Nhiều chủ hộ kinh doanh, cửa hàng và giới chuyên gia không đồng tình với đề xuất mở cửa hàng kinh doanh không thiết yếu sau 9 giờ sáng.
Lo ngại việc khó giữ khoảng cách giữa người với người khi di chuyển ngoài xã hội sẽ không đảm bảo các biện pháp kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là ở TP Hà Nội có mật độ phương tiện tham gia giao thông rất cao, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid -19 Hà Nội chiều 27/4, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố sẽ xây dựng khung giờ hoạt động cụ thể của các cửa hàng kinh doanh.
Theo đó, nhiều khả năng thành phố sẽ không khuyến khích các cửa hàng bán thời trang, mỹ phẩm, những cửa hàng không phải lương thực thực phẩm, không thiết yếu, không phải thuốc chữa bệnh mở cửa trước 9h00 sáng hàng ngày và không giới hạn thời gian đóng cửa những cửa hàng này.
Ông Chung cho rằng, qua nghiên cứu cho thấy các cửa hàng kinh doanh không thiết yếu mở cửa trong khung giờ từ 6h-8h15 hay 8h30 hàng ngày có doanh thu rất thấp. Trong khi chỉ cần mở cửa muộn hơn sẽ giảm được mật độ khoảng 600.000 – 800.000 người tham gia giao thông lúc cao điểm. Thành phố dự kiến thực hiện điều này đến cuối năm 2020, sau đó sẽ tổng kết và tiếp tục triển khai nếu thấy hiệu quả.
TP Hà Nội đang nghiên cứu khung giờ hoạt động cho các cửa hàng.
Bày tỏ quan điểm về đề xuất này của Chủ tịch UBND TP Hà Nội, nhiều hộ kinh doanh, chủ cửa hàng trên địa bàn thành phố cho rằng, thực tế nhu cầu mua bán trong khoảng thời gian đầu giờ sáng là không nhiều nhưng không phải đối với tất cả các mặt hàng. Nếu thành phố có một chủ trương như vậy sẽ làm khó cho nhiều cửa hàng, bởi kinh doanh buôn bán thường rất khó biết trước được lượng khách cũng như nhu cầu tăng cao, giảm thấp ở thời điểm cố định trong ngày.
Bà Hoàng Bích Vân, chủ cửa hàng gội đầu ở phố Giang Văn Minh, Ba Đình cho biết, xưa nay cửa hàng thường không mở cửa trước 10h00 sáng vì ít ai có nhu cầu làm đẹp trong giờ đó. Nhưng nếu thành phố cho mở cửa muộn và không giới hạn thời gian đóng cửa có lẽ rất phù hợp, có khi còn tạo thuận lợi cho cửa hàng tăng doanh thu vì được phục vụ muộn hơn.
“Nếu điều chỉnh giờ mở hàng theo khung giờ đó thì những món dịch vụ như cửa hàng của tôi không ảnh hưởng nhiều, có khi còn thuận lợi hơn bởi nó là đặc thù, ít hoạt động trong giờ cao điểm, nhưng với những cửa hàng kinh doanh các mặt hàng khác chắc chắn bị ảnh hưởng. Nhiều cửa hàng họ chỉ đông khách vào đầu giờ sáng hoặc chiều nên kiểu gì họ cũng phải tranh thủ mở cửa buôn bán sớm, nến khống chế thời gian như vậy sẽ rất khó khăn cho họ”, bà Mơ nói.
Phản ứng tiêu cực và không đồng tình với đề xuất của thành phố, ông Nguyễn Thế Hùng, kinh doanh vật liệu xây dựng và thiết bị điện nước tại phố An Dương, Yên Phụ, Tây Hồ cho biết, ông thường được khách gọi từ 7h00 sáng để lấy hàng lắp đặt, sửa chữa công trình, giờ nếu phải mở cửa muộn hơn sau 9h00 hàng ngày ngày thì cửa hàng của ông coi như thất thu, đóng cửa.
