Anh Nguyễn Văn Của, ngụ thôn 1, xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang rất thành công với mô hình nuôi dúi tại nhà đã đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Anh Nguyễn Văn Của chăm sóc đàn dúi.
Theo anh Nguyễn Văn Của, năm 2015 anh trai anh cho 2 cặp dúi rừng để nuôi chơi, anh Của có suy nghĩ nếu người ta cứ săn bắt nhiều dúi rừng thì chẳng mấy mà tuyệt chủng nên sau khi học xong anh đã nảy sinh ý định thuần hóa, nhân đàn để cung cấp ra thị trường.
Anh Nguyễn Văn Của cho biết, con dúi có nhiều loài khác nhau đó là dúi nâu, dúi mốc, dúi má đào. Hiện trang trại của anh đang nuôi hai loại dúi mốc và dúi má đào với quy mô khoảng 400 con.
Dúi trưởng thành có chiều dài thân 25 - 35 cm, trọng lượng 0,5 - 1,5 kg/con, thức ăn rất đơn giản và dễ kiếm gồm: tre, hạt ngô, thân mía và mỗi ngày chỉ cho ăn một lần vào chiều tối.
Theo kinh nghiệm, không nên cho dúi ăn quá nhiều khiến con vật tích lũy quá nhiều mỡ vì một con dúi trưởng thành mỗi ngày chỉ cần cho ăn 1 mẩu mía, 1 mẩu tre là được. Với dúi nhỡ thì khẩu phần ăn ít hơn. Ngoài ra, cho dúi ăn thêm vỏ mía, vỏ măng hay ít ngô để dúi có thêm chất dinh dưỡng, mau lớn hơn.
Với lợi thế xã Long Sơn có rất nhiều tre, nứa nên nguồn thức ăn của dúi được đảm bảo, tạo càng có điều kiện tốt để phát triển nuôi dúi thương phẩm.
Ngoài ra, để thức ăn cho dúi trở nên phong phú anh Của còn trồng thêm cỏ voi, mía, ngô. Bên cạnh đó, thay vì xây chuồng cho dúi ở như trong thời gian mới nuôi, anh Của đã ghép những viên gạch (50x50) với nhau, tạo thành từng ô vuông nuôi dúi, vừa đỡ tốn diện tích vừa đảm bảo độ thoáng mát.
Đặc biệt, anh Của cũng chia dúi trưởng thành ở thành từng cặp. Những ô nuôi dúi nhỡ, dúi thịt rộng hơn so với ô nhốt dúi sinh sản. Mặc dù dúi có sức đề kháng tốt, hầu như không xảy ra dịch bệnh bao giờ nhưng anh Của vẫn thường xuyên vệ sinh chuồng trại, đảm bảo nơi ở của dúi luôn sạch sẽ, thoáng mát...
Chia sẻ bí quyết về kỹ thuật nuôi dúi, anh Của cho biết, chuồng nuôi dúi thiết kế đơn giản, không tốn nhiều diện tích, 100m2 có thể nuôi được 400 con dúi. Chuồng có thể xây hoặc đổ tấm bê tông gắn lại với nhau theo kích thước cao 60cm, rộng 50 cm và dài 50 cm.
Tuy nhiên, chuồng phải kín gió, nên bố trí nơi ít tiếng động, không bị ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào và cần tránh việc để dúi ăn thức ăn đã hỏng, khi đó dúi mới phát triển khỏe mạnh.
Nhiệt độ từ 20 - 30 độ C là phù hợp nhất để dúi sinh trưởng và phát triển. Còn thời tiết lạnh quá hay nóng quá thì dúi sinh sản kém, chậm lớn...Thêm vào đó, đặc điểm của loài dúi là không cần uống nước nên khá sạch sẽ.
Đàn dúi nuôi tại trang trại nuôi của anh Nguyễn Văn Của, thôn 1, xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu.
Mỗi năm dúi sinh sản 4 lứa, mỗi lứa 2-5 con. Dúi giống sau 3 tháng xuất chuồng có thể đạt 500-700g; dúi thương phẩm nuôi 7 tháng có thể xuất chuồng, có thể đạt trọng lượng 1,5 kg với giá 730.000 đồng/kg.
Anh Của còn bán dúi giống có giá từ 1,2 -1,8 triệu đồng/cặp đối với dúi mốc và từ 1,8 -2,5 triệu đồng/cặp dúi má đào. Đến nay, trung bình mỗi tháng thu nhập của trang trại anh Của xuất chuồng dúi giống và dúi thương phẩm là từ 25-30 triệu đồng.
Ông chủ trang trại trẻ sinh năm 1990 cho biết thêm, vì là con đặc sản nên dúi được nhiều khách hàng từ các tỉnh, thành phố như: Cần Thơ, An Giang, Bến Tre, Cà Mau ... mua.
Hiện tại, anh Của đã liên kết tiêu thụ sản phẩm với nhiều nhà hàng, khách sạn tại địa phương để có thị trường tiêu thụ vững chắc. Hơn nữa, trong số các đối tượng vật nuôi đặc sản thì dúi là con vật dễ nuôi, cho hiệu quả kinh tế cao nên có thể nhân rộng mô hình nuôi dúi trên địa bàn tỉnh.
Theo Hoàng Nhị (TTXVN)
https://baotintuc.vn/kinh-te/nuoi-dui-dac-san-cho-thu-nhap-cao-20200312081057272.htm