BGTV- Giá cao, chất lượng vượt trội, việc thu mua thuận lợi là niềm vui rất lớn của người dân Lục Ngạn – thủ phủ vải thiều miền Bắc những ngày này.
Trong thời tiết tháng 6 đổ lửa nhưng cùng không làm người dân “ngại” thu hoạch, bởi những sọt vải chất đầy ắp có thể mang lại trên dưới chục triệu đồng đã trở thành nguồn động viên to lớn cho những nhà vườn tại Lục Ngạn.
Năm nay, diện tích trồng vải của tỉnh Bắc Giang vẫn duy trì trên 28.000 ha với sản lượng ước đạt 150 nghìn tấn. Trong đó, diện tích vải thiều sớm khoảng 6.000 ha với sản lượng khoảng 40.000 tấn. Sản lượng vải thiều chính vụ khoảng 22.000 ha, sản lượng khoảng 110.000 tấn. Diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên 13.800 ha, sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP là 218 ha, huyện Lục Ngạn có 20 ha vải thiều sản xuất theo mô hình vải hữu cơ.
Hiện giá vải thiều chính vụ hiện vẫn ổn định ở mức khá cao từ 30.000 đến 60.000 đồng mỗi kg. Cao điểm có thể lên đến 70.000 đồng mỗi kg, gấp nhiều lần so với mọi năm.
Nhiều người dân trồng vải tại Lục Ngạn cho biết, vụ vải năm nay sản lượng chỉ bằng ½ so với năm ngoái nhưng đổi lại giá vải cao hơn nhiều lần.
Vải tươi được tiêu thụ thuận lợi cả trong nước và xuất khẩu. Thị trường trong nước chủ yếu tại các thành phố lớn như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, TP HCM và các tỉnh phía Nam, thông qua các thương nhân phân phối, chợ đầu mối như Thủ Đức, Bình Điền, Hóc Môn, Dầu Giây và các trung tâm thương mại, siêu thị, với thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc qua đường chính ngạch và một số nước khu vực Trung Đông, EU, Nga, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Australia...
Mặc dù năm nay vải mất mùa, đổi lại giá gấp nhiều lần so với năm ngoái, người dân vẫn có lãi, ai ai cũng phấn khởi, cười tươi mặc dù đội nắng chờ tới lượt vào cân.
Qua thống kê nhiều năm, 50% vải Thiều Lục Ngạn được tiêu thụ trong nước, 50% còn lại được xuất khẩu. Trong số xuất khẩu, có đến 90% là xuất khẩu sang Trung Quốc. Năm 2019, các nhà nhập khẩu vải Trung Quốc đã cấp 149 mã vùng trồng với diện tích trên 16.000 ha để phục vụ việc truy xuất nguồn gốc khi xuất khẩu sang Trung Quốc.
“Giá cao mà đầu ra ổn định như năm nay người dân đỡ khổ hơn, việc thu mua thuận lợi cũng khiến thương lái như chúng tôi rất phấn khởi, từ đầu vụ đến giờ tôi cũng bán được gần 400 tấn "- một thương lái thu mua vải thiều tại xã Hồng Giang, Lục Ngạn cho biết.
Có nhiều nguyên nhân khiến giá vải tăng cao. Một phần bởi sản lượng vải năm nay thấp hơn mọi năm; diện tích trồng vải ở Bắc Giang giảm xuống do người dân chuyển sang trồng cam canh, bên cạnh đó chất lượng vải vượt trội, mẫu mã đẹp, nhiều hộ trồng vải đã áp dụng sản xuất hữu cơ, VietGAP, ít sử dụng phân hóa học để kích thích trái vải lớn nhanh, chín ép nên chất lượng có sự khác biệt. Ngoài ra các thương lái Trung Quốc sang thu mua vải ồ ạt cũng là lý do đẩy giá vải tăng cao.
Minh Anh