Liên tiếp các vụ "giải cứu" nông sản trong thời gian qua một phần do sự yếu kém của công nghệ bảo quản sau thu hoạch và tình trạng này đang khiến nước ta mất hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm.
Ứng dụng công nghệ 4.0 góp phần nâng cao chất lượng và giá trị nông sản. Ảnh minh họa.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), từ năm 2013-2019 công nghiệp chế biến nông sản cả nước đã có bước phát triển mạnh trên cả quy mô và mức độ hiện đại so với 5 năm trước (2007-2012), tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng hàng năm đạt khoảng 5-7%. Xuất khẩu chiếm khoảng 65% tổng giá trị chế biến.
Đến nay chúng ta đã tiếp tục duy trì 8 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu hàng năm từ 1 tỉ USD trở lên, trong đó có 4 mặt hàng đạt kim ngạch trên 3 tỉ USD. Năm 2019 xuất khẩu nông sản đạt gần 41,3 tỉ USD, tăng 3,2% so với năm 2018. |
Bộ NNPTNT cũng cho biết, đến nay đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến bảo quản nông sản với khoảng 7.500 cơ sở quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu. Ngoài ra còn có hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ, lẻ, hộ gia đình rải khắp các địa bàn làm nhiệm vụ sơ chế và chế biến phục vụ tiêu dùng nội địa.
Tổng hợp số liệu thu thập thông tin sơ bộ của 63 tỉnh, thành phố cho thấy, tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước đều có doanh nghiệp chế biến đối với các ngành hàng nông lâm thủy sản chính. Tỉnh ít nhất cũng có 2 ngành hàng chế biến (Lạng Sơn, Bắc Kạn, Phú Thọ, Đà Nẵng); có 4 tỉnh là TPHCM, Nghệ An, Đồng Nai, Bình Dương có tới 10-11 ngành hàng chế biến.
Chế biến, bảo quản sau thu hoạch là giải pháp cấp bách để nâng giá trị nông sản. Ảnh: Kh.V
Riêng trong 2 năm 2018 và 2019 đã có 30 dự án lớn về chế biến nông lâm thủy sản với số vốn đầu tư khoảng 1 tỉ USD đã khởi công xây dựng và một số cơ sở đã hoàn thành bước vào sản xuất.
Một số doanh nghiệp, tập đoàn công ty lớn có năng lực đã liên kết tốt với người nông dân như Tập đoàn Lộc Trời, Gentraco, Lương thực Sông Hậu, Công ty Hoàng Nhật Minh, Công ty Cờ Đỏ trong sản xuất lúa gạo; Vinamilk, TH True milk, Masan trong ngành sữa, thịt; Nafood, Doveco, Vineco, TH group trong ngành rau quả…
Tuy nhiên, công nghiệp chế biến nông sản vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như chưa đáp ứng được yêu cầu đầu ra cho khâu sản xuất nguyên liệu, gia tăng giá trị hàng nông sản qua chế biến còn thấp; chất lượng sản phẩm chưa ổn định, còn tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm; dây chuyền thiết bị cũ, công nghệ chưa tiên tiến, sản phẩm đơn giản, tiêu hao nhiều nguyên liệu và năng lượng; sản phẩm chế biến sâu có GTGT cao tỉ lệ còn thấp, chủng loại sản phẩm chế biến chưa phong phú;
Theo thống kê của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản ở các nước đang phát triển lên đến 20-30%.
Ở Việt Nam, tổn thất sau thu hoạch đối với cây có hạt là khoảng 10%, đối với cây có củ là 10-20% và rau quả là 10-30%. Việc phát triển công nghệ bảo quản cho nông sản là vô cùng quan trọng. Điều này sẽ giúp nông dân giảm được tổn thất về số lượng và chất lượng, đồng thời đóng góp tích cực trong việc duy trì chất lượng nông sản.
Ảnh: Kh.V
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu không nhanh chóng ứng dụng khoa học công nghệ trong chuỗi sản xuất, chế biến, tình trạng nông sản phải "giải cứu" sẽ còn tiếp diễn. Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cũng thừa nhận, trên thực tế, sự yếu kém của công nghệ bảo quản sau thu hoạch đang khiến nước ta mất hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm.
Để tìm giải pháp chế biến nông sản, từng bước khắc phục vấn đề này, ngày 21.2.2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự kiến chủ trì hội nghị trực tuyến “4.0 thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản, cơ giới hóa nông nghiệp" với sự tham dự của khoảng 500 đại biểu. |
Theo Khánh Vũ/Lao động
https://laodong.vn/kinh-te/bao-quan-sau-thu-hoach-yeu-kem-se-con-tai-dien-canh-giai-cuu-nong-san-785790.ldo