BGTV- Nhu cầu khám chữa bệnh của người dân hiện rất lớn, trong khi những bệnh viện tuyến tỉnh, huyện luôn trong tình trạng đông đúc, quá tải thì hiện nay nhiều trạm y tế (TYT) xã trên địa bàn tỉnh lại rất ít người bệnh đến khám và điều trị, đặc biệt tại khu vực vùng sâu vùng xa. Do đó, khu vực nông thôn rất cần được đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ y, bác sĩ để nâng cao chất lượng y tế cơ sở và giảm tải cho các cơ sở y tế tuyến trên.
Tại nhiều TYT xã trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện nay, ngoài các ngày tiêm chủng thì hoạt động khám chữa bệnh khá thưa vắng, trung bình chỉ khoảng 4 – 5 bệnh nhân đến khám/ngày. Một trong những nguyên nhân khiến người bệnh chưa mặn mà đến TYT xã khám, chữa bệnh là vì người dân thật sự chưa tin trình độ y, bác sĩ tại đây. Ngoài ra trang thiết bị còn thiếu, chưa đáp ứng hết nhu cầu, cùng với đó là có quy định thông tuyến khám, chữa bệnh nên hầu hết người dân khi có bệnh thường đến thẳng bệnh viện huyện, thành phố.
Các bác sỹ có trình độ và chuyên môn tại các tuyến y tế cơ sở là rất cần thiết để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh
Tại một số tuyến y tế cơ sở khu vực miền núi, những vùng khó khăn tại các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam... hoạt động khám, chữa bệnh tại TYT cũng còn hạn chế. Chị Trần Thị Phượng (xã Thanh Hải, Lục Ngạn) đến Bệnh viện Đa khoa Bắc Giang chia sẻ: “Tôi có dấu hiệu của đau, viêm loét dạ dày, cũng có đến TYT xã để khám trước rồi nhưng ở đó thiếu thiết bị máy móc, thuốc thang cũng không đủ nên thôi mình xuống tỉnh khám chữa luôn cho an tâm, đi lại cũng tiện nên hầu như người nhà tôi có bệnh thường đến bệnh viện huyện hoặc tỉnh luôn chứ ít khi khám chữa bệnh ở xã”.
Người dân đến khám bệnh tại trạm y tế xã Lãng Sơn, Yên Dũng
Thực tế hiện nay, năng lực cung cấp dịch vụ y tế tại các tuyến cơ sở so với tuyến tỉnh có sự khác biệt rõ rệt mà nguyên nhân cơ bản là sự thiếu hụt nguồn nhân lực, đặc biệt là bác sĩ có trình độ chuyên môn giỏi. Để từng bước nâng cao hiệu quả y tế tại cơ sở, thời gian qua Sở Y tế đã đề ra các biện pháp cấp bách nhằm giải quyết tình trạng trên như thực hiện kế hoạch đào tạo ngắn hạn, dài hạn, tạo điều kiện để cán bộ, nhân viên được học tập, bồi dưỡng theo đúng chuyên khoa, chuyên ngành. Cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư, duy tu bảo dưỡng và vận dụng có hiệu quả trong công tác điều trị như: Máy sắc thuốc, tủ sấy, máy X-quang, máy xét nghiệm sinh hóa, máy siêu âm, nồi hấp đảm bảo phương tiện phục vụ công tác khám chữa bệnh và cấp cứu bệnh nhân... Bên cạnh đó nhiều trạm y tế xã tại các địa phương thường xuyên tổ chức học tập quy chế bệnh viện, đặc biệt chú trọng quy chế hội chẩn, giáo dục và nâng cao y đức, thực hiện quy tắc ứng xử của Bộ Y tế, tinh thần thái độ phục vụ người bệnh nhiệt tình. Thực hiện đúng quy định khám chữa bệnh cho người có thẻ bảo hiểm y tế, người nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi. Nhờ vậy chất lượng khám chữa bệnh ngày càng cải thiện và nâng lên rõ rệt.
Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cần đi đôi cùng cải tiến trang thiết bị hiện đại để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân
Theo Sở Y tế tỉnh Bắc Giang, thời gian tới để tuyến y tế cơ sở hoạt động hiệu quả, tạo niềm tin và hướng tới sự hài lòng của người bệnh, thì quan trọng hàng đầu là các giải pháp cải tiến, nâng chất lượng khám chữa bệnh cho người dân bởi đây là nơi chăm sóc nhanh chóng và thuận tiện, đặc biệt là với khu vực vùng sâu vùng xa. Ngoài ra, việc đưa các dịch vụ y tế chất lượng cao, hiện đại về y tế cơ sở cũng là một trong những giải pháp hữu hiệu để giảm tình trạng quá tải ở y tế tuyến trên, người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế chuyên sâu mà không phải mất nhiều thời gian cũng như chi phí điều trị. Chăm sóc, khám chữa ban đầu tại tuyến y tế cơ sở tốt sẽ góp phần tăng cường tính hiệu quả của các dịch vụ y tế thông qua tăng tính tiếp cận dịch vụ, quản lý các vấn đề sức khoẻ sớm hơn, giảm khám chuyên, chuyển tuyến với trường hợp không cần thiết, tránh các can thiệp trùng lặp, chồng chèo.
Minh Anh