Nếu người dân ùn ùn đi mua, lướt sóng kiếm lời sẽ khiến lượng tiền chết đứng trong vàng mà không đi vào sản xuất để tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế.
Bằng nhiều giải pháp, mấy năm nay Việt Nam đã gần như thoát được tình trạng vàng hóa nền kinh tế, hiểu nôm na là nhà nhà đầu tư vàng, trữ vàng... Từ đó, giúp thị trường vàng trong nước không có những cú sốc mạnh như trước đây và giúp nền kinh tế có nguồn vốn lớn để sản xuất, kinh doanh.
Nhưng trong tình hình giá vàng tăng nhanh, tăng mạnh và biến động liên tục như thời gian gần đây, nếu không có giải pháp phù hợp, kịp thời thì tình trạng vàng hóa nền kinh tế có nguy cơ quay trở lại.
Giảm được đầu cơ vàng
Chỉ trong vòng nửa đầu tháng 8 vừa qua, thị trường đã chứng kiến giá vàng không chỉ vượt đỉnh của năm 2011 là 1.920 USD/ounce mà còn vươn đến mốc cao nhất mọi thời đại khi chạm mức 2.070 USD/ounce. Với việc giá vàng thế giới tăng mạnh, giá vàng trong nước đã có lúc leo lên đến gần 63 triệu đồng/lượng, mức cao chưa từng thấy.
TS Phạm Nguyễn Anh Huy, ĐH RMIT Việt Nam, đánh giá thị trường vàng đã tăng trưởng rất ấn tượng trong vòng 30 ngày qua do những bất ổn của dịch Covid-19 gây ra. Dịch bệnh đã làm tê liệt các nền kinh tế, hạ giá dầu và suy yếu đồng USD. Đồng thời, chính phủ các nước đã và đang đưa ra các gói cứu trợ kinh tế khổng lồ và điều đó dẫn đến việc giảm tỉ suất sinh lợi của trái phiếu chính phủ.
“Tất cả nhân tố này đã hỗ trợ giá vàng đạt đỉnh trong mọi thời đại vào khoảng đầu tháng này và tất nhiên thị trường vàng Việt Nam không đứng ngoài đợt tăng giá này. Trong đợt tăng giá vừa rồi, thị trường vàng trong nước biến động khá sát sao với thị trường thế giới. Điều này cũng tương đối hợp lý khi nền kinh tế của chúng ta đang hội nhập với thế giới nhiều hơn bao giờ hết” - TS Huy nhận xét.
Điều đáng chú ý là dù giá vàng tăng đột biến nhưng thị trường vàng đã không có những cú sốc mạnh như giai đoạn 2008-2011, thời điểm Nhà nước chưa nắm độc quyền sản xuất vàng miếng. Lúc đó, mỗi lần giá vàng biến động mạnh là thị trường chao đảo. Người dân ùn ùn đi mua, lướt sóng kiếm lời khiến lượng tiền chết đứng trong vàng mà không đi vào sản xuất để tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế.
Trước những bất ổn từ thị trường vàng buộc Nhà nước đi đến các biện pháp mạnh nhằm bình ổn và ngăn chặn quá trình vàng hóa trong nền kinh tế. Điển hình là đầu năm 2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định 24/2012 về quản lý kinh doanh vàng, trong đó có sự thay đổi quan trọng nhất là Nhà nước độc quyền nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.
Trả lời báo chí, TS Nguyễn Minh Phong đánh giá dù giá vàng trong nước và thế giới nhiều biến động nhưng thị trường vàng trong nước không xuất hiện tình trạng đầu cơ, tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế được kiểm soát tốt. Điều này cho thấy Nghị định 24 đã chứng minh tính hiệu quả trên thực tế khi trạng thái trật tự thị trường được duy trì, chống được sự đầu cơ vàng.
Khác với trước đây, khi giá vàng tăng thì mọi người thường đổ xô đi mua vàng, hiện nay giao dịch thị trường không có đột biến. Ảnh: Thuỳ Linh
Cần hành động nhanh
Các diễn biến của thị trường cho thấy giá vàng trong nước chủ yếu đi theo xu hướng thế giới. Nhưng có những thời điểm giá vàng trong nước có độ giãn cách xa với giá thế giới 2-4 triệu đồng/lượng, thậm chí gần 5 triệu đồng/lượng. Chuyên gia vàng Trần Thanh Hải lý giải yếu tố tâm lý, cộng với thiếu nguồn cung cũng như rơi vào thời điểm tích trữ vàng phục vụ các mùa lễ hội cuối năm đã khiến giá vàng trong nước chênh lệch cao so với giá vàng thế giới.
Ông Trần Thanh Hải cũng nhìn nhận đúng là nhiều vấn đề kinh tế vĩ mô lớn đã được giải quyết khi Nghị định 24/2012 đã chuyển đổi toàn bộ quan hệ huy động - cho vay bằng vàng sang quan hệ mua - bán vàng cũng như quyết định chấm dứt hoạt động huy động vàng của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, nhìn chung giá vàng rất khó dự đoán vì có nhiều yếu tố bất định như chịu ảnh hưởng từ những thay đổi địa chính trị trên thế giới.
