Trả lời báo Dân Trí, ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Thống kê khẳng định, Việt Nam không thiếu lương thực, thực phẩm. Việc rất khó hiểu và chỉ là vấn đề tâm lý nhất thời.
Lo ngại về việc một số mặt hàng tăng giá ở một số thành phố lớn như Hà Nội vì các ca nhiễm Covid-19 đang có xu hướng tăng, đại diện Tổng cục Thống kê, Bộ KH&ĐT trấn an: Hàng hóa Việt Nam hiện tại không thiếu, không khan hiếm, đáp ứng đầy đủ yêu cầu.
Video: 351fbab8-f1bd-4c0c-af65-0e1119c64df1
Hiện tượng mua gom, tích trữ lương thực vì lo ngại thiếu nguồn cung trong khi nước ta là nước nông nghiệp, với nhiều loại thực phẩm đa dạng là hành động khó hiểu, tâm lý bột phát
Theo đại diện Tổng cục Thống kê, dự trữ gạo của Việt Nam rất nhiều, nước ta cũng là nước xuất khẩu gạo lớn nhất nhì thế giới, là nước nông nghiệp có khí hậu nhiệt đới gió mùa, cây cối đa dạng, xanh tốt quanh năm với nhiều rau củ, quả và cây trái nên rất nghịch lý, rất khó hiểu khi người dân phải đổ xô đi tích trữ.
"Theo chúng tôi, việc khan hiếm chỉ xuất hiện đúng ở một số nơi, trong ngày 7/3, các ngày tiếp theo đều không có hiện tượng khan hiếm. Việc đổ xô đi mua hàng là không có lợi bởi vì lượng cung dư dả. Nước nông nghiệp, nhiệt đới thì không thể có chuyện khan hiếm thực phẩm, lương thực được mà phải đi tích trữ", lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho biết.
Về lo ngại chỉ số tiêu dùng một số mặt hàng tăng cao, trong đó có thực phẩm, lương thực, thịt... tăng giá do dịch bệnh, ông Tiến cho biết: "Hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc biệt trồng trọt chưa có gì ảnh hưởng nên nguồn cung nhiều. Tôi khuyên người dân không nên tích trữ để tránh tăng giá hàng hóa".
Đại diện Tổng cục Thống kê cho rằng: Trong tháng Tết nhu cầu mua sắm của hàng triệu hộ gia đình, nhu cầu ăn uống của hàng chục triệu người gia tăng mạnh. Tuy nhiên, chỉ số giá cũng chỉ nhích tăng so với các tháng trước, không quá đột biến. Các loại thực phẩm, rau xanh, gạo, các loại thịt, cá vẫn đủ cung ứng cho toàn dân, không thiếu.
Tổng cục Thống kê cho biết: Dịp Tết nhu cầu tiêu dùng của hàng chục triệu người, hàng triệu hộ gia tăng, Việt Nam vẫn tự chủ được nguồn cung nên người dân các thành phố nên yên tâm với lượng cung hàng hóa hiện nay, tránh bị lợi dụng tăng giá
Theo Tổng cục Thống kê, các thành phố lớn đều có các chợ đầu mối, đại siêu thị và các vùng đệm để cung cấp nhu yếu phẩm, thực phẩm. Tại các tỉnh, người dân nông thôn đều tự chủ được các nguồn cung như gạo, rau xanh, thậm chí thịt, cá tươi sống. Đặc trưng của nền nông nghiệp Việt Nam là lợi thế mà người dân không nên quá lo lắng.
Ông Tiến cho biết, hiện tại tình hình sản xuất và lượng hàng tại các siêu thị đảm bảo cung cấp đủ. Thủ tướng vừa chỉ đạo các Công ty đảm bảo nguồn hàng, đặc biệt là gạo. Các diễn biến tiếp theo trong tuần sau Tổng cục Thống kê sẽ xem xét báo cáo.
Bên cạnh đó, hiện Việt Nam có Ban chỉ đạo điều hành giá thuộc Chính phủ, trường hợp dịch mở rộng, sẽ chỉ đạo cho các Sở, Hiệp hội sản xuất, các địa phương sớm khai thác các mặt hàng như cá, tôm nuôi, các loại gia cầm, thịt tươi sống...
Theo khuyến cáo của các Bộ Công Thương, Bộ Y tế, các sở Công Thương như Hà Nội, các đại siêu thị, chợ tại Hà Nội đủ cung ứng lượng thực phẩm thiết yếu cho người dân nên người dân không quá lo lắng để đổ xô đi tích trữ, khiến hoang mang dư luận, giá cả tăng và nguy cơ lây nhiễm cao do tập trung đông người.
Theo An Linh/Dân trí
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/nuoc-nong-nghiep-ma-di-tich-tru-luong-thuc-la-rat-kho-hieu-20200309094520024.htm