Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho rằng cán bộ coi thi cần tập trung cao độ, lưu ý cách nhận diện thiết bị công nghệ cao, nhắc nhở thí sinh trước khi vào phòng thi.
Bộ GDĐT lên tiếng về thông tin "lọt đề" Ngữ văn THPT quốc gia 2019
Ngăn chặn việc gian lận thi cử công nghệ cao tại Kỳ thi THPT Quốc gia
Cán bộ coi thi phổ biến quy chế thi. (Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN)
Ngày 25/6, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019, đã kiểm tra công tác tổ chức thi tại Hoà Bình và Hà Nội.
Tăng cường lực lượng an ninh giám sát
Trong buổi sáng, đoàn đã kiểm tra công tác thi tại hai điểm thi thuộc huyện Lương Sơn (Hòa Bình) là Trường Trung học Phổ thông Lương Sơn và Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Trãi. Cả hai điểm thi này vào buổi thi môn Ngữ văn không có thí sinh nào bỏ thi, không có thí sinh hay cán bộ vi phạm Quy chế.
Là địa phương xảy ra việc gian lận thi cử trong kỳ thi năm trước, năm nay, các điểm thi tại Hòa Bình đều tăng cường lực lượng công an làm nhiệm vụ giám sát.
Tại hai điểm thi đoàn đến kiểm tra đều bố trí bảy cán bộ công an bảo vệ ba vòng: Vòng 1 bảo vệ đề thi, bài thi; vòng 2 bảo đảm an ninh trật tự xung quanh phòng thi và vòng 3 là khu vực cổng và bên ngoài điểm thi.
Trước kỳ thi, cán bộ công an đã yêu cầu các cửa hàng photocopy gần trường thi ký cam kết không photo tài liệu làm phao thi, không để xảy ra tình trạng in sao đề thi, bài giải và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Trưởng Điểm thi đã tập huấn và thường xuyên nhắc nhở các cán bộ làm công tác thi phải thực hiện đúng Quy chế, từ công tác bảo quản đề thi, bài thi, coi thi; thực hiện việc bốc thăm giám sát và coi thi ở từng buổi thi; phối hợp chặt chẽ với cán bộ của các trường Đại học để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc.
Trong buổi chiều, đoàn công tác đã kiểm tra tại hai điểm thi của Hà Nội là Trường Trung học Phổ thông Sơn Tây và Trường Hữu Nghị 80.
Theo báo cáo, chỉ có ba thí sinh vắng mặt tại điểm thi Trường Trung học Phổ thông Sơn Tây buổi thi môn Ngữ văn. Các buổi thi tại hai điểm thi đều diễn ra an toàn, không có thí sinh vi phạm quy chế thi, không có cán bộ coi thi vi phạm nghiệp vụ làm thi.
Ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Phó Ban chỉ đạo thi Trung học Phổ thông quốc gia Thành phố Hà Nội, cho biết Hà Nội có 125 điểm thi với hơn 75.000 thí sinh dự thi tại 3.916 điểm thi.
Trong buổi thi sáng nay, có chín thí sinh vi phạm quy chế thi phải xử lý hình thức kỷ luật, đình chỉ thi; trong đó có hai thí sinh mang điện thoại vào phòng thi và bảy thí sinh sử dụng tài liệu trong thời gian làm bài thi.
Nêu cao trách nhiệm của cán bộ coi thi
Sau khi kiểm tra các điểm thi, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, chia sẻ về cơ bản, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã lan tỏa đến các địa phương, quận, huyện rất rõ nét. Các điểm thi đã làm hết trách nhiệm, rõ người, rõ việc. Các thành viên trong Hội đồng đã hiểu rõ trách nhiệm, quy trình xử lý vấn đề, đáp ứng được yêu cầu của một kỳ thi nghiêm túc.
Thí sinh làm thủ tục dự thi. (Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN)
Thứ trưởng đề nghị các địa phương cố gắng tiếp tục thực hiện điều hành tổ chức tại các điểm thi theo đúng Quy chế. Tất cả các thành viên tham gia tổ chức thi đều phải nắm chắc Quy chế, có tinh thần trách nhiệm cao để kỳ thi thực sự trong sạch, phòng, chống việc lộ, lọt đề thi ra ngoài.
Trách nhiệm của cán bộ coi thi là nếu có thí sinh vi phạm quy chế, phải phát hiện được và lập biên bản để xử lý. Nếu để lực lượng khác phát hiện (giám sát phòng thi, thanh tra...) thì không chỉ cán bộ coi thi bị xử lý tmà cả Trưởng điểm thi, Phó Trưởng điểm thi cũng bị xử lý trách nhiệm.
