BGTV - Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đang tạo ra những khó khăn, thách thức không nhỏ đối với sự phát triển kinh tế – xã hội. Trên địa bàn tỉnh, nhờ đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thời gian qua nên tình hình sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân cơ bản ổn định.
Niềm tin hàng Việt
Trong tình hình dịch hiện nay, dù 1 tuần đi chợ 2 lần do thực hiện dãn cách xã hội nhưng chị Vũ Thu Thảo (Phường Ngô Quyền, TP Bắc Giang) vẫn rất yên tâm vì hàng hóa tại các siêu thị, chợ dân sinh luôn đầy đủ, đa dạng. Chị Thảo chia sẻ: “Thật sự cảm thấy rất mừng vì cả nước và tỉnh mình rất quan tâm đến đời sống người dân, đặc biệt trong khi dịch bệnh như hiện nay, các mặt hàng thiết yếu đều đảm bảo, giá hợp lý, càng không bao giờ có tình trạng khan hàng, thổi giá nên tôi không cần phải lo lắng mua tích trữ”.
Người tiêu dùng hiện dành nhiều ưu tiên cho các sản phẩm trong nước.
Cùng chung suy nghĩ với chị Thảo, rất nhiều người tiêu dùng thời điểm này đều tin tưởng và lựa chọn các mặt hàng sản xuất nội địa. Bà Bùi Thị Cúc (63 tuổi, phường Trần Nguyên Hãn, TP Bắc Giang) chia sẻ: “Có thói quen dùng hàng Việt hơn 10 năm nay tôi nhận thấy các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm trong nước nhiều khi còn vượt trội hơn hàng trong nước bởi chất lượng và giá cả lại an toàn. Trong dịch bệnh hiện nay, các mặt hàng luôn dồi dào, đảm bảo nên người dân chúng tôi rất tin tưởng và ủng hộ hàng Việt”
Theo thống kê tại các siêu thị, chợ truyền thống, các mặt hàng trong nước hiện chiếm từ 80 – 90%, cho thấy sự thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức và lựa chọn của người dân khi tin tưởng các mặt hàng nội địa chất lượng cao, giá cả phù hợp thay vì hàng ngoại nhập đắt đỏ, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh hiện nay khi việc chi tiêu càng được người dân thắt chặt.
Đồng hành vượt qua khó khăn
Sau hơn 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tạo làn sóng trong cách mua sắm, lựa chọn hàng hóa của người dân rất nhiều, hàng việt có chỗ đứng nhất định trong lòng người dân. Thời điểm dịch Covid-19 còn nhiều phức tạp, các đơn vị sản xuất, doanh nghiệp hàng tiêu dùng trong nước và tỉnh Bắc Giang đã và đang chủ động nắm nhu cầu của khách hàng, thực hiện cam kết bán đúng giá, không lợi dụng dịch bệnh để tăng giá, đồng thời tiến hành nhiều chương trình ưu đãi, giảm giá… để cùng chia sẻ, đồng hành với người dân trong dịch bệnh. Đây là những nỗ lực rất đáng ghi nhận, góp phần đưa hàng Việt đến gần hơn nữa với người tiêu dùng, đặc biệt tại khu vực miền núi, các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Hàng Việt luôn sát cánh cùng các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với người dân trong thời điểm dịch Covid-19.
Từ đầu năm 2020 đến nay, cùng đồng hành với đơn vị sản xuất, kinh doanh, các sở ban ngành trên địa bàn tỉnh cũng tích cực tuyên truyền, vận động toàn dân hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. MTTQ, Sở Công Thương đã tích cực tuyên truyền về Cuộc vận động theo chuyên đề hoặc lồng ghép trong các chương trình, hoạt động phòng ngừa dịch bệnh Covid-19, khuyến khích, động viên để người dân không hoang mang trước dịch bệnh, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong tiêu thụ hàng trong nước, giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong thời dịch, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp khảo sát thị trường, xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thương hiệu; tăng cường công tác quản lý thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…
Trong tâm bão "Covid-19", hàng Việt cho thấy sự nhanh nhạy, thức thời, nỗ lực vì người tiêu dùng.
Trong bối cảnh mới, nền kinh tế Việt Nam nói chung và tại Bắc Giang nói riêng đang đứng trước cuộc cạnh tranh gay gắt. Tuy nhiên thách thức đồng thời là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước sát cánh, cùng với sự chung tay hỗ trợ từ phía các ban ngành và thay đổi tích cực từ phía người tiêu dùng, hàng Việt Nam sẽ thực sự được tin dùng và phát triển, thể hiện tinh thần yêu nước, tình đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân, biến khó khăn thành lợi thế, góp phần cùng cả nước trong công tác phòng chống dịch bệnh./.
Minh Anh