BGTV- Trên địa bàn TP Bắc Giang, vấn nạn xin tiền, chèo kéo khách mua hàng từ các hàng rong tồn tại từ lâu song vẫn tiếp tục diễn ra và có nhiều biến tướng. Phiền phức với người dân là điều thấy rõ, trong khi đó cơ quan chức năng vẫn chưa có các biện pháp giải quyết triệt để thực trạng này.
Khi trời tối tại nhiều công viên, quán vỉa hè, quán nhậu, người dân có thể dễ dàng bắt gặp các cảnh người lành lặn khỏe mạnh đẩy xe người tàn tật, trẻ em cho ăn mặc nhếch nhác, người già, phụ nữ bế con nhỏ... ăn xin. Khi được hỏi về quê quán, tại sao lại buôn bán hàng rong và xin tiền, các đối tượng này thường kể ra nhiều hoàn cảnh éo le như kinh tế khó khăn, bị bệnh tật, trẻ em mồ côi, cơ nhỡ... và sau mỗi lần lại là những câu chuyện khác nhau được “thiên biến vạn hóa”.
Hiện nay vấn nạn này đang biến tướng ngày càng đa dạng, phức tạp tại địa bàn thành phố Bắc Giang, khiến người dân từ chỗ chia sẻ thương cảm đã phải bức xúc trước những đối tượng này. Anh Hiếu, chủ một quán giải khát trên đường Ngô Văn Cảnh , TP Bắc Giang cho biết: hầu hết các buổi tối đều có người ăn xin, bán hàng rong “ghé thăm”, trong đó, nhiều nhất là đối tượng trẻ em, phụ nữ, người già. Nhiều khách tỏ ra khó chịu do đã bị xin nhiều lần nhưng các đối tượng ăn xin sẵn sàng chây ỳ, chèo kéo bằng được mới chịu bỏ đi.
Các đối tượng xin tiền rong xuất hiện nhiều tại TP Bắc Giang song vẫn chưa được xử lý triệt để.
Theo ghi nhận của PV, tại một số tuyến đường chính, những nơi tập trung đông người, khu vực trung tâm TP Bắc Giang, Quảng trường 3/2... nạn ăn xin tái diễn với đủ thành phần từ người già tàn tật, trẻ em cơ nhỡ, ngoài ra còn xuất hiện các đối tượng tự nhận là “nghiện hút” nhằm “xin đểu” người đi đường. Thời gian hoạt động của các đối tượng này chủ yếu từ 2-3 giờ chiều đến khoảng 10h tối, trong đó nhiều nhất tại Quảng trường 3/2 vào buổi tối tất cả các ngày trong tuần.
Bạn Lê Thu Hà (Phường Hoàng Văn Thụ, TP Bắc Giang) cho biết: “Mình thường xuyên ngồi uống nước với bạn bè ở khu vực Quảng trường nhưng tối nào cũng có những nhóm người xin tiền hay bán tăm bông, đồ lặt vặt xuất hiện, có lần vì không mua hàng mà mình và nhóm bạn còn bị một bà lão lầm bầm chửi khiến ai cũng ngỡ ngàng”.
Đặc điểm chung của các đối tượng “xin đểu” này thường đi từ 1 – 2 người, nếu đơn lẻ là các cá nhân như người già, trẻ em và thường có “dụng cụ hành nghề” là những gói tăm bông, cắt móng tay, kẹo cao su... bán với giá “cắt cổ”, ngoài ra còn có nhiều đối tượng ngồi xe lăn và có người đẩy đằng sau. Hình thức có nhiều biến tướng, song để hoạt động, những đối tượng ăn xin này chủ yếu nhắm vào lòng “trắc ẩn” của người dân nhằm trục lợi.
Để giải quyết tình trạng này, các cơ quan chức năng cần có biện pháp lâu dài, kiên quyết hơn nữa, cần triển khai thực hiện tốt các quy định của nhà nước như đưa người lang thang, ăn xin về địa phương của họ, đẩy mạnh phát triển kinh tế, tạo việc làm cho các đối tượng tại các địa phương. Bên cạnh đó, người dân nên có thái độ dứt khoát không cho tiền người ăn xin, thể hiện lòng từ thiện của mình đúng nơi, đúng chỗ. Đối với các hiện tượng ăn xin biến tướng, giả mạo; các đối tượng lợi dụng trẻ em, người già, người tàn tật để làm nghề ăn xin kiếm sống, các cơ quan chức năng, dân phòng, cần chủ động kiểm tra, tìm hiểu, xác minh địa chỉ quê quán đối tượng đang hành nghề để có biện pháp xử lý theo quy định nhằm trả lại trật tự văn minh đô thị trên địa bàn./.
Minh Anh