Thứ trưởng lưu ý, trong các buổi thi tiếp theo, tinh thần trách nhiệm của cán bộ coi thi càng phải được phát huy cao độ. Đặc biệt, cán bộ coi thi cần đề phòng thí sinh mang thiết bị công nghệ cao vào phòng thi, thực hiện hành vi gian lận thi cử. Trước khi gọi thí sinh vào phòng thi và trước khi phát đề thi, giám thị cần nhắc nhở thí sinh tự nguyện giao nộp những vật dụng không được mang vào phòng thi như điện thoại, thiết bị công nghệ cao. Với mọi sự cố xảy ra, giám thị phải báo cáo Trưởng điểm thi để có hướng dẫn xử lý, không được tự ý xử lý tình huống trong quá trình coi thi.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng đề nghị các Trưởng điểm thi, thanh tra, giám sát phải thực hiện chức năng giám sát chéo lẫn nhau. Đặc biệt là trong khâu bảo quản đề thi, bài thi. Tủ bảo quản đề thi, bài thi phải riêng biệt, có khóa và niêm phong, chìa khóa do Trưởng điểm thi giữ. Khi mở niêm phong phải có tối thiểu Trưởng điểm thi, Phó Trưởng điểm thi, thanh tra, công an bảo vệ chứng kiến và có biên bản làm việc.
Thứ trưởng nhấn mạnh bất cứ hành vi vi phạm quy chế nào xảy ra trong thời gian coi thi đều phải lập biên bản. Cán bộ điểm thi phải lưu ý quy trình bảo quản đề thi và bài thi, camera phải đảm bảo hoạt động liên tục, ghi hình 24/24 giờ. Ban chỉ đạo thi cần tăng cường công tác an ninh, đảm bảo trường thi lúc nào cũng được bảo vệ an ninh trật tự, tăng cường thanh kiểm tra vào ban đêm.
Công tác coi thi phải được cán bộ, giám sát thực hiện nghiêm nhưng không được gây căng thẳng cho thí sinh làm bài thi, phải tạo sự thoải mái trong phòng thi, không khí yên tĩnh trường thi để thí sinh làm bài đạt kết quả cao nhất.
Đảm bảo thanh tra độc lập và đúng quy trình
Từ thực tế hoạt động thanh tra tại một số điểm thi ở Hòa Bình và Hà Nội, ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá nhìn chung, các điểm thi đã bám sát Quy chế để triển khai cả về chuyên môn và công tác trật tự, an toàn, an ninh. Tại Hòa Bình, một điểm thi bố trí bảy cán bộ công an giám sát cùng cán bộ thanh tra của Sở và cán bộ của trường Đại học phối hợp.
Qua trao đổi có thể thấy cán bộ thanh tra nắm rất chắc công việc. Tuy nhiên, tại Hà Nội, cán bộ thanh tra đã được bố trí đúng thành phần nhưng việc “đúng vai, thuộc bài” cần phải cố gắng hơn nữa.
Chánh thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu ý, cán bộ thanh tra phải thực hiện đúng quy trình thanh tra thi, đảm bảo thanh tra độc lập, thanh tra từ Trưởng Điểm thi trở xuống. Đặc biệt, Hà Nội cần nhắc nhở lực lượng thanh tra bám sát quy trình hơn nữa, nắm rõ nhiệm vụ. Những nội dung còn chưa hiểu hoặc có khó khăn, vướng mắc, cán bộ thanh tra cần trao đổi với thanh tra Sở, thanh tra Bộ để giải đáp kịp thời. Trong trường hợp cán bộ thanh tra không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cần có phương án thay thế để đảm bảo công tác thanh tra tại các điểm thi chặt chẽ, không để xảy ra sơ hở hay sai sót.
Từ sự việc thí sinh mang điện thoại vào phòng thi để chụp đề thi tại Phú Thọ trong buổi thi Ngữ văn, ông Nguyễn Huy Bằng cho rằng cán bộ coi thi cần tập trung cao độ, lưu ý cách nhận diện thiết bị công nghệ cao, nhắc nhở thí sinh trước khi vào phòng thi. Trong quá trình coi thi, một giám thị phải từ trên nhìn xuống, một giám thị từ dưới nhìn lên để kịp thời phát hiện, kiểm soát tất cả hành vi của thí sinh. Nếu hành vi nào bất thường có thể kiểm tra, thậm chí dùng các biện pháp nghiệp vụ và đề nghị lực lượng công an xem xét thật kỹ./.
Theo Việt Hà (TTXVN/Vietnam+)