4
/
95904
Cuộc chơi thanh toán: Miếng bánh sẽ cần phải phân chia lại?
cuoc-choi-thanh-toan-mieng-banh-se-can-phai-phan-chia-lai
news

Cuộc chơi thanh toán: Miếng bánh sẽ cần phải phân chia lại?

Thứ 7, 15/08/2020 | 14:03:20
345 lượt xem

Thanh toán không dùng tiền mặt là xu thế tất yếu và đặc biệt phù hợp với Việt Nam trong thời điểm hiện nay, khi chiến lược phát triển kinh tế số đang được triển khai mạnh mẽ.

Thanh toán không dùng tiền mặt là xu thế tất yếu và đặc biệt phù hợp với Việt Nam trong thời điểm hiện nay, khi chiến lược phát triển kinh tế số đang được triển khai mạnh mẽ. Bên cạnh đó, sự lây lan nhanh chóng và phức tạp của đại dịch COVID-19 càng góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi này.

Tuy vậy, vẫn còn trên 40% người dân chưa có tài khoản ngân hàng và chưa quen với các hình thức thanh toán hiện đại. Do đó, thí điểm triển khai dịch vụ tiền di động (Mobile Money) được kỳ vọng sẽ lấp đầy khoảng trống này. 

Điều đó đồng nghĩa với việc các nhà mạng sẽ góp mặt trong cuộc chơi thanh toán, miếng bánh thị phần có thể sẽ phải phân chia lại đi kèm với cạnh tranh.

Mảnh đất không dễ khai phá

Cơ bản hướng đến các khoản thanh toán dịch vụ, hàng hóa có giá trị nhỏ, như tiền điện, nước, truyền hình, hay tiền ăn sáng, cốc trà đá, mua mớ rau, hộp bánh và cả viện phí, học phí... mà không cần phải có tài khoản ngân hàng, rõ ràng mảnh đất cho Mobile Money là rất màu mỡ. Bởi đây đều là những khoản chi tiêu thiết yếu trong sinh hoạt hàng ngày của người đân. 

Điều này lại càng phù hợp với người dân miền núi, vùng sâu vùng xa, các vùng nông thôn, nơi phần đa trong số họ đều chưa có chưa có thẻ ngân hàng cũng như điều kiện sử dụng các dịch vụ thanh toán hiện đại.

Mặt khác, theo Phó giáo sư-tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên Học viện Tài chính, cơ sở hạ tầng viễn thông thời gian qua đã được cải thiện một cách rõ nét cùng với sự xuất hiện của nhiều sản phẩm điện thoại di động trong nước có giá thành phù hợp với người lao động giúp cho việc sở hữu chiếc điện thoại thông minh của người dân trở nên dễ dàng hơn.

Thêm nữa, báo chí và truyền thông cũng đã có nhiều biện pháp tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của mỗi cá nhân khi định danh số điện thoại và các hoạt động trên mạng internet một cách rõ ràng, minh bạch. "Đây là tiền đề thuận lợi giúp triển khai Mobile Money nhanh chóng và hiệu quả," Phó giáo sư-tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh đánh giá.

Thuận lợi nhưng cũng chính là khó khăn. Thị phần phục vụ nhắm đến 40% dân số nhưng chính việc chưa từng tiếp cận với dịch vụ ngân hàng hay các phương thức thanh toán hiện đại lại đang đặt ra thách thức lớn cho các nhà cung cấp dịch vụ.

"Mobile Money là hạt nhân quan trọng trong kế hoạch phổ cập tài chính số, thanh toán số cho người dân Việt Nam, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa. Nhưng thực tế, người Việt hiện nay vẫn quen với thói quen thanh toán bằng tiền mặt. Câu chuyện 'dạy' - tạo thói quen thanh toán không tiền mặt cho người dân là câu chuyện đường dài, cần nhiều nguồn lực để triển khai," ông Trương Quang Việt, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel chia sẻ.

Do đó bài toán dành cho các nhà mạng lúc này là làm sao phải có một ứng dụng (app) Mobile Money thật thân thiện, đơn giản, dễ dùng, tiện lợi để thu hút người dùng và dần thay đổi thói quen tiêu tiền mặt của người dân. Khi đó, mảnh đất màu mỡ mới có thể được khai phá.

Không chỉ có vậy, bà Lê Thị Thùy Vân, Viện Chiến lược chính sách tài chính (Bộ Tài chính) còn cho rằng, để triển khai các dịch vụ tài chính thì vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn bảo mật đang là mối bận tâm lớn nhất của cả người dùng và các cơ quan quản lý.

