Để tận dụng được dư địa của thị trường EU, cần liên kết người sản xuất với địa phương để lựa chọn các giống lúa người châu Âu ưa dùng và đặc biệt là quy trình sản xuất đảm bảo về an toàn thực phẩm.
Bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Sài Gòn. (Ảnh: TTXVN)
Theo cam kết trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), EU sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo với mức thuế 0% đối với gạo xay xát và gạo thơm.
Để được hưởng ưu đãi này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang gấp rút hoàn thiện dự thảo Nghị định Quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang Liên minh châu Âu và sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Với hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm được hưởng miễn thuế; trong đó, có 50.000 tấn gạo lức và gạo trắng, 30.000 tấn gạo thơm.
Riêng với 30.000 tấn gạo thơm, EU yêu cầu cơ quan thẩm quyền Việt Nam phải chứng nhận đúng với 9 giống hai bên đồng ý thỏa thuận.
Như vậy, Nghị định Quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang Liên minh châu Âu sẽ quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm thuộc Danh mục quy định được hưởng miễn thuế nhập khẩu theo hạn ngạch khi xuất khẩu sang EU.
[Hiệp định EVFTA: Hiện thực hóa các lợi ích được kỳ vọng]
Nếu doanh nghiệp không thực hiện việc xác nhận này thì việc xuất khẩu gạo thơm sang EU vẫn bình thường nhưng phải chịu thuế, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết.
Theo ông Nguyễn Như Cường, việc cấp giấy chứng nhận này là để đảm bảo đúng giống trong danh mục được xuất khẩu sang EU.
Điều kiện được chứng nhận là giống đúng loại, chất lượng giống đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, sản xuất tại Việt Nam; độ thuần đồng ruộng của giống phải đạt thấp nhất 95%.
Tuy cấp giấy chứng nhận nhưng vẫn đảm bảo được sự thông thoáng, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo vào EU về thủ tục hành chính.
Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cũng như đơn vị quản lý, những đơn vị khảo nghiệm giống cây trồng được công nhận sẽ thực hiện việc chứng nhận đúng giống này.
Việc kiểm tra đúng giống sẽ được thực hiện khoảng 20 ngày trước khi lúa được thu hoạch, bởi đây là thời điểm sẽ xác định được toàn bộ đặc tính chuẩn nhất của giống. Như vậy, đơn vị khảo nghiệm sẽ xác định được đặc tính của giống đó.
Cục Trồng trọt sẽ là cơ quan có thẩm quyền chứng nhận, chứng nhận lại, hủy bỏ Giấy chứng nhận chủng loại gạo thơm.
Đơn vị đề nghị chứng nhận chủng loại gạo thơm sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực đối với thông tin khai báo và hồ sơ đã nộp; về tính đúng giống theo quy định trong quá trình thu hoạch, phơi, sấy, sơ chế, bảo quản, xay, xát, chế biến, đóng gói.
Cục Trồng trọt cho biết, 9 loại gạo thơm xuất khẩu sang EU được hưởng miễn thuế nhập khẩu theo hạn ngạch là: Hoa nhài 85, ST 20, Nàng Hoa 9, VD 20, RVT, OM 4900, OM 5451 và Tài nguyên Chợ Đào.
Nông dân các xã vùng trũng huyện Hải Lăng thu hoạch lúa hè thu. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mỗi năm EU tiêu thụ khoảng 2,5 triệu tấn gạo.
Năm 2018, xuất khẩu gạo Việt Nam sang EU đạt 5,6 triệu USD, tăng 41,3% so với 2017; năm 2019 đạt 10,7 triệu USD, tăng 92,1% so với năm 2018. Trong 6 tháng năm 2020 đạt 7 triệu USD, tăng 61,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Sản lượng gạo Việt Nam xuất khẩu sang EU bình quân là khoảng từ 22.000-24.000 tấn/năm. Giá xuất khẩu gạo sang EU trung bình 700 USD/tấn.
"So với hạn ngạch EU cấp khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, dư địa cho chúng ta còn rất lớn, nhất là khi thuế chỉ còn 0%,” ông Lê Thanh Hòa, Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho hay.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cũng cho biết, bộ đã họp với các doanh nghiệp và địa phương trọng điểm về xuất khẩu gạo về vấn đề thị trường EU yêu cầu về mặt hàng này.
Việt Nam có bộ giống phong phú nhưng để tận dụng được dư địa của thị trường này, từ đây chúng ta phải liên kết người sản xuất với địa phương để lựa chọn các giống lúa người châu Âu ưa dùng và đặc biệt là quy trình sản xuất đảm bảo về an toàn thực phẩm.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, với hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm EU dành cho, nước ta không phân bổ hạn ngạch mà sẽ do phía EU phân bổ cho các doanh nghiệp nhập khẩu bên EU.
Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần chủ động liên hệ phía EU để giao dịch, chào bán cho họ.
Đến 15/7/2020, cả nước có khoảng 24 doanh nghiệp xuất khẩu gạo vào EU trong tổng số 192 doanh nghiệp được phép kinh doanh xuất khẩu gạo./.
Theo Bích Hồng (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/som-tan-dung-uu-dai-han-ngach-thue-quan-khi-xuat-khau-gao-sang-eu/657340.vnp