4
/
91951
Tiếp sức doanh nghiệp: Gói hỗ trợ kép chưa như kỳ vọng
tiep-suc-doanh-nghiep-goi-ho-tro-kep-chua-nhu-ky-vong
news

Tiếp sức doanh nghiệp: Gói hỗ trợ kép chưa như kỳ vọng

Thứ 7, 23/05/2020 | 16:50:41
475 lượt xem

Theo nhận định của nhóm nghiên cứu Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng, các gói hỗ trợ hiện nay mới có tác động giới hạn đối với doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng kiệt quệ tài chính.

Khách hàng giao dịch tại Hội sở SHB, số 77 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. (Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN)

Khách hàng giao dịch tại Hội sở SHB, số 77 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. (Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN)

Kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh, dòng tiền khó khăn, các doanh nghiệp trông chờ vào các gói hỗ trợ của Chính phủ, từ chính sách tài khóa đến tài chính để khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, việc tiếp cận hỗ trợ, nhất là chính sách tài chính từ ngân hàng vẫn luôn là vấn đề khó của doanh nghiệp, nhất là khi số lượng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đang chiếm số lượng lớn ở Việt Nam.

Nhiều gói hỗ trợ

Trước những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành địa phương triển khai thực hiện nhiều giải pháp ứng phó kịp thời, thậm chí có nhiều nội dung chưa có tiền lệ.

Về chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 cho phép các ngân hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19. Chỉ thị 02/CT-NHNN ngày 31/3/2020 đã đưa ra các giải pháp cấp bách để khắc phục khó khăn do tác động của COVID-19.

[Khơi thông dòng vốn tiếp sức doanh nghiệp: Khó khăn về dòng tiền]

Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt thông qua việc giảm lãi suất điều hành liên tiếp 2 lần chỉ trong vòng 3 tháng kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Các ngân hàng thương mại tham gia hỗ trợ vay mới với gói tín dụng ban đầu là 285.000 tỷ đồng. Đến cuối tháng 4, gói tín dụng này được nâng quy mô lên trên 600.000 tỷ đồng. 

Về chính sách tài khóa, các gói giảm thuế và tiền thuê đất với 180.000 tỷ đồng; chi 62.000 tỷ đồng tiền mặt cho an sinh xã hội... đã được ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Tính tổng thể quy mô gói kích thích tài khóa của Việt Nam tương đương 4,3% GDP, xấp xỉ với các nền kinh tế mới nổi khác cũng như so với các quốc gia đang phát triển trong khu vực.

Theo ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đồng Tâm, điểm tích cực của chính sách hỗ trợ trong thời gian qua là việc Chính phủ ban hành Nghị định 41/NĐ-CP về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Thay vì mỗi tháng, doanh nghiệp phải nộp thuế từ 100-200 triệu đồng tiền thuế thì được giãn thời gian cho 5 tháng sau mới nộp. Đây là chính sách hỗ trợ rất kịp thời, giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực về tài chính trong thời điểm khó khăn hiện nay.

Bên cạnh đó, việc có một số ngân hàng chấp nhận hy sinh lợi nhuận để giảm mạnh lãi suất đối với các khoản doanh nghiệp đang vay cũng là sự hỗ trợ rất thiết thực đối với doanh nghiệp hiện nay.

Theo các chuyên gia, hiện nhiều doanh nghiệp, nhất là thuộc các lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch COVID-19 đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, phần lớn phải thu hẹp sản xuất, vì hàng hóa tiêu thụ chậm. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn phải chi trả phí duy trì hoạt động bộ máy cùng nhiều loại thuế phí khác, khiến dòng tiền gặp nhiều vấn đề.

Do vậy, việc gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất hay cơ cấu lại nợ, giảm lãi đang vay… được xem là những biện pháp hỗ trợ kịp thời, tiếp sức cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn này.

Chưa tăng được dòng tiền cho doanh nghiệp

Theo nhận định của nhóm nghiên cứu Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, các gói hỗ trợ hiện nay của Việt Nam mới có tác động giới hạn đối với doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng kiệt quệ tài chính. Bởi lẽ, các chính sách chỉ làm giảm hoặc ngăn dòng tiền ra của doanh nghiệp, chưa có chính sách hỗ trợ làm tăng dòng tiền vào của doanh nghiệp.

Tiep suc doanh nghiep: Goi ho tro kep chua nhu ky vong hinh anh 1Sản xuất sản phẩm may mặc tại Công ty cổ phần may và dịch vụ Hưng Long (huyện Mỹ Hào, Hưng Yên). (Ảnh minh họa: TTXVN)

Sẽ có những doanh nghiệp phải ngưng hoạt động và có thể phải giải thể hoặc phá sản trước khi cải thiện được dòng tiền. Trong bối cảnh hiện nay, chính sách tạo dòng tiền vào cho doanh nghiệp quan trọng hơn và sẽ mang lại hiệu quả hơn. Vì vậy, phải bơm tiền thực cho doanh nghiệp mới tạo “nhiên liệu” kích hoạt “cỗ máy” kinh doanh tái khởi động. 