"Chưa kể còn cần tính cách quản lý ra sao đối với các đại lý bán thẻ điện thoại bởi nếu như với ví điện tử, dòng tiền và hạn mức chi tiêu có thể kiểm soát thông qua các giao dịch chuyển khoản ngân hàng, thì với Mobile Money, dòng tiền này sẽ khó kiểm soát hơn," bà Lê Thị Thùy Vân nhấn mạnh.

Trao đổi về điều này, ông Trương Quang Việt cho biết, Viettel đã chuẩn bị mọi nguồn lực để sẵn sàng triển khai Mobile Money ngay khi được cấp phép: "Chúng tôi không chỉ chuẩn bị để cung cấp công cụ, giải pháp thanh toán số mà còn có sẵn hệ sinh thái số được đảm bảo bởi các chứng nhận tiêu chuẩn công nghệ quốc tế như PCI DSS (chứng nhận bởi PCI Security Standards Council), thuật toán mã hóa thông tin 3DES... để phục vụ khách hàng tiêu dùng, thanh toán an toàn. Hơn nữa, công nghệ tự nhận diện ra các giao dịch, thuê bao bất thường cũng được áp dụng để kịp thời ngăn chặn, bảo vệ quyền lợi cho người sử dụng," Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel cho hay.

Ông Việt chia sẻ: "Bên cạnh đó, chúng tôi được hỗ trợ riêng bởi công ty an ninh mạng hàng đầu Việt Nam với đội ngũ kỹ sư công nghệ thông tin, chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm - Công ty An ninh mạng Viettel (trực thuộc Tập đoàn Viettel). Do đó vấn đề đảm bảo an toàn dịch vụ, an toàn thông tin người dùng chắc chắn luôn được đảm bảo cao nhất. Việc truyền thông yêu cầu khách hàng khai báo thông tin chính xác, đăng ký tài khoản chính chủ, sử dụng đúng mục đích, đúng quy định cũng được Viettel đẩy mạnh để đảm bảo quyền lợi cho chính người dùng."

Cạnh tranh lành mạnh

Sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong những năm gần đây đã tạo ra sự thay đổi khá lớn trong ngành tài chính Việt Nam với sự xuất hiện của các Công ty tài chính công nghệ (Fintech) và sự nhập cuộc nhanh nhạy của các ngân hàng trong việc chuyển đổi số mang lại cho người dùng những trải nghiệm mới trong thanh toán.

Ông Phan Viết Hải, Giám đốc Công nghệ thông tin, Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) cho biết: "Cách đây vài năm khi Fintech mới ra đời, ngân hàng coi Fintech là một trong những đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, gần đây ngân hàng đã nhận diện họ là đối tác để cùng cung cấp dịch vụ thuận tiện hơn cho khách hàng."

Cuoc choi thanh toan: Mieng banh se can phai phan chia lai? hinh anh 2

Sở dĩ từ đối thủ trở thành đối tác là bởi sự khác biệt trong phân khúc khách hàng. Với ngân hàng, khi chủ động kết nối với các Fintech thông qua các ví điện tử (ZaloPay, AirPay, Momo, Moca...), khách hàng đã có tài khoản ngân hàng có thể sử dụng các dịch vụ mà Fintech có thế mạnh như thanh toán tại các cửa hàng tiện lợi (7eleven, CircleK...), giúp khách hàng hạn chế việc rút tiền mặt để chi tiêu.

Còn với Fintech, họ có khả năng mở rộng đối tượng khách hàng trước giờ chưa phải là khách của ngân hàng (thường gọi là khách hàng unbank). Những khách hàng đó nếu cần chuyển tiền cho người có tài khoản ngân hàng, trước kia chỉ có cách là đem tiền mặt đến ngân hàng để chuyển.

Nhưng nay thông qua kết nối giữa ngân hàng và Fintech, họ có thể chuyển trực tiếp từ ví điện tử đến tài khoản ngân hàng. Điều này đem lại lợi ích cho khách hàng, cho cả ngân hàng - Fintech và giảm sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế.

Như vậy, hai thành phần kinh tế có khả năng cung cấp dịch vụ thanh toán cho người tiêu dùng hiện nay là ngân hàng và Fintech (thông qua ví điện tử) đã có cái "bắt tay," thì sự xuất hiện của thành phần thứ 3 là các doanh nghiệp viễn thông với Mobile Money, một hình thức thanh toán khá thú vị, "chắc chắn sẽ làm thay đổi tính cạnh tranh trong thị trường," ông Hải nhận định.

