BGTV- Những năm gần đây, nhiều phụ huynh có xu hướng để con em mình tiếp xúc và làm quen với ngoại ngữ từ khá sớm, đặc biệt là tiếng Anh – thứ ngôn ngữ toàn cầu. Việc ngay khi còn nhỏ, trẻ được làm quen với tiếng Anh sẽ là nền tảng lợi thế cho tương lai. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh, đặc biệt là những phụ huynh có con ở lứa tuổi mầm non, đang băn khoăn trong việc tìm ra phương pháp giáo dục phù hợp cho con em mình.
Học ngoại ngữ là quá trình lâu dài với trẻ em, do đó các phụ huynh không nên nóng vội
Biết khi nào con “sẵn sàng”
Hiện nay, cho con em học tiếng Anh là một nhu cầu lớn với nhiều gia đình, tuy nhiên không ít phụ huynh vì “nôn nóng” muốn để con hiểu sớm, nghe sớm nên “uốn” con vào khung học ngoại ngữ từ khá sớm. Tuy nhiên theo các chuyên gia giáo dục, không phải lúc nào trẻ cũng sẵn sàng cho việc tiếp nhận một ngôn ngữ thứ hai, việc tiếp xúc sớm với ngoại ngữ là yếu tố thuận lợi song không có nghĩa là ngay khi trẻ đang học nói.
Theo cô giáo Nguyễn Thu Thủy, giáo viên một Trung tâm Anh ngữ tại phường Hoàng Văn Thụ, TP Bắc Giang chia sẻ: “Với nhiều gia đình người Việt sinh sống tại các nước nói tiếng Anh, việc để trẻ tiếp xúc và làm quen song ngữ là cần thiết và phù hợp khi ngôn ngữ thứ hai là ngôn ngữ chính của trẻ. Còn ở ta, việc cho trẻ học tiếng Anh như một ngoại ngữ chỉ nên bắt đầu khi trẻ có khả năng nhận thức về ngôn ngữ, tốt nhất là khi trẻ đã có thể sử dụng tiếng mẹ đẻ một cách cơ bản”.
Cha mẹ cần lắng nghe, tôn trọng sở thích và tính cách của con, từ đó chọn lựa ra được cách thức giáo dục phù hợp
Với trẻ nhỏ, thường không có một quy tắc nào định ra lứa tuổi phù hợp nhất để trẻ nên bắt đầu học tiếng Anh, lúc này ngôn ngữ thứ 2 với trẻ nên trở thành “niềm vui”, vừa học vừa chơi bởi nếu tiếp xúc với phương pháp không phù hợp sẽ dễ chán và việc tiếp nhận ngôn ngữ sẽ không hiệu quả. Cha mẹ có thể cho trẻ tiếp xúc với tiếng Anh qua các bài hát, trò chơi, âm nhạc, phim hoạt hình... nhưng chỉ nên dừng lại ở mức giải trí, không nên “gượng ép” trở thành hoạt động chủ đạo trong sinh hoạt hàng ngày của trẻ.
Bên cạnh đó, cá tính và nhận thức, khả năng của mỗi trẻ là khác nhau, do đó thời điểm để trẻ học tiếng Anh phụ thuộc rất nhiều vào mức độ sẵn sàng, hào hứng và thích thú của trẻ. Các bậc phụ huynh cần chú ý đến tính cách của con bởi đây cũng là một yếu tố quan trọng giúp xác định được khi nào trẻ nên bắt đầu làm quen với ngôn ngữ thứ hai.
Cần chú trọng tới những kỹ năng khác
Ngôn ngữ là một phần quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ, tùy vào năng lực, nhận thức và sở thích của trẻ mà các bậc cha mẹ cần lưu ý để có thể tạo môi trường phù hợp nhất trong việc học tập không chỉ riêng với ngôn ngữ mà còn của nhiều kỹ năng xung quanh. Theo các chuyên gia giáo dục, với những trẻ nhút nhát, khả năng tập trung kém thì cha mẹ nên giúp con cải thiện về kỹ năng ứng xử, có thể để trẻ tham gia một chương trình tiếng Anh mà hoạt động chủ đạo là vui chơi, múa hát và có sự tương tác với người bản ngữ từ đó tạo hứng thú, giúp trẻ tự tin hơn, hứng thú với việc học tiếng Anh. Khả năng giao tiếp, tương tác với mọi người, rèn luyện tư duy “mở” giúp trẻ tự tin, sáng tạo hơn là rất cần thiết bởi những kỹ năng này giúp hình thành nền tảng cho việc học, không chỉ đối với tiếng Anh mà còn hỗ trợ khả năng học của trẻ rất nhiều sau này.
Tạo ra môi trường thân thiện, cởi mở, vui vẻ là cách giúp trẻ tiếp nhận ngôn ngữ một cách tích cực và hiệu quả
Chị Nguyễn Thị Loan (Phường Trần Nguyên Hãn, TP Bắc Giang) ngay khi con gái bước vào cấp 1 đã chú tâm cho cháu tiếp xúc và làm quen với tiếng Anh, kết quả bước đầu rất khả quan khi con rất yêu thích, hứng thú với ngôn ngữ thứ 2 này. Chị Loan chia sẻ: “Mình tuy không giỏi nhưng cũng rất cố gắng để tạo môi trường cho con tiếp xúc với tiếng Anh thông qua các bài hát, trò chơi trên điện thoại kèm chức năng dậy tiếng Anh luôn, hè vừa rồi cũng cho cháu tham gia một khóa học ngoại khóa với giáo viên nước ngoài, có thể kiến thức không được nhiều nhưng thấy con vui vẻ, tự tin và yêu thích tiếng Anh nên tôi rất phấn khởi...”.
Điều quan trọng của việc học tiếng Anh cùng với phát triển những kỹ năng học tập, tương tác xã hội là thông qua các hoạt động thực tế. Học ngoại ngữ là một quá trình lâu dài, và lời khuyên mà các chuyên gia giáo dục đưa ra với các phụ huynh là hãy làm cho việc tiếp xúc, làm quen với ngôn ngữ mới theo cách vui vẻ, tạo cho trẻ những tình huống phù hợp, gắn với các trò chơi, đồng thời cần có hỗ trợ thêm từ các giáo trình thích hợp theo từng lứa tuổi, như vậy trẻ sẽ dễ dàng tiếp thu và hào hứng với ngôn ngữ thứ 2./.
Minh Anh