BGTV- Ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gia cầm nói riêng trong tỉnh thời gian qua có nhiều biến động, có cả những thời cơ và thách thức. Tại Yên Thế - “thủ phủ” về chăn nuôi gà, thông qua việc xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu “Gà đồi Yên Thế” trên khắp cả nước và ở cả nước ngoài đã góp phần khẳng định được vị thế của sản phẩm trong quá trình hội nhập và phát triển.
Theo thống kê, những năm gần đây, tổng đàn gia cầm của huyện theo thời điểm đạt bình quân từ 3,5 đến 4 triệu con. Là vùng có tổng đàn gà lớn, sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu song việc tiêu thụ nông sản vẫn bấp bênh khiến người chăn nuôi gà đồi còn băn khoăn, lo lắng. Do vậy, hiện nay, chính quyền, cơ quan chuyên môn và hộ chăn nuôi trong huyện đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để khắc phục, trong đó đặc biệt chú trọng liên kết, ổn định đầu ra và phát triển gà đồi theo chuỗi giá trị - đây được xem là xu thế tất yếu của ngành chăn nuôi hiện nay.
Phát triển Gà đồi Yên Thế theo chuỗi giá trị là việc làm tất yếu
Hàng năm, huyện Yên Thế xuất bán ra thị trường được từ 12-14 triệu con gia cầm thương phẩm, sản lượng đạt khoảng hơn 18 nghìn tấn, giá trị sản xuất đạt hơn 1.250 tỷ đồng. Mức tiêu thụ trên đã mang lại thu nhập lớn cho các hộ chăn nuôi và đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Hiện nay số lượng hộ chăn nuôi gà quy mô từ 500 - 1.000 con của huyện là trên 2.000 hộ; quy mô từ 1.000- 2.000 con với trên 700 hộ nuôi; trên 230 hộ nuôi quy mô trên 2.000 con; cá biệt đã có những hộ nuôi từ 7.000 đến 9.000 con/lứa và nhiều lứa/năm. Nhờ đảm bảo quy trình kỹ thuật nên đàn gà phát triển tốt, hạn chế tối đa dịch bệnh và đem lại lợi ích kinh tế lớn cho người chăn nuôi.
Gia đình anh Hoàng Văn Lập ở thôn La Thành, xã Tiến Thắng là một hộ chăn nuôi quy mô khá lớn tại địa phương, tuy nhiên cũng như nhiều hộ chăn nuôi khác, anh vẫn băn khoăn về việc tiêu thụ gà thời gian qua còn bấp bênh và thiếu ổn định. Do vậy, việc tham gia tổ hợp tác chăn nuôi gà đồi có ý nghĩa quan trọng bởi các hộ có điều kiện hỗ trợ, hướng dẫn nhau kiến thức khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm chăn nuôi, phòng bệnh và tiêu thụ sản phẩm; đồng thời các hộ sẽ làm chủ kỹ thuật, bảo đảm sản phẩm đạt chất lượng cao khi xuất bán.
Để nâng cao hiệu quả chăn nuôi gà vườn đồi, các chuyên gia khuyến cáo bà con nên sản xuất an toàn sinh học, liên kết sản xuất, chế biến theo chuỗi khép kín
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để nâng cao giá trị sản phẩm gà đồi Yên Thế trong những năm tới đây, công tác hướng dẫn bà con nông dân chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, VietGAP, áp dụng các quy trình phòng chống dịch bệnh luôn được chú trọng, đặc biệt là nâng cao chất lượng con giống. Hiện nguồn giống đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu của chăn nuôi gà đồi Yên Thế nói riêng cũng như chăn nuôi gia cầm trên địa bàn nói chung với hơn 200 cơ sở SX con giống nên tình trạng nhập giống gà trôi nổi, giống gà Trung Quốc, giống gà kém chất lượng đã được khắc phục cơ bản, vì vậy chất lượng gà đồi Yên Thế được nâng lên. Bên cạnh đó các diễn đàn xúc tiến thương mại tiếp tục được đẩy mạnh, giúp người dân có cơ hội liên kết với doanh nghiệp, nhằm thuận lợi hơn trong khâu tiêu thụ.
Về phía huyện Yên Thế tiếp tục rà soát định hướng chuyển mô hình kinh tế hộ sang trang trại tập trung; nhân rộng mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh hỗ trợ thành lập mới các hợp tác xã; thu hút, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã có tiềm lực đầu tư, phát triển khâu chế biến, tiêu thụ sản phẩm góp phần quan trọng bảo đảm giữ vững và từng bước phát triển thương hiệu Gà đồi Yên Thế./.
Minh Anh