BGTV- Công tác đảm bảo Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế tại một số địa phương hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt tại khu vực vùng sâu vùng xa, miền núi. Để từng bước đáp ứng yêu cầu khám chữa của người dân, chính quyền và cán bộ ngành y tế tại Lục Ngạn đã và đang nỗ lực hết sức nhằm nâng cao chất lượng công tác y tế ngay từ cơ sở.
Là xã còn nhiều khó khăn của huyện với tỷ lệ hộ nghèo còn cao, trình độ dân trí không đồng đều, các chỉ tiêu về y tế, giáo dục, kinh tế - xã hội tại xã Kiên Thành vẫn còn ở mức hạn chế. Tuy nhiên với sự đồng thuận lớn từ người dân cũng như quyết tâm, vào cuộc đồng bộ quyết liệt từ cấp ủy, chính quyền đến đội ngũ cán bộ y tế xã, điều kiện khám chữa bệnh và cơ sở vật chất tại trạm y tế xã Kiên Thành từng bước được cải thiện.
Từ khi thực hiện thành công bộ tiêu chí ngành năm 2016, bên cạnh việc làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, địa phương rất quan tâm công tác duy trì Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã đến năm 2020, nhiều nội dung thiết thực được triển khai như huy động xã hội hóa công tác y tế do nhân dân, các ngành, đoàn thể, đơn vị trường học trên địa bàn xã tích cực tham gia đóng góp, trang bị cơ sở vật chất, ngày công lao động để xây dựng, sửa chữa nhà trạm, trồng cây xanh, vườn thuốc nam tại khuôn viên... đã trở thành nguồn lực chính để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, bên cạnh đó bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã cũng được cán bộ tại trạm bám sát thực hiện.
Thời gian qua huyện Lục Ngạn đặc biệt quan tâm tới công tác y tế tại khu vực vùng sâu vùng xa
Ông Mùng Văn Lọong thôn Khanh Mùng, xã Kiên Thành cho biết trước đây, khi bị ốm bệnh, dù là những bệnh thông thường người dân đều đến Bệnh viện đa khoa Lục Ngạn để khám chữa nhưng những năm gần đây, tại trạm y tế xã đã có đầy đủ vật chất, cán bộ và thuốc chữa bệnh nên bà con không còn phải đi xa, phụ nữ, trẻ em cũng được chăm sóc chu đáo, nhân dân trong vùng thật sự rất vui và phấn khởi.
Trên địa bàn huyện Lục Ngạn hiện có 1 bệnh viện đa khoa khu vực, 1 Trung tâm Y tế, 1 Trung tâm Dân số - KHHGĐ; 30 trạm y tế xã, thị trấn và 140 cơ sở hành nghề y dược tư nhân. 29/30 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế. Phấn đấu năm 2019 nâng tổng số trạm đạt chuẩn lên 30/30. Các trạm y tế xã, thị trấn đều được quan tâm đầu tư trang thiết bị hiện đại gồm: Máy siêu âm, điện tim, xét nghiệm, răng hàm mặt, bộ ngũ quan, bộ tăng âm loa đài tuyên truyền, máy vi tính... Các chính sách khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, đối tượng chính sách, khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế được triển khai thực hiện có hiệu quả. Y tế cơ sở được phát triển rộng khắp, trong đó bao gồm cả mạng lưới y tế thôn, bản, đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận các dịch vụ y tế; 100% trạm y tế xã có bác sỹ; 28/30 trạm y tế xã có nữ hộ sinh và y sỹ sản nhi. Y tế cơ sở đóng vai trò quan trọng trong công tác truyền thông - giáo dục sức khỏe, nâng cao kiến thức từ đó giúp người dân tự chủ động trong bảo vệ sức khỏe, phòng chống bệnh tật cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, đồng thời triển khai tốt các chương trình y tế quốc gia.
Nhu cầu khám chữa bệnh ban đầu của nhân dân đã được đáp ứng kịp thời tại các tuyến y tế cấp cơ sở
Tuy nhiên, hiện nay do nguồn nhân lực các trạm y tế thiếu, công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ gặp nhiều khó khăn. Ông Đỗ Xuân Sinh, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng huyện chia sẻ: “Các trạm y tế được phê chuẩn danh mục kỹ thuật và có trang bị máy xét nghiệm nhưng không có cán bộ được đào tạo, không có chứng chỉ xét nghiệm nên không thực hiện được xét nghiệm cho người bệnh. Một số xã có những thôn cách xa trung tâm nên công tác tuyên truyền, khám chữa bệnh gặp không ít khó khăn”.
Trong thời gian tới, đi đôi với việc phấn đấu đạt chuẩn bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã, huyện Lục Ngạn cũng đặc biệt quan tâm đến đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh thông qua bảo hiểm y tế cho nhân dân; phát triển, mở rộng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trong toàn huyện, đẩy mạnh hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, đào tạo tại chỗ cho nguồn nhân lực y tế, đồng thời chú trọng tới việc giáo dục y đức, đổi mới phương thức phục vụ và nâng cao tinh thần, thái độ giao tiếp với người bệnh của đội ngũ cán bộ, y bác sĩ trong cả hệ thống y tế từ huyện đến cơ sở, góp phần đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của nhân dân trên địa bàn ngày càng chu đáo, hiệu quả./.
Minh Anh