) bày tỏ: "Tôi và vợ hay cãi nhau vì chuyện cô ấy quá cưng con. Con đòi hỏi gì cũng đáp ứng dễ dàng khiến con ỷ lại. Tôi nói mãi nhưng cô ấy vẫn không hiểu, có khi "bằng mặt không bằng lòng", hay lén tôi đáp ứng những yêu cầu của con. Khi phát hiện ra thì lại thành chuyện không vui".
Thừa nhận việc trái quan điểm trong dạy con dẫn tới giảm cảm xúc vợ chồng, những người trong cuộc cho rằng đây cũng là nguyên nhân khiến chất lượng hôn nhân đi xuống nếu mỗi người không tìm được tiếng nói chung.
Có những gia đình đã biết ngồi lại để lắng nghe và hiểu nhau, như anh Thắng - chị Tiếng (H.Bình Chánh, TP.HCM). Anh chị có hai cậu con trai, mỗi đứa một tánh nên lúc đầu cũng mâu thuẫn trong việc nên rắn hay mềm, và với đứa nào cần tác động nhẹ và mạnh...
Sau đó, thông qua việc ngồi lại để tìm đọc các sách về kỹ năng nuôi dạy con, lắng nghe con, anh chị mới nhận ra trong chuyện này cũng cần "đồng vợ đồng chồng" mới thành công. Và đúng như vậy, sau khi có tiếng nói chung, cả hai dần thấy việc giáo dục con trở nên nhẹ nhàng hơn.
Anh chị nhận ra rằng niềm vui của cha mẹ quyết định đến chất lượng của việc dạy con. "Năng lượng tích cực của tổ ấm tác động không nhỏ đến thái độ hợp tác, lối sống của con", anh chị bày tỏ.
Mẹ chồng - nàng dâu, chuyện muôn thuở
Ngày nay, việc làm dâu không còn căng thẳng như xưa, nhưng mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu không ổn trở thành nguyên nhân của mất hạnh phúc. Chị H. ở Đà Nẵng cho biết chị và chồng rất yêu thương nhau, và đó lại là nguyên nhân khiến mẹ chồng không thích lắm.
Chị tìm hiểu nguyên nhân thì biết do anh là con một, mẹ chồng rất thương con nên sợ bị chia sẻ tình cảm.
"Có những lúc tôi thấy mẹ nói những câu gây chia rẽ giữa vợ chồng tôi, như "con H. như vậy mà con chịu được cũng giỏi đó", hay "sao con để con H. ngồi lên đầu lên cổ như thế"...". Nghe hoài như vậy, chồng chị bắt đầu khó chịu, có những phản ứng rất vô lý khiến cuộc sống hôn nhân trở nên ảm đạm dần.
Chị H. thắc mắc: "Tôi không hiểu mẹ chồng nghĩ gì nếu con mình không hạnh phúc trong hôn nhân?". Hình như có một sự mâu thuẫn giữa việc mong con có hạnh phúc với sự ích kỷ vì cảm giác mất mát, chia sẻ tình cảm với con dâu.
Khác với bà mẹ trên, cô Ngọc Ánh (Q.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết cảm thấy vui khi tình cảm giữa con trai và con dâu bền chặt. "Nhiều lúc tôi còn bênh con dâu khi nghe con trai mình ứng xử không đúng hoặc có dấu hiệu lạnh nhạt với vợ", cô Ánh nói.
Theo cô, nếu gia đình con cái bất ổn thì cháu mình bị ảnh hưởng nặng nhất. Như thế thì làm sao mình có thể an lòng khi con cháu mình không hạnh phúc.
"Tôi nghĩ cần vun vén hơn là kiếm chuyện, trừ khi con dâu quá đáng, nếu không sẽ chín bỏ làm mười" - cô nói.
Hãy nhớ lại lý do bắt đầu Nói về chuyện cứu vãn hôn nhân khi xảy ra xung đột, ThS tâm lý NGUYỄN THỊ TÂM - chuyên gia đào tạo và tư vấn tâm lý Công ty Hồn Việt - chia sẻ: Việc tìm giải pháp để giải quyết hục hặc trong hôn nhân lúc nào cũng là điều nên làm, cần làm, phải làm, tuyệt đối không nên né tránh. Có câu "trước khi quyết định kết thúc, hãy nhớ lại lý do khiến bạn bắt đầu". Tôi nghĩ trong hôn nhân cũng vậy. Vấn đề đặt ra là lúc nào thì nên cứu vãn? Theo tôi, khi mà tình yêu thương vẫn còn, khi vẫn còn thấy cần nhau, còn quá nhiều ân tình với nhau. Đừng để lòng tự ái, cái tôi bị tổn thương, sự khác biệt tính cách hoặc đam mê, do không biết cách ứng xử phù hợp, hoặc do mỗi người có những sang chấn tâm lý cá nhân chưa được chữa lành... tồn tại trong cuộc hôn nhân. Bởi khi cả hai vì nhận thức sai lầm, chạy theo những mục tiêu khác (sự nghiệp, vật chất, thăng tiến, đối tượng mới, thậm chí con cái...) mà bỏ bê chăm sóc, vun vén cho cảm xúc vợ chồng, cho gia đình thì hôn nhân rất có khả năng dẫn đến tan vỡ. Khi đã có con cái, ai cũng thương con, có trách nhiệm với con, không muốn con bị khổ sở do thiếu thốn tình cảm gia đình. Thế nhưng mỗi người lại muốn xây dựng theo cách của mình, không thống nhất trong chiến lược phát triển gia đình nên khổ sở, chán nản, kiệt sức trong cuộc sống chung. Với những trường hợp trên thì cả vợ và chồng nên cố gắng tìm cách hòa hợp, dung hòa. Tránh để đời sống hôn nhân dẫn đến tình trạng mọi nỗ lực của cả hai đều trở nên vô vọng, một cảm giác khinh lờn, dị ứng, không chịu nổi khi nhìn thấy nhau, luôn chỉ trích, phán xét nhau với tất cả cảm xúc tiêu cực. Từ đó phát sinh những khác biệt quá lớn trong lối sống, hệ giá trị sống, niềm tin và quan niệm... Thậm chí xảy ra tình huống ngoại tình. Lúc đó thì những người trong cuộc sẽ cảm thấy kiệt sức, hôn nhân sẽ đổ vỡ. |
Theo Tuổi Trẻ
https://tuoitre.vn/to-am-chong-chenh-vi-muon-kieu-chieu-con-20201220084009982.htm