BGTV- Câu chuyện sản lượng và giá cả chưa bao giờ cũ với bất kỳ mặt hàng nông sản nào. Với quả vải thiều, loại cây thế mạnh chủ lực của tỉnh Bắc Giang - đây thật sự là cơ hội và là thách thức với không chỉ người trồng, mà còn với nền kinh tế nói chung, đòi hỏi sự đầu tư, thay đổi mạnh mẽ trong cả tư duy của người trồng và kết hợp của các ngành chức năng nhằm đưa vải thiều vươn xa và có vị thế vững chắc trên thị trường.
Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực mà tỉnh Bắc Giang và huyện Lục Ngạn đã thực hiện nhằm nâng cao chất lượng và tiêu thụ vải thiều tại diễn đàn kinh tế về sản xuất, tiêu thụ vải thiều và các nông sản chủ lực tỉnh Bắc Giang 2018
Tại thủ phủ vải thiều “Lục Ngạn” năm nay, từ đầu vụ đến nay giá vải thiều luôn ở mức từ 12 – 30.000 đồng/kg (thời điểm cao nhất có thể đạt đến 40 – 45.000 đồng), mức giá này đã mang lại khoản thu nhập khá với người dân nơi đây. Có được kết quả này, bên cạnh đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước thì chủ trương giảm diện tích để nâng cao chất lượng vải thiều bằng các quy trình sản xuất VietGAP, Global GAP đã được tỉnh và huyện chú trọng thực hiện, thay vì mở rộng diện tích trồng vải như những năm trước thì nay Lục Ngạn tập trung áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng quả vải. Đến nay huyện Lục Ngạn còn gần 16.000 ha thay bằng hơn 20.000 ha những năm trước.
Cùng với việc giảm diện tích, thì chất lượng quả vải cũng ngày càng được nâng lên. Hiện toàn huyện Lục Ngạn có gần 11,5 nghìn ha diện tích sản xuất theo quy trình VietGAP, hơn 2 nghìn ha được Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cấp 18 mã vùng trồng cho 394 hộ tại các xã Hồng Giang, Giáp Sơn, Tân Sơn, Tân Quang, Tân Mộc và Kiên Lao. Ngoài ra, còn 20 ha sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP tại xã Giáp Sơn. Tại các vùng sản xuất này, hầu hết người dân đã nhận thức rõ quy trình sản xuất vải thiều đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, điều này cho thấy bước chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy nhận thức của người trồng theo hướng chuyên nghiệp và ngày càng hiện đại, đáp ứng nhu cầu của các thị trường khó tính trên thế giới.
Đạt tiêu chuẩn cung ứng cho một doanh nghiệp xuất khẩu vải thiều sang Nga, gia đình ông Dương Văn Sinh, thôn Kép 3, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn là một trong số rất nhiều hộ dân nhận được hiệu quả tích cực từ việc thay đổi sản xuất theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Ông Sinh chia sẻ: “Năm nay không phải là lần đầu vải của gia đình được thu mua để xuất khẩu ra nước ngoài, nhất là ở các thị trường khó tính yêu cầu rất khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm... việc đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đối với người trồng vải hiện nay theo tôi là xu thế tất yếu nếu muốn khẳng định chất lượng và xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp cho vải thiều Lục Ngạn”.
Sản xuất theo tiêu chuẩn hiện đại giúp nâng cao giá trị, vị thế vải thiều Lục Ngạn trên thị trường trong và ngoài nước
Thương hiệu vải thiều Bắc Giang ngày càng được khẳng định trên thị trường trong và ngoài nước. Kết quả này là do từ rất sớm tỉnh đã xác định được đây là loại cây trồng chủ lực và là sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh. Vải thiều của tỉnh Bắc Giang vẫn đang tiếp tục vươn tới những thị trường xuất khẩu tại các nước phát triển, nơi mà có những đòi hỏi khắt khe về hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với hàng nông sản nhập khẩu. Ngoài Trung Quốc, trong vụ vải thiều năm nay, vải thiều tươi của tỉnh Bắc Giang vẫn tiếp tục duy trì được một số thị trường xuất khẩu là Úc, Mỹ, Thái Lan. Bên cạnh đó, quả vải thiều tươi của địa phương cũng đã tiếp cận được với nhiều thị trường mới nhiều tiềm năng để thúc đẩy xuất khẩu vải thiều như Nga, Hà Lan, Nhật Bản, Singapo.
Diện tích trồng vải thiều năm 2018 duy trì trên 28.000ha, sản lượng ước đạt từ 150-180 nghìn tấn. Riêng với vải thiều được trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP có diện tích 13.500ha, sản lượng ước đạt 90 nghìn tấn; theo tiêu chuẩn GlobalGAP đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang tất cả các thị trường khó tính trên thế giới có diện tích 218,5ha, sản lượng đạt trên 10 nghìn tấn. Vải thiều năm 2018 của Bắc Giang được đánh giá có chất lượng cao nhất trong những năm vừa qua. Để có kết quả này, trong năm qua, Sở Công Thương Bắc Giang đã phối hợp với các cục, vụ, viện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương phát triển các mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ vải thiều, trong đó tập trung vào hỗ trợ, hướng dẫn, tư vấn bà con nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, chăm sóc vải thiều; mở rộng các vùng trồng vải thiều theo tiêu chuẩn an toàn, hướng tới 100% diện tích được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.
Vải thiều luôn là cây "chủ lực" trong nông sản của huyện Lục Ngạn
Ông Trần Quang Tấn - Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang cho biết năm 2018, dự kiến sản lượng vải thiều tiêu thụ trong nước khoảng 80.000-90.000 tấn, chiếm 50% tổng sản lượng; xuất khẩu (XK) đạt 50%. Chủ trương của tỉnh luôn coi trọng tất cả các thị trường, bên cạnh đó với những thị trường tiềm năng, có giá trị kinh tế cao, tỉnh đẩy mạnh kế hoạch xúc tiến tiêu thụ vải thiều để các ngành, địa phương chủ động từ khâu sản xuất, xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ.
Với chất lượng và thương hiệu vải thiều Bắc Giang ngày càng được khẳng định trên thị trường trong nước và thế giới, giá trị từ quả vải mang lại ngày càng cao, đây được xem là cơ hội, đồng thời cũng là thách thức đòi hỏi thêm nhiều nỗ lực hơn nữa để vải thiều đã, đang và sẽ luôn là loại cây chủ lực đối với nền kinh tế của Lục Ngạn riêng và tỉnh Bắc Giang nói chung./.
Minh Anh