Nguồn tin từ Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số cho biết, cơ quan này đã nhận được thông báo về việc sáp nhập của Tiki và Sendo.
Nói với VnExpress, một đại diện của Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số (Bộ Công Thương) đánh giá, việc hai sàn thương mại điện tử sáp nhập có thể tận dụng lợi thế của nhau để cùng phát triển, cân bằng thị phần với các sàn thương mại điện tử khác có thị phần lớn hơn.
"Bài toán kinh doanh của họ ra sao sau sáp nhập thì cần tiếp tục quan sát thêm, nhưng việc sáp nhập này sẽ khiến cuộc đua trên thị trường thương mại điện tử sôi động hơn", vị này nhận định.
Tuy nhiên, đến hôm nay (5/6), sau khi nguồn tin của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số xác nhận việc hai sàn đã gửi thông báo về việc sáp nhập thì lãnh đạo của Tiki và Sendo vẫn không tiết lộ thông tin gì. "Như thông thường, chúng tôi không bình luận về các tin đồn và suy đoán", ông Trần Ngọc Thái Sơn, Nhà sáng lập kiêm CEO Tiki trả lời VnExpress. Tương tự, CEO Sendo Trần Hải Linh cũng không đưa ra phản hồi.
Từ đầu tháng 2/2020, DealStreetAsia - trang tin chuyên về các thương vụ mua bán và sáp nhập ở châu Á - dẫn một nguồn tin cho biết Tiki và Sendo đã có các cuộc đàm phán về việc sáp nhập. Thời điểm đó, hai sàn này đều tư chối đưa ra bình luận.
Chưa đầy 3 tháng sau, vào gần cuối tháng 5/2020, DealStreetAsia công bố rằng các cổ đông lớn như JD.com của Tiki và SoftBank Ventures Asia của Sendo đã thống nhất về việc cho hai sàn sáp nhập. Trang tin cho hay nhân sự hai bên đang làm việc với cơ quan chức năng về các thủ tục.
Một góc lối vào văn phòng của Tiki. Ảnh: Tiki
Tiki và Sendo đang nằm trong top 4 sàn thương mại điện tử có lượng truy cập lớn nhất Việt Nam cùng với Shopee và Lazada. Trong quý I/2020, lượng truy cập vào website Tiki đứng thứ 2, sau Shopee. Trong khi đó, Sendo xếp vị trí thứ 4, theo dữ liệu của iPrice.
Tiki do ông Trần Ngọc Thái Sơn sáng lập với ban đầu là trang bán sách trực tuyến, và dần mở rộng ra nhiều ngành hàng khác nhau. Các cổ đồng chính của Tiki hiện gồm JD.com và VNG. Trong khi đó Sendo ban đầu là công ty con của tập đoàn FPT. Đến nay, FPT vẫn là cổ đông lớn nhất bên cạnh các cổ đông lớn nước ngoài như SBI, Beenext, Econtext Asia, Daiwa.
Một góc văn phòng làm việc của Sendo. Ảnh: Sendo
Thương mại điện tử cho đến nay vẫn là cuộc đua đốt tiền và nhiều đơn vị đã rời cuộc chơi. Việc Tiki và Sendo sáp nhập có thể tạo ra một thế lực lớn để tiếp tục cạnh tranh với hai sàn ngoại là Shopee, được hậu thuẫn bởi Tencent; và Lazada, là công ty con của Alibaba.
Nguồn tin của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng cho rằng, vốn là yếu tố quan trọng trong lĩnh vực này. "Trường vốn cộng với am hiểu thị trường, kế hoạch đầu tư bài bản, dài hạn và tận dụng lợi thế riêng phát triển sẽ giúp các sàn trụ trên thị trường lâu hơn", vị này chia sẻ.
Theo Báo cáo kinh tế Internet tại Đông Nam Á 2019 của Google và Temasek, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2019 đạt 4,6 tỷ USD. Đến năm 2025, dự báo quy mô thị trường này có thể đạt 23 tỷ USD.
Theo VnExpress
https://vnexpress.net/tiki-va-sendo-da-thong-bao-sap-nhap-len-co-quan-quan-ly-4111165.html