“Kinh doanh hàng hóa, dịch vụ bây giờ đều chi phối và ảnh hưởng lẫn nhau, người này cần người kia, mặt hàng này phục vụ mặt hàng khác, nếu cứ phải nhất thiết thay đổi giờ mở, đóng cửa hàng tự nhiên làm khó cho các hộ kinh doanh. Như cửa hàng của tôi, nếu bên xây dựng, lắp đặt không cần thiết về vật liệu và thiết bị để phục vụ công trình thì họ cũng không phải mua hàng sớm làm gì”, ông Hùng bày tỏ.
Giảm mật độ giờ cao điểm - cần cách làm khác
Không chỉ các hộ kinh doanh trên các tuyến phố có phản ứng về đề xuất này, nhiều tiểu thương, chủ cửa hàng tại các chợ đầu mối, trung tâm thương mại cũng cho rằng, thay đổi thời gian kinh doanh hàng ngày là không phù hợp, ảnh hưởng lớn đến cả người bán và người mua, gây nguy cơ mất mối hàng và làm giảm thu nhập.
Chị Lê Thị Hòa, chủ sạp quần áo tại chợ Đồng Xuân cho biết, nếu kinh doanh không thiết yếu phải mở cửa muộn nghĩa là hoạt động buôn bán của các tiểu thương trong chợ này sẽ bị đảo lộn. Bởi lẽ là chợ đầu mối, những mặt hàng ở đây chủ yếu bán buôn cho người các tỉnh thành khác về nhập, buổi sáng thường rất đông vì hoạt động nhập hàng vào và xuất hàng đi.
“Thành phố nên tính cách ly giảm người, giảm ùn tắc ở những tuyến phố có đông người qua lại như ở những đầu ra vào thành phố. Chợ này như một chợ đầu mối nếu bị khống chế thời gian như vậy rất khó cho việc làm ăn buôn bán của cả người bán cũng như khách mua, ảnh hưởng đến kinh doanh buôn bán của nhiều tỉnh, thành phố khác”, chị Hòa trầm ngâm.
Mật độ giao thông thành phố tăng trong khung giờ cao điểm bởi số lượng lớn người đi học, đi làm.
Nghiên cứu đề xuất của thành phố Hà Nội về thay đổi khung giờ hoạt động của các cửa hàng kinh doanh, dịch vụ, nhiều chuyên gia nhận định, cách làm này là thụ động bởi ở khung giờ cao điểm, việc gia tăng mật độ người và phương tiện thường xảy ra tại các tuyến giao thông chính, các nút giao thông đồng mức chứ không xảy ra ùn tắc tại các khu vực cửa hàng, cửa hiệu.
Một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông đô thị quả quyết, cần phải xác định rõ các thành phần tham gia giao thông trong khung giờ cao điểm. Thực tế cho thấy, khung giờ này người đi làm và đi học chiếm mật độ rất lớn, đến trên 80% người và phương tiện tham gia giao thông nên giữ khoảng cách phòng dịch là bất khả thi. Nếu chỉ là việc hạn chế mở cửa hàng thiết yếu trong khung giờ này lại là việc làm vô ích, nhất là khi mật độ dân cư của thành phố quá lớn, trong khi công sở, trường học và bệnh viện lại quá tập trung ở khu vực nội đô.
“Bài toán thay đổi giờ làm, giờ học đã được nhiều cá nhân, tổ chức đưa ra từ lâu nhưng thành phố không thực hiện được. Nay vì phải đảm bảo khoảng cách phòng dịch bệnh, nếu áp dụng việc thay đổi giờ làm, giờ học của các cơ quan công sở, trường học sẽ làm giảm mật độ người trong cùng một thời điểm, tạo được khoảng cách tốt nhất trong phòng dịch. Làm được như thế vừa giải quyết được đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân lại vừa tránh được ùn tắc giao thông”, chuyên gia này nói./.
Theo VOV.VN
https://vov.vn/kinh-te/kinh-doanh-khong-thiet-yeu-mo-cua-sau-9-gio-sang-khong-thiet-thuc-1042910.vov