Nhiều quốc gia cảnh báo về "nguy cơ an ninh khu vực" ở Trung Đông sau các vụ tấn công vào các nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia.
Hôm qua (15/9), nhiều quốc gia cảnh báo về "nguy cơ an ninh khu vực" ở Trung Đông sau các vụ tấn công vào các nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia gây gián đoạn các nguồn cung năng lượng toàn cầu, vốn được lực lượng nổi dậy Houthi ở Yemen thừa nhận thực hiện.
Khói bốc lên sau vụ tấn công nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia. Ảnh: AP
Trong phản ứng của mình, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Federica Mogherini nêu rõ: "Các vụ tấn công bằng máy bay không người lái vào 2 cơ sở lọc dầu ở Saudi Arabia làm dấy lên nguy cơ thực sự đối với an ninh khu vực. Trong bối cảnh căng thẳng khu vực leo thang, vụ tấn công làm xói mòn nỗ lực đang diễn ra về giảm leo thang và tiến hành đối thoại". Bà kêu gọi "kiềm chế tối đa và giảm leo thang", song không nêu cụ thể.
Pháp và Anh đã lên án các cuộc tấn công nhằm vào cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia. Trong tuyên bố trên Twtter, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nói rằng, đây là sự liều lĩnh nhằm gây tổn hại cho an ninh khu vực và làm gián đoạn nguồn cung năng lượng toàn cầu. Vương quốc Anh lên án hành vi này. Bộ Ngoại giao Pháp trong tuyên bố trên Twitter cũng lên án vụ tấn công và bày tỏ "sự đoàn kết hoàn toàn" với Saudi Arabia.
Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho rằng, cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ tại Saudi Arabia là sự kiện đáng báo động đối với thị trường dầu mỏ... Tất nhiên, bất kỳ sự nhiễu loạn nào như vậy không giúp ổn định thị trường năng lượng..
Cùng ngày, Hãng thông tấn nhà nước Saudi Arabia dẫn lời Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) Yousef al-Othaimeen cho biết, Ngoại trưởng các nước thuộc Tổ chức Hợp tác Hồi giáo lên án vụ tấn công khủng bố này và hoan nghênh các tuyên bố của những tổ chức quốc tế và khu vực lên án hành động gây hấn nhằm gây bất ổn Saudi Arabia. Ngoài ra, các bộ trưởng bày tỏ sự đoàn kết với Saudi Arabia và ủng hộ “các biện pháp mà nước này thực hiện để đối phó với khủng bố, cũng như giữ gìn an ninh và ổn định”.
Trước đó, ngày 14/9, nhà máy lọc dầu ở thành phố Abqaia và Khurais của Saudi Arabia đã bị tấn công, khiến sản lượng dầu của nước này giảm 5,7 triệu thùng một ngày, chiếm gần 6% nguồn cung dầu thô thế giới. Mặc dù lực lượng Houthi tại Yemen thừa nhận thực hiện vụ tấn công trên, song Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cáo buộc Iran tấn công vào các nhà máy này lọc dầu của Saudi Arabia.
"Iran gây bất ổn cho toàn bộ khu vực này. Họ hỗ trợ các nhóm dân quân và khủng bố ủy nhiệm. Iran chính là bên bán vũ khí trái phép cho phiến quân Houthi ở Yemen và Iran cũng chính là bên tiến hành các chiến dịch tấn công”, ông Mike Pompeo nói.
Mặc dù vậy, hiện Bộ Ngoại giao Mỹ cũng chưa cung cấp bất kỳ bằng chứng nào chứng minh cho cáo buộc của ông Pompeo. Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Iran đã bác bỏ tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ, coi đây là những cáo buộc vô nghĩa khi Mỹ đang cố viện lý do để trả đũa nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi nêu rõ:“Những cáo buộc mù quáng và vô ích như vậy là khó hiểu và vô nghĩa. Những cáo buộc này là chứng minh cho các hành động chống Iran". Trước đó vào hôm qua (15/9), kênh truyền hình vệ tinh Al-Masirah của Houthi cho biết, lực lượng Houthi đã mở một chiến dịch quy mô lớn gồm 10 máy bay không người lái nhằm vào 2 cơ sở dầu mỏ này./.
Theo Vũ Anh Tuấn/VOV.VN