BGTV- Cuối năm là thời điểm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chuẩn bị nguồn hàng để đáp ứng nhu cầu tăng cao của người tiêu dùng vào dịp Tết. Sự phong phú, đa dạng về chủng loại các mặt hàng thực phẩm kéo theo nguy cơ hàng giả, thực phẩm kém chất lượng trà trộn gây ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng.
Theo Sở Y tế, trong năm 2018, ngành đã thanh tra, kiểm tra trên 3.100 lượt cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm, phát hiện 677 cơ sở có vi phạm về ATTP, xử phạt 57 cơ sở thực phẩm với số tiền hơn 155 triệu đồng. Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chỉ đạo Đội Quản lý thị trường các huyện, TP phối hợp với các ngành có liên quan tiến hành kiểm tra, phát hiện, xử lý 340 vụ việc vi phạm về ATTP, xử phạt vi phạm hành chính gần 500 triệu đồng, trị giá hàng hóa tiêu hủy trên 200 triệu đồng.
Những người kinh doanh, chế biến thực phẩm cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mình đối với sức khỏe người tiêu dùng
Có thể thấy, giải quyết vấn đề mất vệ sinh ATTP không thể chỉ trong một sớm, một chiều bởi lẽ, vì lợi nhuận trước mắt, nhiều người kinh doanh đã bất chấp luật pháp, lương tâm, kiếm tiền bằng mọi giá trên sức khỏe và mạng sống của nhân dân. Các biện pháp tuyên truyền hay xử phạt nặng dường như vẫn chưa đủ sức răn đe. Do đó, NTD cần tự trang bị cho mình những kiến thức, kinh nghiệm chọn lựa thực phẩm “sạch” đưa vào bữa ăn của gia đình. Nên tìm đến những địa chỉ cung ứng thực phẩm được chứng nhận có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng là rất cần thiết đồng thời tẩy chay hàng kém chất lượng, thực phẩm không rõ nguồn gốc; tích cực tố giác những địa chỉ sản xuất, tàng trữ, kinh doanh hàng giả, hàng lậu; tăng giá không hợp lý, góp phần làm trong sạch và bình ổn thị trường dịp cuối năm.
Nguồn thực phẩm tại các chợ cóc nhỏ lẻ khó kiểm soát về chất lượng
Để bảo đảm chất lượng nguồn cung ứng thực phẩm, nhất là vào dịp cao điểm Tết Nguyên đán sắp tới, các cơ quan chức năng cần tăng cường, nâng cao hiệu quả thanh tra, kiểm tra, giám sát ATTP, xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm. Có như vậy mới có tác dụng sàng lọc, giúp những cơ sở có chất lượng tồn tại và phát triển; đồng thời buộc những cơ sở sản xuất, kinh doanh thiếu ý thức, không bảo đảm điều kiện ATTP phải dừng hoạt động. Đối với các đơn vị sản xuất, cần nhận thức rõ xu hướng tiêu dùng thông minh đang trở nên phổ biến và NTD không những hướng tới những thực phẩm sạch, an toàn mà còn tự trang bị cho mình những kiến thức, kinh nghiệm về việc nhận biết những loại thực phẩm đạt tiêu chuẩn. Bởi vậy, doanh nghiệp muốn đứng vững và phát triển cần phải đi lên bằng con đường “sạch”, sản xuất, kinh doanh vì lợi ích, sức khỏe NTD.
Người dân cần sáng suốt trong việc lựa chọn thực phẩm cho gia đình
Để tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, các đoàn của tỉnh sẽ kiểm tra những cơ sở cung cấp thực phẩm với số lượng lớn như chợ đầu mối, siêu thị, cơ sở thương mại tập trung, cơ sở nhập khẩu thực phẩm và những địa bàn khó khăn có nhiều nguy cơ thực phẩm không đảm bảo được chuyển đến; các đoàn liên ngành cấp huyện, xã, phường thực hiện kiểm tra các cơ sở vừa và nhỏ. Các đoàn sẽ kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP; lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu ATTP khi cần thiết. Tỉnh tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, như bánh kẹo, rượu, bia, nước giải khát, rau, quả, các loại thịt và thực phẩm được chế biến từ thịt, cá… tại chợ đầu mối, siêu thị, cơ sở thương mại tập trung, cơ sở nhập khẩu thực phẩm.
Cùng với hoạt động thanh tra, kiểm tra, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật, kiến thức về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm. Sở NN&PTNT tăng cường giám sát, triển khai việc thống kê, phân loại, kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thuỷ sản theo quy định; hướng dẫn huyện, thành phố chỉ đạo việc bố trí cán bộ kiêm nhiệm làm công tác ATTP. Về phía Sở Công Thương cần tăng cường tham mưu, triển khai công tác quản lý, phát triển, kiểm soát ATTP đối với các làng nghề.
Từ nay đến Tết Nguyên đán 2019, công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và cộng đồng trong công tác bảo đảm ATTP dịp trước, trong và sau Tết./.
Minh Anh