Với tư duy đổi mới, chị Phạm Thị Nhân đã khởi nghiệp thành công bằng mô hình nuôi gà ác bằng cách cho nghe… nhạc.
"KHÔNG CÓ BÀI HỌC NÀO MÀ KHÔNG MẤT PHÍ"
Khu nuôi gà ác khép kín rộng khoảng 3.000 m2 của chị Phạm Thị Nhân (32 tuổi, ở xã Duy Trinh, H.Duy Xuyên, Quảng Nam) được trang bị đầy đủ máy móc hiện đại. Tuy nhiên, ít ai biết rằng để có được cơ ngơi hoành tráng như ngày hôm nay, chị đã từng thất bại nặng nề.
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành tài chính (Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM), chị Nhân xin vào làm việc tại một ngân hàng ở TP.HCM. Năm 2018, chị lấy chồng là đồng hương H.Quế Sơn (Quảng Nam) và về quê chuẩn bị sinh con đầu lòng. Để tiện chăm sóc con, chồng chị cũng rời thành phố về quê.
Chị Phạm Thị Nhân trong trang trại nuôi gà ác lấy trứng ẢNH: MẠNH CƯỜNG
Năm 2019, chị tình cờ biết một hộ chăn nuôi trong xã cần sang nhượng trang trại quy mô 3.000 m2. Từ đây, ý tưởng khởi nghiệp bắt đầu hình thành. Chị Nhân bàn với chồng mua lại trang trại nói trên rồi bắt đầu với việc nuôi lợn. Tuy nhiên sau gần 3 tháng, đàn lợn sắp xuất chuồng thì bị dịch tả lợn châu Phi, khiến anh chị thiệt hại cả nửa tỉ đồng.
Thất bại, nhưng chị Nhân không bỏ cuộc mà quyết tâm khởi nghiệp lại với mô hình nuôi gà ác lấy trứng. Để đi đến quyết định đưa giống gà ác từ miền Tây về nuôi là những ngày "cân não", bởi thời điểm đó chị vừa thất bại với mô hình chăn nuôi lợn.
Đến nay, trang trại của anh chị có hơn 5.000 con gà ác, mỗi ngày thu hoạch hơn 2.500 quả trứng. Để trứng đạt chuẩn sạch, trang trại được lắp đặt hệ thống làm mát bằng mô hình quạt hơi nước, máy móc sưởi ấm hiện đại. Cạnh đó, chuồng gà còn có đệm lót sinh học để thu gom phân và dễ dàng vệ sinh chuồng trại.
ÂM NHẠC GIÚP GÀ TRÁNH BỊ STRESS
Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên hơn cả là đứng trước cửa trang trại gà hơn 5.000 con đang thời kỳ đẻ trứng nhưng chỉ nghe tiếng nhạc du dương lẫn trong âm thanh của nước chảy. Tiếng nước chảy là từ hệ thống phun sương để làm mát trại gà, còn tiếng nhạc được phát ra từ những chiếc loa thùng đặt rải rác, với những bản giao hưởng nhẹ nhàng để phục vụ "thính giả" gà.
Chị Nhân cho hay gà ác có nguồn gốc từ tự nhiên, sau khi thuần dưỡng vẫn khá nhút nhát nên khi cho ăn, gà thường hay giật mình, không chịu ăn khiến tốc độ tăng trưởng chậm. Sau một thời gian nuôi, để hàng ngàn con gà ổn định tâm lý, chị Nhân nghĩ ra cách dùng âm nhạc như một liệu pháp. Từ đó, mỗi ngày chị mở nhạc khoảng 12 tiếng đồng hồ phục vụ gà.
Trứng gà ác thương hiệu Hảo Nhân của chị Nhân được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao
Tiếng nhạc lẫn trong tiếng vòi phun nước làm mát ở bên ngoài và quạt gió đã phát huy hiệu quả, âm thanh nhẹ nhàng này át đi các âm thanh lạ nên gà ít bị kích động. "Khi gà đã quen với âm thanh, lúc cho ăn không còn bị giật mình, đồng thời giúp chúng không bị stress, từ đó ổn định cơ thể để cho ra những quả trứng đảm bảo chất lượng cao nhất", chị Nhân chia sẻ.
Niềm vui nhân đôi khi năm 2021 sản phẩm trứng gà ác mang thương hiệu Hảo Nhân của anh chị được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Hiện trứng gà ác thương phẩm của trại gà chị Nhân được tiêu thụ ở nhiều địa phương của Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi… Ngoài ra, phân gà được tận dụng để bán cho các chủ nhà vườn trồng cà phê ở Đắk Lắk, Gia Lai… cũng là nguồn thu đáng kể.
Với nỗ lực của mình, chị Phạm Thị Nhân vinh dự là đại diện duy nhất của tỉnh Quảng Nam đạt giải thưởng Lương Định Của năm 2024. "Từ khi biết được nhận giải thưởng này, tôi rất vui và tự hào. Đây là giải thưởng hết sức ý nghĩa, tạo động lực để tôi tiếp tục cống hiến, góp một phần nhỏ vào sự phát triển của quê hương. Đây cũng là cơ hội để tôi hòa nhập vào mạng lưới chung, qua đó học hỏi được nhiều kiến thức hơn nữa để làm mới bản thân và là động lực lớn để mình tự tin hơn trong việc truyền cảm hứng tới các bạn trẻ đang có ý định khởi nghiệp, lập nghiệp làm giàu trên chính quê hương mình", chị Nhân nói.
Anh Phan Tự, Bí thư Huyện đoàn Duy Xuyên, cho biết chị Phạm Thị Nhân là gương thanh niên tiêu biểu của huyện. Nghị lực của chị Nhân đáng để các bạn trẻ học hỏi; đặc biệt là trong hành trình khởi nghiệp, lập nghiệp. "Thời điểm đầu khởi nghiệp, Nhân gặp nhiều khó khăn, Huyện đoàn cũng đã kết nối, hỗ trợ để vợ chồng Nhân vay vốn. Đến nay nuôi gà ác lấy trứng là mô hình khởi nghiệp "mẫu" trên địa bàn huyện, được đánh giá rất cao", anh Tự nói.
Theo Mạnh Cường/ Thanh niên
https://thanhnien.vn/nuoi-ga-ac-bang-am-nhac-185241125195542085.htm