BGTV- Hướng đến mục tiêu trở thành nòng cốt của kinh tế tập thể, trở thành điểm tựa phát triển cho hàng nghìn xã viên, Hợp tác xã (HTX) kiểu mới trên địa bàn tỉnh Bắc Giang những năm qua dần khẳng định vai trò, vị thế của mình. Đặc biệt đối với lĩnh vực nông nghiệp, mô hình này đã và đang đáp ứng yêu cầu khắt khe của nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
HTX Nông nghiệp Tân Dĩnh (Lạng Giang) với 3.200 hộ xã viên, là một trong những “đầu tàu” về mô hình HTX kiểu mới với 11 mô hình dịch vụ bao gồm: cung cấp nước tưới tiêu cho toàn xã, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, dịch vụ bảo vệ thực vật, cung ứng vật tư, bao tiêu sản phẩm, thu gom và xử lý rác thải, tín dụng nội bộ, quản lý thương mại chợ, mô hình trồng nấm, trồng hoa và cánh đồng mẫu trồng lúa chất lượng. Nguồn vốn của HTX hiện đạt trên 4,1 tỷ đồng, với đóng góp của xã viên là trên 300 triệu. Tín dụng nội bộ là điểm nhấn trong hoạt động của HTX, với thủ tục vay nhanh gọn dễ dàng, việc trả gốc và lãi linh hoạt đây là địa chỉ tin cậy để các xã viên cần vốn hỗ trợ sản xuất, nhiều người có thêm cơ hội mở rộng sản xuất, phát triển chăn nuôi.
HTX nông nghiệp Tân Dĩnh giúp nhiều xã viên có nguồn vốn để phát triển chăn nuôi, đẩy mạnh kinh tế gia đình
Ông Trần Văn Sỹ, chủ nhiệm HTX nông nghiệp Tân Dĩnh cho biết để xây dựng lòng tin, tạo dựng uy tín với các xã viên, yếu tố quan trọng là trong quá trình hoạt động HTX tập trung thực hiện tốt các dịch vụ, mở mang ngành nghề đáp ứng yêu cầu xã viên, không ngừng nâng cao năng lực trình độ cán bộ quản lý điều hành, thường xuyên hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật với trên 800 hộ xã viên mỗi năm. Cũng từ đây nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu, góp phần tích cực trong công cuộc phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp hướng tới sản xuất quy mô lớn với các sản phẩm chủ lực, sử dụng các giống chất lượng và năng suất cao, quy trình canh tác hiện đại gắn với chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm thì chủ thể quan trọng nhất của quá trình chính là các HTX, đòi hỏi các HTX cần có một sự chuyển đổi mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động. Xây dựng liên kết ổn định, bền vững được xem là chìa khóa củng cố vai trò và vị trí của HTX trong nền kinh tế hiện nay.
HTX nông nghiệp sản xuất và kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân (xã Hồng Giang, Lục Ngạn) với ngành nghề chính của HTX Hồng Xuân là sản xuất, chế biến, tiêu thụ vải thiều, kinh doanh thuốc thú y, gia cầm giống. Việc tham gia mô hình HTX mang lại nhiều lợi ích, hỗ trợ thiết thực tới các hộ xã viên, đơn cử như trong việc trồng và tiêu thụ vải thiều. Khi HTX được chọn xây dựng mô hình thí điểm sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP với chất lượng và sản lượng nâng cao, giá bán sản phẩm luôn giữ ở mức ổn định, cao hơn giá thị trường từ 2.000 – 3.000 đồng, bên cạnh đó với hợp đồng cung cấp cho các đơn vị đã ký kết, đầu ra cho quả vải của các xã viên cũng đảm bảo hơn, không phải chịu cảnh “sáng nắng chiều mưa”, với những diện tích vải thiều kém hiệu quả, HTX nhanh nhạy chuyển đổi sang trồng cam Canh với chất lượng vượt trội. Ngoài hỗ trợ xã viên trong ứng dụng KHKT trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, HTX còn đẩy mạnh kinh doanh giống gia cầm, cung cấp ra thị trường trên 400 nghìn con giống mỗi năm. Bằng sự linh hoạt, nhạy bén với thị trường, thu nhập bình quân mỗi hộ xã viên trong HTX khoảng 200 triệu đồng/năm.
Đa dạng hình thức kinh tế với những mô hình hiệu quả là cách làm của HTX Hồng Xuân
Ông Phạm Văn Dũng - Giám đốc HTX cho biết không chỉ riêng vụ vải thiều mà với các sản phẩm nổi bật như cam, bưởi… HTX thường xuyên hợp tác đầu tư, tìm đầu ra cho cây quả của các hộ xã viên, nếu chỉ làm kinh tế kiểu manh mún nhỏ lẻ sẽ khó có thể phát triển. Vai trò của liên kết là đặc biệt quan trọng nhằm phát huy lợi thế, tận dụng cơ hội, tiếp cận với cách thức sản xuất mới, an toàn và bền vững.
Hiệu quả hoạt động của mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới đang từng bước được khẳng định tuy nhiên tại vẫn còn nhiều hạn chế tại một số địa phương như nhận thức của người dân cũng như cán bộ quản lý chưa thật sự hiểu hết về vị trí và vai trò hoạt động của kinh tế hợp tác, ý thức chấp hành quy tắc trong sản xuất và tiêu thụ của một số xã viên chưa cao, dẫn tới phá vỡ liên kết kinh doanh, mặt khác những khó khăn về khuôn khổ pháp lý, nguồn vốn, nhân lực quản lý HTX… cũng cho thấy nhiều bất cập cần khắc phục trong thời gian tới.
HTX nông nghiệp kiểu mới là đòn bẩy cho việc phát triển một nền nông nghiệp bền vững
Theo Liên minh HTX tỉnh, Bắc Giang hiện có 193 HTX chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Trước yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường và chặng đường đưa kinh tế tập thể trở thành mũi nhọn rất cần tới sự vào cuộc của ban ngành các cấp, chính quyền địa phương, trong đó giải pháp quan trọng là tập trung chuyển đổi 100% HTX, tăng cường bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ quản lý HTX, xây dựng và nhân rộng các đơn vị điển hình, tạo động lực để kinh tế tập thể phát triển mạnh mẽ hơn, tạo bứt phá cho nền kinh tế của tình nhà trong tương lai.
Minh Anh