Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đang triển khai loạt giải pháp nhằm tìm đầu ra ổn định cho nông sản thực phẩm, đưa hàng hóa an toàn đến với người tiêu dùng.
Hệ thống siêu thị và các chợ hiện đại dần thay thế "chợ cóc", đảm bảo an toàn thực phẩm. Ảnh: Vũ Long
Hệ thống chợ, siêu thị hiện đại thay thế "chợ cóc"
Theo bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), đến thời điểm này, cả nước có trên 5.000 siêu thị, cửa hàng tiện lợi phân phối thực phẩm an toàn để phục vụ người tiêu dùng, đảm bảo mục tiêu hiện đại hóa hạ tầng thương mại, được Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao, do đảm bảo nguồn gốc xuất xứ và hỗ trợ công tác truy xuất nguồn gốc.
Bên cạnh đó, hệ thống hơn 8.500 chợ truyền thống cũng được Chính phủ, Bộ Công Thương và UBND các tỉnh, thành phố quan tâm triển khai nhiều biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm.
Đến nay, đề án xây dựng chợ an toàn thực phẩm đã được Bộ Công Thương triển khai tại 62/63 tỉnh, thành phố, đã có 66 chợ được xây dựng mô hình thí điểm. “Đặc biệt, từ năm 2018, sau khi ban hành Nghị định 15/2018/NĐ-CP, trách nhiệm đảm bảo an toàn thực phẩm tại các chợ truyền thống đã được giao cho UBND các tỉnh, thành phố.
Các địa phương đã dành nhiều nguồn lực cho hạng mục này, kêu gọi xã hội hóa công tác xây dựng hạ tầng chợ truyền thống. Đến nay, hơn 125 chợ truyền thống được xây dựng trên cả nước, tạo điều kiện phân phối và phát luồng nông sản an toàn đến người tiêu dùng” – bà Lê Việt Nga cho biết.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, hệ thống chợ, siêu thị hiện đại đã giúp người dân yên tâm mua sắm hàng hóa chất lượng, có nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm, tránh mắc phải tình trạng ngộ độc thực phẩm làm giảm thể lực và sức đề kháng của người tiêu dùng.
Không phát hiện chất cấm, chất tạo nạc trong thịt động vật
Theo Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Bộ NNPTNT), thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tổ chức lấy mẫu giám sát đối với các sản phẩm chủ lực, tiêu dùng nhiều, nguy cơ cao, kịp thời phát hiện, cảnh báo, truy xuất, xử lý 7 trong số 1.054 mẫu thủy sản nuôi và thủy sản chế biến vi phạm chỉ tiêu an toàn thực phẩm (chiếm 0,67%), giảm so với cùng kỳ năm 2019 (1,42%);
Từ đầu năm đến nay không phát hiện chất cấm trong thịt gia súc, gia cầm. Ảnh: Vũ Long
Có 87 trong số 812 mẫu thịt gia súc, gia cầm tại cơ sở giết mổ và kinh doanh nhiễm vi sinh vật (chiếm 10,71%), giảm so với cùng kỳ năm 2019 (29,61%); 3 trong số 1.074 mẫu thịt lợn, thịt và trứng gia cầm tại cơ sở giết mổ và kinh doanh nhiễm hóa chất, kháng sinh (chiếm 0,27%), giảm so với sáu tháng đầu năm 2019 (0,7%);
Đặc biệt, qua kiểm tra, thanh tra, cơ quan chức năng không phát hiện chất cấm Salbutamol, Clenbuterol (chất tạo nạc, làm cho lợn nở nang, tăng trọng nhanh, nhất là tăng lượng nạc); trong gần 1000 mẫu thịt lợn không phát hiện thuốc an thần Acepromazine mẫu thịt được kiểm tra…
Tuy nhiên, theo Bộ NNPTNT, ở một số tỉnh, thành phố việc giám sát, kiểm tra chưa kịp thời bởi tình trạng nhỏ lẻ, tạm thời. Ở góc độ quản lý, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết: Hiện trên địa bàn Hà Nội có 738 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; trong đó có 7 cơ sở giết mổ công nghiệp, 24 cơ sở tập trung, còn lại phần lớn là thủ công và nhỏ lẻ trong khu dân cư, chưa bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, gây khó khăn trong công tác quản lý.
Theo Vũ Long/Lao động
https://laodong.vn/kinh-te/phong-chong-covid-19-khong-lo-la-cong-tac-an-toan-ve-sinh-thuc-pham-827273.ldo