BGTV- Các làng nghề khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang những năm qua góp phần quan trọng trong giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân, tạo nguồn thu và góp phần xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, sự tác động mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường đã tạo ra không ít khó khăn và thách thức tới các làng nghề truyền thống.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 36 làng nghề được UBND tỉnh công nhận. Các nghề thủ công khá phong phú ở nhiều lĩnh vực như: mây tre đan, sản xuât gốm, làm mỳ gạo, bún, bánh đa, nấu rượu, sản xuất mộc dân dụng. Đây là những làng nghề có lịch sử hình thành lâu đời, sản xuất những sản phẩm thủ công truyền thống nổi tiếng trong và ngoài nước. Mặc dù nhiều sản phẩm đã và đang tạo dựng tiếng nói trên thị trường nhưng hiện nay không ít làng nghề lâm vào tình cảnh khó khăn, sản xuất mang tính cầm chừng, thị trường tiêu thụ và nguyên liệu đầu vào ngày càng thắt chặt, bên cạnh đó thế hệ trẻ nhiều nơi đã không còn mặn mà với làng nghề truyền thống.
Sản xuất tại làng nghề phát huy hiệu quả cần nhiều đến nguồn lực lao động và thị trường tiêu thụ
Anh Long, một hộ làm mỳ Chũ tại làng nghề Thủ Dương – Lục Ngạn chia sẻ: “Các hộ làm chủ yếu bây giờ là bố mẹ, ông bà gắn bó, chứ giới trẻ thì ít lắm, ngoài đi làm công ty không thì xuất khẩu lao động, không hẳn là không có nhưng số lượng thanh niên trong độ tuổi lao động gắn bó với nghề truyền thống hiện không nhiều”.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hậu quả này, tuy nhiên quan trọng nhất vẫn là những vướng mắc trong việc cung cấp nguyên liệu, đầu ra cho sản phẩm làng nghề... Vì vậy các làng nghề luôn trong trạng thái bị động, hiệu quả kinh doanh thấp, thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, không ổn định. Ðặc biệt yếu tố thu nhập của người lao động có vai trò quyết định tới việc giữ chân họ trong làng nghề. Hiện nay thu nhập của người lao động trong làng nghề thấp nên buộc phải chuyển sang làm nghề khác như đi lao động nước ngoài, tỉnh ngoài hoặc vào làm trong các khu, cụm công nghiệp có thu nhập cao hơn.
Xu hướng "rời quê lên phố" lập nghiệp khiến nhiều làng nghề thiếu đi lực lượng lao động trẻ tuổi
Bắc Giang là tỉnh có nhiều làng nghề so với một số tỉnh lân cận, một số làng nghề có những bí quyết riêng biệt nơi khác không có, những năm gần đây chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã quan tâm đến phát triển làng nghề đó là những điều kiện tốt cho việc khai thác phát triển du lịch tại các làng nghề truyền thống. Bên cạnh đó, để bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của làng nghề cần chú trọng bảo tồn các giá trị đặc sắc và có chính sách để hoạt động tại các làng nghề ngày càng hiệu quả, theo đó cần phân loại những ngành nghề truyền thống có khả năng tồn tại, phát triển và những ngành có nguy cơ mai một, để có chính sách phù hợp; lựa chọn sản phẩm đặc trưng để đầu tư phát triển các làng nghề truyền thống có sản phẩm xuất khẩu, đưa các làng nghề hoạt động hiệu quả như làng nghề mây tre đan xã Tăng Tiến, sản xuất mỳ chũ xã Nam Dương huyện Lục Ngạn, Bánh đa Kế thành phố Bắc Giang… vào khai thác du lịch. Đặc biệt, để phát triển du lịch làng nghề bền vững, cần quan tâm đến vấn đề môi trường, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất.
Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang thời gian qua đã tăng cường chỉ đạo các địa phương rà soát, đánh giá đúng thực trạng phát triển nghề của địa phương để có những giải pháp phát triển nghề làng nghề phù hợp. Ðẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân để nhận thức rõ hơn về ý nghĩa, vai trò của phát triển nghề và làng nghề trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Khuyến khích và tạo điều kiện để các cơ sở trong làng nghề thành lập doanh nghiệp. Ðồng thời thường xuyên tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, tìm đầu ra cho các sản phẩm làng nghề.
Làng nghề truyền thống không chỉ góp phần phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập mà còn giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Để các nghề và làng nghề truyền thống thoát khỏi tình trạng khó khăn cần có các chính sách hỗ trợ trong việc quy hoạch, phát triển, đăng ký thương hiệu sản phẩm. Mặt khác, các làng nghề cần phải cải tiến, đổi mới mẫu mã, tạo ra sản phẩm phong phú, đa dạng, chất lượng hơn mới đủ sức cạnh tranh trên thị trường; đồng thời đẩy mạnh quảng bá thương hiệu để tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ, tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm. Có như vậy, các nghề và làng nghề truyền thống mới tồn tại và phát triển ổn định, bền vững trong giai đoạn hiện nay./.
Minh Anh