Bà con người Việt kiều bày tỏ mong muốn công tác dạy tiếng Việt cho con em các thế hệ sau ngày càng chuyên nghiệp hơn để các em duy trì bản sắc văn hóa Việt Nam, gắn kết hơn với quê hương, đất nước.
Đại diện người Việt Nam tại thành phố Kazan đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Theo đặc phái viên TTXVN, tiếp tục chuyến thăm chính thức Liên bang Nga, chiều tối 8/12 (theo giờ địa phương), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đến thăm Nhà hữu nghị các dân tộc Tatarstan, gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Kazan, Cộng hòa Tatarstan, Liên bang Nga.
Cùng tham dự có Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (Quốc hội) Tatarstan Farid Khayrullovich Mukhametshin.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu; Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Chủ tịch Nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt Nam-Liên bang Nga Phan Xuân Dũng; các Ủy viên Trung ương Đảng: Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái Phạm Thị Thanh Trà, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Phan Văn Mãi; đại diện một số cơ quan hữu quan cùng tham dự.
Phát biểu tại cuộc gặp, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Tatarstan F.K Mukhametshin bày tỏ vui mừng và vinh dự đón chào Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam. Về Nhà hữu nghị, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Tatarstan cho biết, đây là nơi sinh hoạt của cộng đồng các dân tộc đang sinh sống ở Tatarstan, mỗi cộng đồng đều được bố trí phòng làm việc, nơi đây cũng là nơi giao lưu, gặp gỡ của bà con cộng đồng.
Điều này để giúp tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, đặc biệt là giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc nơi đây.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu tại Nhà hữu nghị các dân tộc Tatarstan. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Phát biểu tại cuộc gặp, đại diện bà con cho biết cộng đồng người Việt tại thành phố Kazan có khoảng 1.000 người, có đại diện chính thức là Hội người Việt Nam đoàn kết được đăng ký thành lập ngày 26/4/2002 tại Bộ Tư pháp Liên bang Nga, đăng ký hoạt động ngày 12/5/2002 tại Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga với mục đích đại diện bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người Việt Nam tại Kazan, Tatarstan.
Hoạt động chính của Hội là tổ chức thường niên các hoạt động văn hóa, thể thao thu hút đông đảo cộng đồng người Việt và bạn bè Tatarstan; các giải thể thao.
Được chính quyền Kazan hỗ trợ kinh phí, hằng năm Hội mở trại hè miễn phí cho con em trong cộng đồng người Việt lứa tuổi từ 6-14 tuổi.
Hội còn tổ chức lớp học tiếng Việt tại Nhà hữu nghị vào ngày Chủ Nhật hằng tuần. Đây là việc làm Hội tổ chức duy trì hơn 5 năm nay, hiện tại Kazan có hai lớp với 60 cháu học tiếng Việt hằng tuần…
Là thành viên trong Hội đồng dân tộc Tatarstan, Hội người Việt đoàn kết chú trọng tổ chức các hoạt động thể thao, văn hóa ẩm thực với các cơ quan hữu quan của Kazan nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, góp phần thắt chặt tình hữu nghị Việt Nam-Liên bang Nga, Việt Nam-Tatarstan với việc hằng năm tổ chức các Festival văn hóa dân tộc, thi hoa hậu sinh viên, giải bóng đá, ẩm thực…
Tại cuộc gặp, một số bà con người Việt đã phát biểu bày tỏ vui mừng chào đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lần đầu thăm chính thức Liên bang Nga và đến thành phố Kazan; mong muốn công tác dạy tiếng Việt cho con em các thế hệ người Việt sinh sống ở nước ngoài ngày càng chuyên nghiệp hơn để các thế hệ sau này gắn kết với quê hương đất nước, duy trì bản sắc văn hóa Việt Nam.
Về tình hình lưu học sinh Việt Nam tại Kazan, hiện có 96 lưu học sinh theo học các nhóm ngành khác nhau, luôn cố gắng học tập, gần như năm nào cũng có tới 90% lưu học sinh đạt bằng đỏ tốt nghiệp đại học hoặc thạc sĩ, được các bạn Tatarstan đánh giá cao…
Lưu học sinh cũng bày tỏ băn khoăn khi tốt nghiệp về nước gặp khó khăn trong chọn nghề nghiệp phù hợp với chuyên ngành đào tạo; mong muốn Nhà nước quan tâm đến nguồn nhân lực là những lưu học sinh tốt nghiệp chuẩn bị về nước - nguồn chất xám luôn sẵn sàng đóng góp để phát triển quê hương, đất nước.
