BGTV- Còn một tháng nữa đến tết Nguyên đán, giá thịt lợn tăng giá cao ngất ngưởng thời gian gần đây khiến cho các bà nội trợ lo lắng cân nhắc về chuyện mua sắm thực phẩm trong dịp quan trọng nhất năm sao cho hợp lý, tiết kiệm.
Nhiều giải pháp “tình thế”
Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế đối với cả Nhà nước và người chăn nuôi. Cuộc khủng hoảng nguồn cung đã đẩy giá lợn hơi lên cao nhất từ trước đến nay. Giá thịt lợn hơi đã vượt ngưỡng 90.000 đồng/kg khiến cho giá bán lẻ ở các chợ cũng “ngất ngưởng”, hiện có mức 150.000-180.000đồng/kg, tăng 50.000 - 60.000 đồng/kg so với 2 tháng trước.
Thịt lợn "phi mã" khiến cả người bán và người mua "lao đao"
Trên các diễn đàn của các bà nội trợ, mọi người đang rất xôn xao với chủ đề này tìm kiếm nguồn thực phẩm trong dịp Tết thay thế một phần cho thịt lợn. Nhiều lựa chọn được đưa ra trong thời điểm “bão giá” được nhiều người hưởng ứng như “đụng lợn” ăn chung, thay thế một phần thịt lợn bằng các loại thực phẩm khác như thịt bò, dê, trâu, ngựa, gà, cá... Bên cạnh giảm lượng thịt lợn tiêu thụ, hội các chị em còn áp dụng cách “mua chung” các loại thực phẩm nhập khẩu như bắp bò, cá hồi Nhật với giá dao động từ 180.000 – 190.000 đồng/kg, các loại chả cá, ốc giá, lạp xưởng từ 130 – 150.000 đồng/kg cũng được chị em “săn lùng” để thay thế một phần thịt lợn trong bữa ăn hàng ngày và mâm cỗ lễ Tết sắp tới.
Chị Bùi Thị Loan (phường Thọ Xương, TP Bắc Giang) chia sẻ: “Chị em hàng xóm chúng tôi vẫn đùa nhau là đi chợ bây giờ như bị “mất trộm”, nhưng đúng là giá thịt lợn tăng nên nhiều loại thực phẩm khác cũng lên giá ầm ầm, nhất là vào đúng thời điểm cuối năm lễ Tết, thịt lợn cũng là món không thể thiếu nên đúng là co kéo sao cho đủ cũng khiến chị em nội trợ lo ngay ngáy”.
Cũng tìm cách “xoay sở” thực phẩm phục vụ Tết từ khá sớm, chị Mai Anh (Phường Ngô Quyền) cho biết: “Ngay từ bây giờ tôi đã hỏi một số người quen để đặt gà làm thực phẩm chính dịp Tết, trung bình khoảng 140.000 – 150.000 đồng/con hơn 1kg. Những năm trước ngày Tết chủ yếu nhiều nhất vẫn là thịt lợn nhưng năm nay phải thay thế một phần sang các loại thực phẩm khác, giảm lượng thịt lợn xuống để tiết kiệm”.
Nỗ lực bình ổn thị trường
Các siêu thị như Big C, Coop Mart... cũng đã có kế hoạch nhập thịt lợn phục vụ Tết. Theo đại diện siêu thị BigC, đơn vị đã chủ động làm việc với các nhà cung cấp và nhận được cam kết đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, đồng thời cũng sẽ triển khai chuẩn bị các chương trình bình ổn, bảo đảm giá không tăng trong dịp Tết.
Lựa chọn thủy, hải sản thay thế thịt lợn giúp đa dạng nguồn thực phẩm trong dịp Tết sắp tới
Bắc Giang là tỉnh có tổng đàn lợn đứng thứ 3 cả nước, dự kiến trong dịp Tết Nguyên đán năm nay tỉnh sẽ cung ứng ra thị trường khoảng 3 nghìn tấn thịt lợn, bảo đảm nguồn thực phẩm cho người dân trong tỉnh và xuất bán ra thị trường ngoài tỉnh. Trước, trong và sau Tết, để tiếp tục ổn định và bảo đảm phát triển chăn nuôi lợn an toàn, bền vững, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tích cực, chủ động trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân, chủ trang trại, doanh nghiệp tập trung tái đàn lợn, chăn nuôi theo quy trình an toàn; khống chế và bảo đảm tuyệt đối không có dịch bệnh mới cho tái đàn, phấn đấu đến giữa năm 2020, sẽ đưa tổng đàn lợn toàn tỉnh trở lại con số 1,1 triệu con.
Tết Nguyên đán cận kề, để bảo đảm cân đối cung – cầu thị trường thịt lợn dịp Tết, các doanh nghiệp, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm cần tuân thủ hướng dẫn, yêu cầu từ phía cơ quan chức năng; không “găm hàng – thổi giá” làm tăng giá đột biến trong dịp Tết. Bên cạnh đó, lực lượng quản lý thị trường tỉnh cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với ngành hàng thực phẩm đảm bảo an toàn và bình ổn phục vụ người dân./.
Minh Anh