“Trong điều kiện hiện nay, thị trường luôn vận hành theo nguyên tắc riêng mà đôi lúc khó song hành với những định hướng quản lý. Do đó, Nhà nước cần phải điều hành một cách nhanh hơn, có bước đi chuẩn bị bài bản và các giải pháp dài hơi hơn để bình ổn thị trường vàng một cách thiết thực” - ông Hải nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, một số chuyên gia kinh tế cho rằng Nhà nước đã cân nhắc rất kỹ trong điều hành thị trường vàng, đó là chấp nhận độ chênh giá vàng trong nước và quốc tế. Song nếu mức lợi cao từ vàng sẽ khiến giới đầu cơ gom ngoại tệ nhập lậu vàng và hệ quả là có thể tạo áp lực lên tỉ giá lẫn giá vàng trong nước.
Mặt khác, khi giá vàng nội địa tiếp tục tăng vượt xa mức giá thế giới sẽ làm giảm giá đồng nội tệ. Đặc biệt khi tỉ giá biến động mạnh sẽ gây sức ép lớn lên thị trường xuất nhập khẩu, gây áp lực lạm phát. Do vậy, cần có nhanh các giải pháp hạn chế tình trạng vàng hóa nhằm chuyển hóa nguồn lực vàng thành tiền phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Tâm lý đám đông rất nguy hiểm Theo TS Phạm Nguyễn Anh Huy, ĐH RMIT Việt Nam, tâm lý đám đông luôn là một vấn đề nghiêm trọng ở các nền kinh tế, đặc biệt là ở các nước đang phát triển như Việt Nam. Khi các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nhỏ lẻ thấy thị trường biến động mạnh, họ thường có xu hướng đi theo đám đông. Điều này cực kỳ nguy hiểm do họ chỉ đầu tư với tâm lý sợ bỏ lỡ trong khi không có một vốn hiểu biết nhất định về thị trường. Rất nhiều nhà đầu tư Việt Nam lướt sóng ở thị trường vàng với mong muốn làm giàu nhanh chóng và đây là một phương án cực kỳ nhiều rủi ro trong bất kỳ một thị trường nào. Lý do nằm ở khoảng chênh lệch giữa giá mua vào và giá bán ra ở thị trường vàng luôn luôn ở mức cao trong lúc thị trường có nhiều biến động. “Các nhà đầu tư có thể phải chịu một khoản lỗ lớn ngay khi vừa thực hiện quyết định đầu tư. Do đó, các nhà đầu tư cần xem xét kỹ lưỡng trước khi quyết định đầu tư vào thị trường này” - ông Huy nói. |
Đủ nguồn lực để ổn định thị trường Thực tế cho thấy cơn sốt giá vàng khiến nhiều người chuyển từ kênh khác như chứng khoán, bất động sản, trái phiếu… sang đầu tư vào vàng. Tâm lý bầy đàn có dấu hiệu tái xuất hiện. Thậm chí, bọ vàng - một thuật ngữ để chỉ những người lạc quan với vàng, coi vàng như một khoản đầu tư quan trọng và một tiêu chuẩn để đo lường sự giàu sang - có dấu hiệu tái xuất hiện nhiều. Theo các chuyên gia, bọ vàng không có lợi cho nền kinh tế, bởi nó có thể hút vốn khỏi các ngành mà tiền được sử dụng hiệu quả hơn. Trước diễn biến mới của thị trường vàng, trong thông cáo báo chí phát hành mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đánh giá mức tăng của giá vàng miếng SJC trong nước phù hợp với mức tăng của giá vàng quốc tế. Tuy nhiên, khác với trước đây, khi giá vàng tăng thì mọi người thường đổ xô đi mua vàng, hiện nay giao dịch thị trường không có đột biến, tình hình mua, bán vàng miếng trầm lắng; doanh số mua, bán vàng đã giảm khoảng 30% so với cùng thời điểm năm ngoái. Nhấn để phóng to ảnh Gần đây, dù giá vàng tăng nóng nhưng không tạo ra cú sốc cho thị trường như trước đây. Ảnh: Thuỳ Linh “Trong thời gian tới, giá vàng thế giới có thể còn biến động khó lường, chủ yếu phụ thuộc vào diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 trên toàn cầu, cũng như tình hình địa chính trị trên thế giới. NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá vàng trên thị trường, nếu có diễn biến bất thường sẽ có các giải pháp và đủ nguồn lực để bình ổn thị trường” - NHNN cho biết. Mới đây, thống đốc NHNN cũng yêu cầu các đơn vị liên quan theo sát biến động giá vàng thế giới và trong nước để kịp thời thông tin, khuyến cáo người dân ổn định tâm lý thị trường, không để ảnh hưởng đến ổn định vĩ mô. Công ty chứng khoán SSI cũng cho biết thị trường ngoại hối Việt Nam những năm gần đây ít chịu ảnh hưởng từ biến động của thị trường vàng. NHNN liên tục mua vào ngoại tệ cho thấy nguồn cung ngoại tệ đang khá dồi dào, dự báo tỉ giá sẽ tiếp tục ổn định trong thời gian tới. |
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/gia-vang-noi-song-lo-bo-vang-tai-xuat-tro-lai-20200820063633988.htm#dt_source=Cate_KinhDoanh&dt_campaign=Top3&dt_medium=1