Ông Nguyễn Xuân Tuấn – Giám đốc HTX GTVT Toàn cầu đã đưa ra nhận định như vậy tại toạ đàm “Quản lý taxi công nghệ và kinh nghiệm quốc tế" do báo Giao thông tổ chức sáng nay 22/3.
Ông Nguyễn Xuân Tuấn – Giám đốc HTX GTVT Toàn cầu cho rằng nhiều thông điệp của Grab không hẳn như họ nói.
Mặc dù là Giám đốc một HTX có tới 2.000 thành viên đang hợp tác cùng Grab Việt Nam song ông Nguyễn Xuân Tuấn – Giám đốc HTX GTVT Toàn cầu cho biết có những điểm ông không đồng tình với quan điểm của Grab Việt Nam.
Cụ thể, ông Tuấn phản bác lại quan điểm của ông Jerry Lim, Giám đốc Grab tại Việt Nam khi phát biểu rằng: “Lợi thế của nền kinh tế chia sẻ và nền kinh tế kỹ thuật số sẽ biến mất nếu bị buộc phải áp dụng mô hình kinh doanh như taxi truyền thống”.
“Lãnh đạo Grab còn khẳng định, việc định danh Grab là công ty taxi không chỉ phủ nhận những nỗ lực của Chính phủ, nỗ lực của Grab trong việc thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số ở Việt Nam mà còn là một bước lùi của Việt Nam trong quá trình kiến tạo, xây dựng một quốc gia khởi nghiệp trong kỷ nguyên 4.0. Tôi hoàn toàn không đồng tình với quan điểm đó”, ông Tuấn nói.
Vị này cho biết, ông không phủ nhận từ khi Grab, Uber vào Việt Nam, với cách làm mới áp dụng lợi thế của công nghệ 4.0, đã tiếp cận khách hàng nhanh chóng, chỉ trong thời gian ngắn đã thu hút được một cộng đồng đông đảo khách hàng sử dụng. Bên cạnh đó, Uber và Grab đã thúc đẩy các hãng taxi truyền thống buộc phải thay đổi.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu thực tế, ông Tuấn cho rằng nhiều thông điệp của Grab không hẳn như họ nói. Cụ thể như thông điệp “thu nhập của lái xe Grab lên 35 triệu đồng/tháng” đã thu hút được một khối lượng lớn người lao động tuy nhiên thực tế lại không phải vậy.
Cũng theo vị này, thông điệp Uber, Grab là tạo loại hình vận tải giá rẻ cũng chưa chắc. "Nếu tính trung bình cước Uber, Grab không hề rẻ hơn taxi truyền thống. Vào các giờ thấp điểm hoặc thời điểm khuyến mãi giá cước Uber, Grab có thể thấp hơn. Còn vào những khung giờ cao điểm hay thời tiết bất lợi, giá cước này “nhảy múa” liên hồi, thậm chí cao gấp hai, gấp ba bình thường", ông Tuấn nói.
Trong khi đó, ông Võ Thành Nhân, Chủ tịch hiệp hội taxi Đà Nẵng cho rằng cần phải định danh đối với Uber, Grab… “Chúng ta không quản lý được là lo chưa định danh được họ là vận tải hay công nghệ. Giữa hai loại hình này khác nhau như thế nào? Thực ra không khác, chỉ là kết nối, một bên kết nối tổng đài, một bên kết nối mạng. Khi quy định họ là kinh doanh vận tải thì áp quy định như kinh doanh taxi truyền thống”, ông Nhân nêu quan điểm.
Theo ông Nhân, các doanh nghiệp taxi bức xúc và liên tục kiến nghị là vì môi trường kinh doanh, chứ không yêu cầu bảo hộ doanh nghiệp trong nước. “Cần định danh họ và quản lý họ như taxi truyền thống để không còn khập khiễng trong quản lý vận tải”, Chủ tịch Hiệp hội taxi Đà Nẵng tiếp tục nhấn mạnh.
Trong khi đó, dưới góc nhìn một chuyên gia, GS.TS Từ Sỹ Sùa (Đại học Giao thông Vận tải) cho rằng bất kỳ cái gì cũng có giải pháp, cấm là không nên. Với lợi thế ứng dụng công nghệ 4.0 và tận dụng lợi thế của kinh tế chia sẻ, xe chạy hợp đồng công nghệ có nhiều ưu điểm nổi trội hơn taxi truyền thống. Vì thế, nhiều người dân đã chuyển hẳn từ taxi truyền thống sang đi Uber, Grab…
Tuy nhiên theo vị này, taxi truyền thống hiện đươc quản lý quá chặt, taxi công nghệ không nhất thiết phải chặt như vậy nhưng cũng phải quản lý, phải có logo nhận diện thương hiệu, đồng hồ tính tiền. “Cần một giải pháp hài hoà nhất, chứ không thể để như hiện nay. Các doanh nghiệp cần lấy khách hàng làm trung tâm, phát triển hài hoà các lợi ích; hoạt động minh bạch công khai”, ông Từ Sỹ Sùa nhấn mạnh.
Theo Nguyễn Khánh/Dân trí