Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tuyên bố nước này sẽ tiếp tục tăng cường năng lực phòng thủ tên lửa để ứng phó tốt hơn với mọi mối đe dọa, trong đó có các tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên.
(Nguồn: Koogle TV)
Ngày 13/5, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tuyên bố nước này sẽ tiếp tục tăng cường năng lực phòng thủ tên lửa để ứng phó tốt hơn với mọi mối đe dọa, trong đó có các tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên.
Phát biểu họp báo, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Choi Hyun-soo nhấn mạnh: "Quân đội của chúng ta đã phát triển năng lực phòng thủ tên lửa của riêng mình, tập trung vào hệ thống Patriot để chống lại các mối đe dọa từ tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên. Chúng ta sẽ tiếp tục tăng cường các khả năng như vậy nhằm chống lại các mối đe dọa từ mọi hướng một cách hiệu quả."
Khi được hỏi về những phân tích quân sự để xác định chính xác loại vũ khí nào Triều Tiên đã sử dụng trong hai đợt phóng trong tháng này, bà Choi Hyun-soo cho biết hiện vẫn chưa xác định được chi tiết, bao gồm cả việc liệu các tên lửa tầm ngắn mà Triều Tiên phóng hồi tuần trước có phải là tên lửa đạn đạo hay không.
Hàn Quốc đã phát triển và triển khai một "hệ thống nhằm ứng phó với vũ khí hạt nhân và các vũ khí hủy diệt hàng loạt khác" như một chiến lược nền tảng nhằm đối phó với các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Hệ thống này, được biết đến là hệ thống phòng thủ "3 trụ cột," bao gồm Kế hoạch Trừng phạt và đáp trả quy mô lớn (KMPR) nhằm tước quyền lãnh đạo của Triều Tiên trong một cuộc xung đột quy mô lớn, Hệ thống Tấn công phủ đầu Kill Chain nhằm phát hiện và ngăn chặn cuộc tấn công hạt nhân của Triều Tiên và Hệ thống Phòng thủ tên lửa và phòng không Hàn Quốc (KAMD).
Tuyên bố trên được Hàn Quốc đưa ra nhằm giải tỏa những lo ngại ngày càng tăng về năng lực phòng thủ tên lửa của nước này sau khi Triều Tiên hôm 9/5 đã phóng hai vật thể bay được xác định là các tên lửa tầm ngắn, chỉ 5 ngày sau khi Bình Nhưỡng phóng một loạt các vật thể bay hướng ra vùng biển Nhật Bản.
Các động thái quân sự liên tiếp này, cùng với tuyên bố của Triều Tiên về một cuộc diễn tập "tấn công tầm xa" và thử nghiệm “vũ khí chiến thuật có điều khiển loại mới” đã khiến tình hình an ninh trên Bán đảo Triều Tiên nóng lên sau một thời gian dài bình yên khi Bình Nhưỡng ngừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa để tham gia các vòng đàm phán phi hạt nhân hóa./.
Theo Phương Oanh/Vietnam+