4
/
86783
Việt Nam sau 1 năm vào CPTPP: Nhiều con số còn khiêm tốn
viet-nam-sau-1-nam-vao-cptpp-nhieu-con-so-con-khiem-ton
news

Việt Nam sau 1 năm vào CPTPP: Nhiều con số còn khiêm tốn

Thứ 5, 20/02/2020 | 08:00:12
257 lượt xem

Mặc dù cơ hội từ CPTPP đưa lại rất lớn nhưng nhiều doanh nghiệp, địa phương chưa thật sự tập trung để tận dụng khai thác cơ hội.

Nhìn lại hơn 1 năm Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước CPTPP đã đạt 77,4 tỷ USD, tăng 3,9% so với năm 2018. Trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang các nước CPTPP đạt 39,5 tỷ USD, tăng 7,2% so với năm 2018.

Đáng chú ý, một số thị trường mà Việt Nam chưa có quan hệ FTA như Canada và Mexico ghi nhận mức tăng mạnh ngay sau khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực. Cụ thể, xuất khẩu sang Canada tăng 29,9%; xuất khẩu sang Mexico tăng 27,6%.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu từ thị trường các nước đã thực thi CPTPP về cơ bản là giảm hoặc tăng không đáng kể. Do đó, tác động tới cán cân thương mại đến từ hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước đã thực thi CPTPP thặng dư 3,9 tỷ USD, tăng 135% so với cùng kỳ 2018.

neu biet tan dung cptpp, tang truong xuat khau va dau tu con cao hon nua hinh 1

Xuất khẩu sang các nước tham gia CPTPP có tăng trưởng sau 1 năm có hiệu lực nhưng vẫn thiếu vắng một số mặt hàng chủ lực.

Cũng theo đánh giá của Bộ Công Thương, sau hơn 1 năm Hiệp định CPTPP có hiệu lực, đã có 27/63 tỉnh, thành đã phát sinh hoạt động xuất khẩu với các nước CPTPP. Trong đó đứng đầu là TP HCM, tiếp theo là Hà Nội, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bắc Ninh và Khánh Hòa. Nhiều tỉnh, thành cũng cho biết, số lượng các doanh nghiệp (DN) trong tỉnh quan tâm đến việc xuất khẩu sang các nước CPTPP còn khiêm tốn.

Các mặt hàng xuất khẩu từ các địa phương sang các nước CPTPP tương đối đa dạng, từ hàng nông nghiệp, thủy sản, thủ công mỹ nghệ cho đến hàng dệt may, máy móc, thiết bị, linh kiện điện tử… Tuy nhiên, trong số các mặt hàng xuất khẩu có mức tăng trưởng cao sang Canada, Mexico vẫn thiếu vắng một số mặt hàng chủ chốt của Việt Nam như dệt may, nông thủy sản… “Đây là con số rất khiêm tốn và ảnh hưởng lớn đến việc tận dụng cơ hội của CPTPP từ phía các DN”, Bộ Công Thương đánh giá.

Chưa tận dụng khai thác cơ hội từ CPTPP

Nhận định về cơ hội tăng trưởng xuất khẩu cũng như hợp tác đầu tư trong khuôn khổ Hiệp định CPTPP, bà Đỗ Thị Thu Hương, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Canada cho biết, để DN xuất khẩu của Việt Nam có thể tiếp cận thị trường Canada cũng cần phải qua các bước như nghiên cứu thị trường, xác định mã HS hàng hóa, từ đó biết mức thuế nhập khẩu cũng như các chứng từ chứng minh xuất xứ hàng hóa cũng như xác định phương tiện vận tải.

Đặc biệt, các sản phẩm nông sản xuất khẩu của Việt Nam vào Canada cần áp dụng theo Luật An toàn thực phẩm mới có hiệu lực của Canada từ tháng 1/2019. Trong đó có thay đổi về quy trình kiểm tra chất lượng hàng hóa, theo hướng nhà nhập khẩu phải chịu toàn bộ trách nhiệm từ truy xuất nguồn gốc, nuôi trồng đến việc xuất khẩu, chế biến đóng gói và đưa sản phẩm vào Canada.

“Nhà xuất khẩu, nhà chế biến hay nhà nhập khẩu đều phải xây dựng chương trình, kế hoạch phòng ngừa rủi ro về an toàn thực phẩm, luật ghi nhãn đóng gói, luật phân bón do cơ quan kiểm dịch thực vật Canada chịu trách nhiệm quản lý. Các mặt hàng công nghiệp sẽ phải tuân thủ theo một số các quy định về hàng tiêu dùng của Tổng cục cạnh tranh Canada hoặc quy định của Bộ Y tế”, bà Hương lưu ý.

Theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), nhìn vào cấu trúc cũng như cam kết của các FTA mà Việt Nam tham gia, việc cắt giảm nhiều dòng thuế và mở cửa thị trường đầu tư và thương mại là cơ hội rất lớn cho DN Việt Nam thâm nhập các thị trường lớn của thế giới, từ đó mở rộng thị trường xuất khẩu.

Tuy nhiên, việc khai thác lợi ích từ các FTA trong thời gian vừa qua đã cho thấy, DN Việt Nam thực sự chưa khai thác tốt, dù cơ hội từ các FTA đưa lại rất lớn về mở cửa thị trường nhưng số lượng DN khai thác có hiệu quả chỉ mới chiếm từ 30 – 40%, còn lại hầu như các DN trong nước chưa tận dụng để khai thác.

Chính vì thế, bà Nga cho rằng, đối với các DN sản xuất kinh doanh rất cần tìm hiểu thị trường đối tác trong FTA để sản xuất sản phẩm gì, sản phẩm như thế nào và giá cả bao nhiêu, áp dụng quy tắc xuất xứ ra làm sao… bởi dù thuế suất có thể giảm về 0% nhưng không phải DN Việt Nam muốn sản xuất sản phẩm gì cũng có thể bán được ở thị trường các quốc gia tham gia FTA với Việt Nam…

“Quan trọng nhất là DN Việt Nam cần phải nắm vững quy tắc xuất xứ của các đối tác trong FTA mà Việt Nam đã thực thi đối với sản phẩm của chính DN mình. DN cũng phải phối hợp chặt chẽ với phía chính phủ để tháo gỡ các hàng rào kiểm dịch khi sản phẩm xuất khẩu bị vướng mắc”, bà Nga cho hay.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng nhận định, với mức tăng trưởng xuất khẩu sang Canada và Mexico như thời gian qua đã thể hiện Việt Nam bước đầu tận dụng được hiệu quả các cam kết trong CPTPP để thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên trên thực tế, hiện vẫn còn nhiều DN, kể cả cơ quan địa phương liên quan chưa quan tâm đúng mức, chưa tận dụng được cơ hội đang có từ CPTPP. Nếu biết tận dụng tốt, con số tăng trưởng đạt được sẽ còn cao hơn nữa.

Được biết, thời gian tới, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát hệ thống pháp luật, kiến nghị bổ sung, sửa đổi các văn bản pháp luật để thực thi Hiệp định CPTPP. Giao các Bộ, ngành và địa phương kiện toàn và nâng cao năng lực cho bộ phận phụ trách về hội nhập kinh tế nói chung và thực hiện Hiệp định CPTPP nói riêng, chủ động kết nối và phối hợp với đầu mối thực hiện Hiệp định CPTPP của Bộ Công Thương để nâng cao hiệu quả thực thi.

Bộ Công Thương cũng sẽ tăng cường phối hợp với các bộ, ngành và địa phương nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền; đề nghị các bộ, ngành và địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong xây dựng và triển khai các hoạt động tuyên truyền, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tránh trùng lặp, lãng phí.../.

Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN


  • Từ khóa

Thời cơ vàng để khẳng định năng lực cạnh tranh

Phát biểu tại Diễn đàn quốc gia về doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ 6, do Bộ TT-TT tổ chức sáng 15.1, Tổng Bí thư Tô Lâm đã gợi mở các nhiệm vụ...
09:12 - 16/01/2025
363 lượt xem

Nguồn cung thực phẩm dịp Tết dồi dào

Còn ít ngày nữa là đến Tết Ất Tỵ 2025, thời điểm này, các hộ nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác trên cả nước đang tích cực chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi...
08:00 - 16/01/2025
384 lượt xem

Mỹ vẫn là khách hàng lớn nhất của ngành điều Việt Nam

Năm 2024, Mỹ đã chi gần 1,2 tỷ USD mua hạt điều Việt Nam và chiếm 98% tổng lượng điều nhập khẩu của thị trường này.
17:25 - 15/01/2025
751 lượt xem

Còn khoảng 6.000 vé tàu Tết từ TP.HCM đi Hà Nội

Công ty cổ phần Vận tải đường sắt cho biết hiện còn khoảng 6.000 vé tàu chiều TP.HCM đi Hà Nội dịp trước Tết Ất Tỵ 2025.
15:08 - 15/01/2025
800 lượt xem

Vietnam Airlines khai thác hơn 1.500 chuyến bay đêm dịp Tết Nguyên đán 2025

Vietnam Airlines công bố dự kiến khai thác hơn 1.500 chuyến bay đêm, cung ứng gần 300.000 ghế trong giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán 2025 từ ngày 13-1...
10:45 - 15/01/2025
886 lượt xem