BGTV- Dịp Tết Mậu Tuất vừa qua, một lượng lớn gia súc, gia cầm (GSGC) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã được tiêu thụ. Việc tái đàn sau tết có ý nghĩa quan trọng trong việc ổn định lại hoạt động chăn nuôi và chủ động về nguồn cung thực phẩm trên địa bàn. Hiện nay người chăn nuôi toàn tỉnh đang tập trung chăm sóc con giống, phát triển đàn mới nhằm nhanh chóng ổn định tổng đàn GSGC.
Tại Bắc Giang, bình quân mỗi ngày trên địa bàn toàn tỉnh tiêu thụ hơn 400 tấn thịt lợn hơi, giá phổ biến hiện nay từ 33.000 – 35.000 đồng/kg. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết năm qua là một năm nhiều biến động đối với ngành chăn nuôi, đặc biệt là tình hình chăn nuôi lợn. Do đó ngay từ trước Tết Nguyên đán, mặc dù giá lợn hơi có nhích hơn song ngành chức năng đã khuyến cáo bà con không nên tăng đàn tránh khủng hoảng thừa, chú trọng vào nâng cao chất lượng, phòng ngừa dịch bệnh trên đàn vật nuôi.
Chị Trần Thị Thu, hộ chăn nuôi lợn tại xã Quảng Minh, huyện Việt Yên cho biết: “Mặc dù trước Tết số lợn xuất bán khá lớn nhưng chỉ mong sao giá cả ổn định để người chăn nuôi chúng tôi có thể yên tâm tái đàn, các cán bộ thú y và phòng nông nghiệp thường xuyên quan tâm đến tình hình chăn nuôi của bà con dịp sau tết, tuy nhiên không chỉ gia đình tôi mà cả nhiều hộ chăn nuôi trong xã cũng thận trọng hơn khi tái đàn, không để ồ ạt như trước”.
Không chỉ với lợn, gia cầm cũng đang được các hộ chăn nuôi tập trung tái đàn. Tại Yên Thế, địa phương tổng đàn gia cầm lớn nhất toàn tỉnh, trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, huyện cung cấp ra thị trường khoảng 2,2 – 2,5 triệu con gà chất lượng cao, chủ yếu là gà từ 4 - 5 tháng tuổi, trong đó tỷ lệ gà ri lai chiếm 40 - 45%. Từ nhiều năm nay, người chăn nuôi chọn hướng nuôi gối đàn để có thể xuất bán quanh năm, nhất là thời điểm đầu năm có thể tiếp tục phục vụ nhu cầu trong mùa lễ hội, cưới hỏi của người dân.
Tái đàn sau Tết để ổn định lại hoạt động chăn nuôi và chủ động về nguồn cung thực phẩm trên địa bàn
Gia đình ông Vương Văn Hồng ở bản Đồng Chinh, xã Tam Tiến cho biết dịp tết mọi năm gia đình đã bán hết đàn gà trên 3.000 con chỉ sau khoảng 1 tuần, thu lãi hơn 100 triệu đồng. Bằng kinh nghiệm của mình ông Hồng chia sẻ: “Nhưng năm qua giá gà tương đối ổn định, người nuôi có lãi nên việc tăng đàn là thường xuyên song vẫn đảm bảo để kiểm soát tốt dịch bệnh vì thời tiết sau Tết Nguyên đán thường thay đổi, gà thường rất nhạy cảm với dịch bệnh nên cần chủ động tiêm vacxin. Khi phát hiện một con bị rù, cần tách đàn, kiểm tra chuồng nuôi và xem nguyên nhân bị bệnh gì để cho đàn gà uống đúng thuốc, liều lượng, không chủ quan ngay cả khi chăn nuôi nhỏ lẻ”.
Hiện nay tình hình chăn nuôi, giá cả GSGC sau tết tương đối ổn định. Trên địa bàn toàn tỉnh không xảy ra dịch bệnh nguy hiểm với gia súc gia cầm. Bên cạnh đó giá cả hầu hết các loại gia súc gia cầm đều không có nhiều biến động, đây là điều kiện tốt để hộ chăn nuôi mua con giống phục vụ tái đàn. Tuy nhiên với điều kiện thời tiết như hiện nay cũng là môi trường dễ phát sinh dịch bệnh, nhất là một số dịch bệnh nguy hiểm như: Cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc… Để đảm bảo tái đàn tốt, công tác vệ sinh môi trường chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh, tích cực chuyển hướng trong chăn nuôi an toàn sinh học, cân đối đàn vật nuôi cho phù hợp với điều kiện chăn nuôi và tình hình tiêu thụ... cần được người chăn nuôi và các địa phương chú trọng.
Công tác vệ sinh chuồng trại cần được đặc biệt chú trọng
Đối với chuồng trại chăn nuôi sau khi xuất bán cần được vệ sinh, khử trùng sạch sẽ, khi nuôi lứa mới cần vệ sinh thường xuyên, khử trùng định kỳ và tiêm phòng bệnh cho gia súc gia cầm theo đúng độ tuổi, đúng liều lượng để phòng dịch bệnh hiệu quả. Những loại GSGC giống nhập từ ngoại tỉnh cần phải kiểm tra, kiểm soát kỹ nguồn gốc xuất xứ, xác nhận giống đã được cơ quan thú y kiểm dịch, kiểm tra đầy đủ, không nhập con giống không rõ nguồn, hay con giống ở vùng có dịch để tránh thiệt hại và ảnh hưởng tới an toàn dịch bệnh trên địa bàn.
Ngành chuyên môn khuyến cáo các hộ chăn nuôi nên phát triển đàn vật nuôi theo định hướng, không phát triển tự phát, ồ ạt theo trào lưu để hạn chế việc cung vượt cầu; khuyến khích đầu tư vào chăn nuôi công nghiệp, áp dụng công nghệ cao về con giống, thiết bị chăn nuôi tiên tiến, triển khai mô hình phát triển theo chuỗi liên kết chăn nuôi - giết mổ - tiêu thụ sản phẩm, đồng thời cân đối đàn cho phù hợp với khả năng, tình hình chăn nuôi và tiêu thụ trên thị trường.
Minh Anh