Dịch Covid-19 được nhiều chuyên gia nhận định là sẽ mang đến cơ hội cho doanh nghiệp biết tận dụng lợi thế của thương mại điện tử.
Hơn 3 tháng qua, những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến giao thương hàng hóa cũng như nhu cầu và thói quen mua sắm của của người tiêu dùng. Vì thế, Covid-19 được nhận định là sẽ mang đến cơ hội cho doanh nghiệp biết tận dụng lợi thế của thương mại điện tử (TMĐT).
Thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đến TMĐT và cho rằng, đây là hướng đi mới, giúp họ kinh doanh hiệu quả hơn.
Nhiều doanh nghiệp đã tận dụng lợi thế của TMĐT để đẩy mạnh doanh thu. (Ảnh: minh họa)
Ông Phan Văn Dũng - Phó Tổng Giám đốc công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (VISSAN) cho biết, năm 2020, công ty có kế hoạch xây dựng trang website TMĐT. Ngay từ tháng 2, doanh nghiệp này đã xúc tiến bán hàng qua số hotline của công ty. Sau Chỉ thị 16 của Chính phủ về cách ly xã hội và giãn cách xã hội thì người tiêu dùng đã hạn chế tới siêu thị nên buộc công ty phải tiến hành bán hàng trực tuyến để phục vụ người tiêu dùng.
Với 55 cửa hàng giới thiệu sản phẩm, công ty tạo thành 55 kho hàng ở khắp nội, ngoại thành, người tiêu dùng chỉ cần gọi hotline là có thể mua được hàng. Bên cạnh đó, công ty còn đưa hàng lên các sàn thương mại điện tử như Lazada, Tiki… trong thời điểm giãn cách xã hội.
Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP. HCM cho rằng, song song với việc kiểm soát dịch Covid-19 thì phải phát triển kinh tế. Với ngành chế biến lương thực, thực phẩm có 2 loại hình phân tách, một loại hưởng lợi, một loại chịu nhiều thiệt hại từ dịch Covid-19. Tâm lý chung của các doanh nghiệp là cần các hỗ trợ từ cơ quan nhà nước.
Hiện nay, các gói hỗ trợ của nhà nước đã có một phần được thực hiện đến doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng trong ngành chế biến lương thực, thực phẩm, nhiều doanh nghiệp chưa thể tiếp cận ngay với gói hỗ trợ của Ngân hàng nhà nước. Hội Lương thực – thực phẩm thành phố đã đề xuất đẩy nhanh các gói hỗ trợ tới tay doanh nghiệp. Cùng với đó, Chính phủ đã đưa ra các chính sách ban hành về hỗ trợ BHYT, BHXH, tuy nhiên kèm theo yêu cầu chỉ hỗ trợ doanh nghiệp bị sụt giảm 50%, điều này là rất khó, do đó, doanh nghiệp đã tự mình thay đổi, chuyển hướng tập trung vào thị trường nội địa, đồng thời linh động đổi mới, mở rộng thị trường.
“Việc cơ cấu lại thị trường xuất khẩu chưa thể làm được ngay. Do đó, doanh nghiệp phải hướng đến phát triển thị trường nội địa, mở kênh online để người tiêu dùng có thể gọi đặt hàng trực tuyến. Dịch Covid-19 cũng là thời cơ với các doanh nghiệp trước đây ít chú trọng tới bán hàng trực tuyến, nay phải thay đổi để thích nghi”, bà Lý Kim Chi cho hay.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương, việc phát triển TMĐT ở Việt Nam đã ghi nhận nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và doanh nghiệp TMĐT trong việc ứng phó với dịch bệnh thời gian qua.
Khảo sát nhanh với 4 sàn thương mại lớn cho thấy, việc tăng số lượng giao dịch với mặt hàng khẩu trang thiết bị y tế tăng 80-100%. Tuy nhiên, trong bối cảnh chung đại dịch nhiều lĩnh vực của nền kinh tế bị ảnh hưởng, lượng đơn hàng của nhiều doanh nghiệp TMĐT bị hủy lên tới 140%.
Nguyên nhân của tình trạng trên là xuất phát từ nguồn cung khi TMĐT xuất phát từ phương thức kinh doanh trên nền tảng số nhưng bản chất dựa trên nguồn cung thực tế; Thứ hai là liên quan đến việc hạn chế nhập khẩu bởi thương mại Việt Nam phụ thuộc vào các thị trường nhập khẩu lớn đặc biệt là Trung Quốc; Thứ ba là năng lực ứng phó dịch bệnh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp lớn ít nhiều có sự chủ động, có thể thích ứng nhưng nhiều doanh nghiệp nhỏ hơn lại bị động trong ứng phó với dịch bệnh, đặc biệt trong quá trình chuyển đổi số để ứng dụng TMĐT, ứng phó với phương thức kinh doanh mới.
Cũng theo bà Huyền, doanh nghiệp ngày càng kinh doanh nhiều hơn trên các ứng dụng thương mại điện tử và đây là xu thế tất yếu.
“Tuy nhiên, tôi cũng mong muốn các khách hàng hãy là người tiêu dùng thông thái bằng việc sẽ mua hàng trên các sàn giao dịch điện tử thông qua các sàn thương mại đã đăng ký với Bộ Công Thương. Tra cứu trước khi mua hàng, tìm hiểu các quy định của các sàn để ghi lại lịch sử giao dịch, nếu có tranh chấp xảy ra, cơ quan liên quan có thể hỗ trợ kịp thời”, bà Nguyễn Thị Minh Huyền đưa ra lời khuyên./.
Theo VOV.VN
https://vov.vn/kinh-te/tan-dung-loi-the-cua-thuong-mai-dien-tu-doanh-nghiep-se-boi-thu-1043368.vov