Phát biểu tại cuộc gặp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cảm ơn lãnh đạo Hội đồng Nhà nước Tatarstan đã cùng tham dự cuộc gặp; đồng thời bày tỏ vui mừng dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta thăm chính thức Liên bang Nga và có dịp gặp gỡ bà con kiều bào tại thủ đô Kazan, Cộng hòa Tatarstan.
Chia sẻ kết quả cuộc gặp Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Tatarstan và thăm Cơ quan xúc tiến đầu tư của Tatarstan ngay khi đặt chân đến thành phố Kazan xinh đẹp và mến khách, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ xúc động khi gặp gỡ và đón nhận những tình cảm ấm áp của cộng đồng người Việt Nam trong ngày làm việc đầu tiên tại Liên bang Nga.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham quan trưng bày ảnh về người Việt Nam tại thành phố Kazan. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh Việt Nam luôn coi trọng quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Liên bang Nga, coi đây là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Quan hệ chính trị, ngoại giao giữa Việt Nam và Nga hiện nay phát triển rất tốt đẹp với độ tin cậy cao. Cùng với đó, quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, quốc phòng-an ninh, giáo dục-đào tạo… được hai bên triển khai hiệu quả.
Chuyến thăm chính thức của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam lần này nhằm thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước lên tầm cao mới.
Chủ tịch Quốc hội chia sẻ về tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam thời gian qua. Năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp ước đạt và vượt toàn bộ 12/12 chỉ tiêu; Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ước tăng 6,8%...
Về vấn đề Biển Đông, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ Đảng và Nhà nước thực hiện nhất quán chủ trương kiên quyết, kiên trì bảo vệ biển đảo của Tổ quốc; giải quyết các tranh chấp, bất đồng trên biển bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.
Chia sẻ kết quả hoạt động đối ngoại, kết quả quan hệ hợp tác giữa Việt Nam-Liên bang Nga thời gian qua, cũng như hợp tác giữa các địa phương hai nước phát triển tốt đẹp, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao cộng đồng khoảng 1.000 người Việt Nam tại Kazan đoàn kết, tương trợ lẫn nhau; vui mừng cộng đồng có “không gian Việt Nam” trong Nhà hữu nghị các dân tộc Tatarstan.
Nhấn mạnh cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội vui mừng nhận thấy kiều bào ta tại Tatarstan có cuộc sống ngày càng ổn định và hòa nhập tốt với xã hội sở tại; đồng thời mong muốn bà con tiếp tục là những hạt nhân tích cực để vun đắp mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Nga, quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam-Tatarstan ngày càng phát triển tốt đẹp và đóng góp vào sự nghiệp xây dựng đất nước.
Chủ tịch Quốc hội mong bà con luôn tuân thủ và chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật của nước sở tại; chia sẻ các thông tin và liên lạc thường xuyên với Cơ quan đại diện của Việt Nam để có các biện pháp bảo hộ kịp thời cho công dân Việt Nam.
Cộng đồng người Việt Nam ở Nga nói chung, ở Tatarstan nói riêng tiếp tục quan tâm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc, quan tâm hơn nữa tới việc học hành của con em mình, bao gồm cả việc học tiếng Việt.
Về những kiến nghị của bà con, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc dạy tiếng Việt cho con em là việc làm rất cần thiết; đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga ghi nhận để phản ánh với các cơ quan hữu quan trong nước.
Chủ tịch Quốc hội cho biết khi Đoàn về nước sẽ đề nghị các cơ quan chức năng quan tâm để cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung duy trì công tác dạy tiếng Việt cho con em mình tốt hơn nữa.
Theo Chủ tịch Quốc hội, nguyện vọng của lưu học sinh khi tốt nghiệp về nước làm việc là chính đáng.
Ghi nhận và đánh giá cao những tình cảm, mong muốn đóng góp phát triển quê hương, đất nước của các lưu học sinh Việt Nam tại Kazan, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ chủ trương của Đảng, Nhà nước là luôn mở rộng cánh cửa tiếp nhận những trí thức được đào tạo bài bản; mong các lưu học sinh tiếp tục học tập tốt, tích lũy những kiến thức để sau này về nước sẽ là những ứng viên sáng giá cho những vị trí việc làm phù hợp với nguyện vọng và khả năng của mình./.
Theo Hoàng Thị Hoa (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/chu-tich-quoc-hoi-gap-go-cong-dong-nguoi-viet-tai-ch-tatarstan/611996.vnp