Rõ ràng, sự cạnh tranh là không thể tránh khỏi nhưng những hình thức thanh toán hiện đại kể trên mới chỉ phổ biến ở các thành phố lớn và nhóm đối tượng trẻ tuổi, những người "sành" công nghệ và sở hữu điện thoại thông minh.

Trong khi đó, khách hàng Mobile Money nhắm đến lại là những người ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa, thậm chí chỉ có chiếc điện thoại "cục gạch."

"Việc không cần mở tài khoản ngân hàng mà vẫn có thể thanh toán qua số điện thoại sẽ giúp hoạt động tài chính cá nhân trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn, góp phần giảm thiểu chi phí phát hành, lưu giữ tiền mặt và cung cấp cho người dùng những dịch vụ, trải nghiệm tốt nhất. Do đó, đây là sự cạnh tranh lành mạnh, bổ trợ lẫn nhau cho phép người dân có thêm nhiều lựa chọn," Phó giáo sư-tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên Học viện Tài chính đánh giá.

Dù vậy, ông Phan Viết Hải cũng chỉ ra rằng, thách thức lớn nhất đối với Mobile Money và các ví điện tử hiện nay là vấn đề định danh khách hàng và an toàn trong thanh toán.

"Ngân hàng là ngành hết sức đặc biệt, chúng tôi phải tuân thủ luật pháp và các quy tắc của Ngân hàng Nhà nước liên quan đến định danh khách hàng để đảm bảo chống rửa tiền, đảm bảo an toàn cho tài sản của khách hàng và bảo mật trong giao dịch. Do đó, với đối tác mới tham gia vào thị trường thanh toán, theo tôi cần phải có những hành lang tính phù hợp để quản lý và bảo đảm quyền lợi của người dùng," ông Hải đề xuất.

Thanh toán không dùng tiền mặt qua tài khoản ngân hàng và ví điện tử đã tăng đột biến trong thời gian qua. Nhưng có lẽ sẽ không dừng lại tại đó, nhất là khi Việt Nam mở cửa hội nhập với thế giới thông qua các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA).

Tuy các hiệp định này không có quy định cụ thể về hoạt động của các ví điện tử, tiền điện tử hay Mobile Money nhưng nó sẽ tác động gián tiếp đến các nhà cung cấp dịch vụ tài chính tại Việt Nam bởi thông qua các hiệp định, thị trường tài chính sẽ được mở cửa cho các đối tác nước ngoài. Khi đó, sự cạnh tranh chắc chắn sẽ lớn hơn nữa nhưng theo giới chuyên gia, đó sẽ là sự cạnh tranh lành mạnh, mang lại nhiều lựa chọn và lợi ích cho người sử dụng./.

Theo Lê Phương (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/cuoc-choi-thanh-toan-mieng-banh-se-can-phai-phan-chia-lai/657676.vnp

  • Từ khóa

Đề xuất đánh thuế mua bán nhà, đất theo thời gian sở hữu

Nhằm tránh tình trạng đầu cơ, 'bong bóng' bất động sản, có thể nghiên cứu để thực hiện thu thuế đối với thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản...
11:21 - 26/11/2024
67 lượt xem

Ngưỡng tính thuế hộ kinh doanh bao nhiêu là phù hợp?

Việc điều chỉnh mức doanh thu chịu thuế đối với hộ kinh doanh là một biện pháp để giảm bớt gánh nặng, chia sẻ khó khăn cho các đối tượng này
09:45 - 26/11/2024
111 lượt xem

Thủ tướng giao Bộ Công an xác thực danh tính tổ chức, cá nhân bán hàng online

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan thúc đẩy triển khai cung cấp dịch vụ xác thực điện tử cho các sàn thương mại điện tử.
08:41 - 26/11/2024
140 lượt xem

Hiến kế đường sắt cao tốc Bắc - Nam: Chỉ chở khách hay chở cả hàng?

Không chỉ là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội tranh luận tại nghị trường, việc tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam chỉ chuyên chở hành khách hay khai...
07:53 - 26/11/2024
153 lượt xem

Làng nghề, điểm may gia công bị xóa sổ

Nhiều điểm sản xuất nhỏ, cơ sở may gia công, làng nghề đang gặp khó hoặc buộc rời bỏ cuộc chơi trước sức ép hàng ngoại nhập giá rẻ, nhất là hàng Trung...
17:00 - 25/11/2024
498 lượt xem