Mặt khác, cũng giống như các hạn chế từ chính sách này, đó là độ trễ, khả năng tiếp cận các gói hỗ trợ hay nguồn vốn vay. Để tiếp cận nguồn vốn, doanh nghiệp cần phải chứng minh thiệt hại do khủng hoảng, như làm báo cáo tài chính, đánh giá thiệt hại và chứng minh được tính thanh khoản. Do vậy, các đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ hầu như không thể tiếp cận được với gói hỗ trợ này.

Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh, mặc dù hiện nay, một số doanh nghiệp đã tiếp cận được với chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn khi doanh nghiệp tiếp cận các ưu đãi theo quy định.

Đơn cử như Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19, các điều kiện vay vốn ưu đãi theo nội dung này thậm chí còn chặt chẽ hơn, thủ tục thẩm định chứng minh thiệt hại còn phức tạp, rườm rà hơn. Trong khi đó, đối tượng áp dụng còn chưa rõ ràng khiến các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ chưa thể tiếp cận hết được chính sách ưu đãi. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ cũng được thực hiện khác nhau giữa các ngân hàng.

Tổng hợp ý kiến từ các doanh nghiệp hội viên, VASEP cũng cho biết, hiện một số doanh nghiệp đã được ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng do dịch COVID-19.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp thủy sản trước đó đã gặp khó khăn về vốn và chậm khả năng thanh toán các khoản vay với ngân hàng đã bị cho vào nhóm nợ 2 (nợ bị quá hạn thanh toán trước 30 ngày) thì không được áp dụng các chính sách này. Đồng thời, doanh nghiệp thuộc nhóm nợ 2 cũng không được áp dụng các chính sách vay mới theo gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng từ các ngân hàng.

Lý giải việc còn nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được vốn ngân hàng, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng, vướng mắc là do năng lực tài chính của doanh nghiệp quá yếu, không minh bạch tài chính, không có tài sản thế chấp, không kiểm soát được dòng tiền…

Việc hỗ trợ doanh nghiệp luôn đòi hỏi phải đi kèm với đảm bảo an toàn hoạt động tín dụng, tránh nợ xấu gia tăng. Tính đến đầu tháng 5/2020, tín dụng của toàn ngành ngân hàng tăng 1,2%, nhưng đối với khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ lại giảm 0,8%.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định, ngành ngân hàng cam kết cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế. Trong trường hợp cần thiết, Ngân hàng Nhà nước sẽ nới thêm hạn mức tín dụng, tạo khả năng cho vay cho các ngân hàng.

Tuy nhiên, ông Tú cũng lưu ý, các ngân hàng sẽ không hạ chuẩn cho vay, vì sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy cho nền kinh tế. Khi đó, việc vực dậy một ngân hàng còn khó hơn hồi phục doanh nghiệp rất nhiều lần./.

Theo Hứa Chung (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/tiep-suc-doanh-nghiep-goi-ho-tro-kep-chua-nhu-ky-vong/641787.vnp

  • Từ khóa

Lãi suất huy động bắt đầu 'nóng'

Tính từ đầu tháng 11 tới nay có hơn 10 ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi, trong đó có cả những ngân hàng trong nhóm Big4.
09:23 - 24/11/2024
203 lượt xem

Giá vàng hôm nay 23.11.2024: Vàng tăng lên 5 triệu đồng/lượng

Sau 2 tuần giảm, giá vàng tuần qua đã tăng mạnh, khoảng 5 triệu đồng mỗi lượng vàng miếng SJC và vàng nhẫn. Một số dự báo trong tuần tới, giá vàng sẽ tiếp...
08:32 - 24/11/2024
218 lượt xem

Vietjet khai trương đường bay Hà Nội-Kuala Lumpur

Ngày 23/11, tại Kuala Lumpur (Malaysia), Vietjet chính thức khai trương đường bay mới kết nối Hà Nội và Kuala Lumpur, góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại,...
16:57 - 23/11/2024
598 lượt xem

Giá USD tăng cao nhất trong năm

Tỷ giá đang chịu nhiều sức ép vào thời điểm cuối năm. Giá USD trong ngân hàng tăng cao ở mức kịch trần cho phép còn đồng bạc xanh trên thị trường quốc tế...
08:57 - 23/11/2024
776 lượt xem

Trung Quốc trỗi dậy về công nghệ, Hàn Quốc đứng ngồi không yên

Sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc đang gây áp lực lớn lên các ngành công nghiệp và công nghệ tiên tiến của Hàn Quốc.
20:04 - 22/11/2024
1,077 lượt xem