Chúng ta cần hiểu rằng cả hai bên gia đình đều luôn mong muốn những gì tốt đẹp nhất cho con cháu của mình, chúng có thể học được điều này từ gia đình bên rể, nhưng cũng học được điều kia từ gia đình bên dâu.
1. Chấp nhận sự khác biệt
Khi hai người đến với nhau và kết hôn, gia đình của họ cũng cần được kết nối. Đôi lúc, hai gia đình không hề tương đồng ở bất kể khía cạnh nào, ví dụ như đến từ những đất nước khác nhau, văn hóa, tôn giáo hoặc chênh lệch về địa vị trong xã hội, hoặc thậm chí có những gia đình nhìn bên ngoài có vẻ tương thích, nhưng những tư tưởng và lối sống lại hoàn toàn đối nghịch.
Dù khác nhau, nhưng chúng ta cần hiểu rằng cả hai bên gia đình đều luôn mong muốn những gì tốt đẹp nhất cho con cháu của mình, chúng có thể học được điều này từ gia đình bên rể, nhưng cũng học được điều kia từ gia đình bên dâu. Vậy nên, hãy cố gắng chấp nhận những sự khác biệt và coi đó là điều tốt, giúp con cháu bạn mở rộng được góc nhìn và học hỏi được nhiều thứ hơn.
2. Không tranh đấu hay ưu tiên
Nhiều ông bà thường khẳng định rằng họ chẳng có đứa cháu nào là yêu thích nhất cả. Tuy nhiên, ngay cả khi chúng ta chắc chắn với điều này, chúng ta vẫn luôn cố gắng để trở thành “ông bà được yêu thích hơn”. Bạn nên nhớ rằng con cháu cần được nhận và trao yêu thương như nhau, đến với cả hai bên ông bà giống nhau. Chúng yêu quý bên ngoại vì luôn được nghe bà hát, ông kể chuyện, còn yêu quý bên nội vì được cùng cả hai ông bà đi câu cá vào mối cuối tuần, chẳng hạn như vậy. Hãy chấp nhận sự thật rằng mỗi bên đều có điểm riêng mà những đứa cháu của bạn có lí do để yêu quý.
3. Giúp đỡ nhau thay vì lấn át
Những dịp tụ tập mỗi năm khi cả hai bên gia đình cùng nhau tổ chức cho con cháu chính là cơ hội tuyệt vời để bên nội và ngoại có thể làm thân. Bạn không nên cố gắng lấn át bên gia đình còn lại bằng những quà cáp to lớn hay cố gắng thể hiện tình cảm của mình quá nhiều. Thay vào đó, hãy tìm cách để giúp đỡ nhau tổ chức buổi gặp mặt đó. Nhỡ đâu khi cùng nhau hướng đến một mục đích chung: làm cho con cháu vui, thì hai bên gia đình lại tìm được những điểm chung mới và cảm thấy hòa hợp với nhau hơn.
4. Chia sẻ thời gian khi cần
Con cháu của bạn không thể ở cùng hai nơi một lúc, vì vậy, đôi khi bạn cần bỏ một chút thời gian của mình cho bên gia đình còn lại. Có qua có lại, sẽ đến những lúc bạn cần khoảng thời gian của họ hơn. Hai ông bà hai bên nên cố gắng thỏa thuận, nhường nhịn và vui vẻ với khoảng thời gian được phân chia, tất cả những điều này đều chỉ phục vụ cho một mục đích: dành những điều tốt đẹp nhất cho con cháu của mình.
5. Nhìn xa hơn
Nhiều ông bà thường than rằng “Sao chúng nó lớn nhanh thế”, và đúng là như vậy, chúng lớn rất nhanh và kéo theo cả những sự thay đổi trong mối quan hệ của gia đình bạn. Hãy tập cách nhìn xa hơn về tương lai, nếu mình chưa thể dành thời gian với chúng tại thời điểm này, mình có thể đồng hành và giúp đỡ chúng vào mai sau. Bạn nên chấp nhận những sự thay đổi đó vì chúng là tất yếu và có thể còn giúp bạn tìm được nhiều điểm chung hơn với con cháu của mình. Vì vậy, đừng vội cảm thấy ghen tị với ông bà bên kia vì được bế cháu nhiều hơn, ru cháu ngủ thườn xuyên hơn, bởi có khi bạn còn có thể được làm những điều ý nghĩa hơn thế.
Sự ghen tị
Ghen tị là một trong những cảm xúc “ngứa ngáy” nhất mà đôi khi bạn chẳng thể nào kìm hãm được. Biện pháp ở đây là chấp nhận sự xuất hiện của nó, và bỏ qua.
Khi những cảm xúc đó bắt đầu hiện lên trong người bạn, hãy cố gắng lái chúng sang một hướng tích cực. Bạn có thể ra ngoài hít thở không khí bằng cách đi bộ, chơi thể thao hay làm việc nhà, giúp đỡ người khác. Hãy tin rằng bạn hoàn toàn có thể kiểm soát nó.
Cuối cùng, bạn cần là một người điềm tĩnh, đừng để lòng đố kị gây ra những cuộc tranh cãi không đáng có ở trong gia đình, hãy là người ông, người bà mà con cháu mình muốn ở cạnh. Nếu bạn luôn giữ được thái độ niềm nở, yêu thương, quan tâm và tình cảm, bạn sẽ có thừa thời gian để dành cho con cháu./.
Theo CTV Quỳnh Nguyễn/VOV.VN
nguồn Woman's World
https://vov.vn/doi-song/tinh-yeu-gia-dinh/5-cach-de-tro-nen-than-thiet-voi-thong-gia-816722.vov