Đội nắng, đội sương xếp hàng 4-5 giờ đồng hồ hay chạy khắp nơi vẫn không bói ra được hộp khẩu trang y tế phòng chống dịch Covid-19 , dù nhiều doanh nghiệp, nhà thuốc, cửa hàng ra rả cho hay tăng nguồn cung, có hàng phục vụ dân…
Người dân xếp hàng mua khẩu trang phòng dịch sáng 16/2 phải về tay không Ảnh: Ngô tùng
Ngàn người rồng rắn xếp hàng từ nửa đêm
Sáng sớm ngày 16/2, cả ngàn người tập trung trước cửa hàng dụng cụ y tế Đồng Phát (Nguyễn Giản Thanh, Q.10) để mua khẩu trang y tế. Cửa hàng này thông báo sẽ bán hàng lúc 7h30, mỗi người được 2 hộp khẩu trang giá 37.500 đồng/ hộp và chai gel sát khuẩn 40.000 đồng/100ml. Từ 3h sáng, cả ngàn người dân đã chen chúc xếp hàng kéo dài đến tận đường Tô Hiến Thành, nhưng sắp đến giờ bán mới “té ngửa” cửa hàng thông báo đã phát hết phiếu từ lúc… 1h đêm (!?).
Theo ghi nhận của phóng viên, những người may mắn mua được khẩu trang cho biết đã xếp hàng từ lúc 0h, lúc đó bảo vệ mở cửa cho vào, nhưng đến 7h mới được mua hàng. Còn người đến xếp hàng lúc 3h30 phải ở ngoài. Tuy nhiên lúc 7h20, nhân viên mới thông báo hết phiếu. “Chúng tôi có cảm giác bị lừa khi đã chờ đợi rất lâu ở đây”- ông Nhung (54 tuổi, đến từ H.Củ Chi) bức xúc nói.
PharmaCity là một trong những doanh nghiệp cam kết bán khẩu trang và nước rửa tay bình ổn giá, khung giờ từ 7-8h và 19-20h. Tuy nhiên không phải cửa hàng nào của hệ thống này cũng bán. Chẳng hạn, tại chi nhánh PharmaCity cạnh chung cư Lê Thành (P.An Lạc,Q.Bình Tân) không có bán các sản phẩm này.
Còn tại hệ thống Co.op Mart, dù thông tin rộng rãi trên truyền thông, mỗi ngày bán ra thị trường khoảng 200.000 khẩu trang kháng khuẩn, khoảng 100.000 khẩu trang y tế, nhưng tìm “đỏ mắt” không thấy hàng trên quầy? Tương tự, tại Big C, Satra, Lotte, đa số người tiêu dùng đều khẳng định chưa bao giờ mua được hàng ở siêu thị (?!).
Ngày 16/2, ghi nhận trên nhiều tuyến đường tập trung đông tiệm thuốc tây tại TPHCM như Hai Bà Trưng (Q.1), Thành Thái (Q.10), Nguyễn Trãi (Q.5)…, không nơi nào có khẩu trang. Tại chợ thuốc sỉ Nguyễn Giản Thanh (Q.10), các cửa hàng đồng loạt dán thông báo hết hàng. “Tôi chạy khắp các quận huyện, ra tận vùng ven như Hóc Môn, Củ Chi… nơi nào cũng lắc đầu, cháy hàng. Nếu đúng như thông tin TPHCM tăng cường sản xuất khẩu trang thì tại sao hiện nay vẫn chưa có để bán cho dân”, chị Đặng Thị Mỹ Trang (30 tuổi, ngụ Q.3) nêu câu hỏi.
Trên mạng, dân kinh doanh online tranh thủ đẩy giá khẩu trang lên 300.000-400.000 đồng/hộp…, thậm chí là 22 triệu đồng/thùng. Có người còn rao loại khẩu trang bằng vải kháng khuẩn, có thể giặt được 200 lần với giá 500.000 đồng/cái. Tuy nhiên, nguồn gốc và chất lượng các loại khẩu trang này vẫn không được kiểm chứng, chỉ được nhận biết qua lời rao của những người bán hàng.
Găm hàng, thổi giá
Trong khi người dân không mua được khẩu trang y tế phòng dịch, cơ quan chức năng thường xuyên phát hiện số lượng khủng khẩu trang không nguồn gốc, chờ tuồn ra nước ngoài. Điển hình là vụ 86 kiện hàng với hơn 150.000 khẩu trang y tế do chi nhánh Công ty Cổ phần vận tải và chuyển phát nhanh ANPHA (Chi nhánh ANPHA) nhận vận chuyển thuê vừa bị Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM phát hiện; hơn 260.000 khẩu trang của Công ty TNHH MTV Thương mại RUITON Việt Nam (H.Bình Chánh) giả mạo xuất xứ.
Theo Cục QLTT TPHCM, trong những ngày qua các đội còn phát hiện một số người tập trung thành nhiều nhóm bán khẩu trang lưu động trên vỉa hè, lề đường. Khi phát hiện có cơ quan chức năng, các đối tượng lên xe máy di chuyển đi nơi khác. “Cục tiếp tục chỉ đạo các đội tăng cường kiểm tra, kiểm soát, quản lý địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh các mặt hàng khẩu trang y tế, dung dịch rửa tay không lợi dụng tình hình dịch bệnh, khan hiếm hàng hóa để găm hàng, tăng giá, đưa ra thị trường các loại khẩu trang nhập lậu, giả, kém chất lượng”, đại diện Cục QLTT TPHCM cho hay.
Ở góc độ nhà sản xuất, ông Nguyễn Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM cho rằng, khẩu trang không phải là mặt hàng có sức tiêu thụ cao trên thị trường nên rất ít doanh nghiệp tham gia sản xuất. Do dịch bệnh, nhu cầu sử dụng sản phẩm khẩu trang y tế tăng đột biến, nên trong thời gian ngắn khó có thể đáp ứng kịp. Tuy nhiên phải thấy rằng sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu nếu người dân có tâm lý hoang mang và mua tích trữ.
Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM nhấn mạnh: “Trong bối cảnh hiện nay, mỗi người tiêu dùng cần thể hiện trách nhiệm trước cộng đồng, hãy nói “không” với việc tích trữ hàng hóa, đặc biệt là khẩu trang, để mọi người dân đều có thể mua được khẩu trang về dùng”.
Mới đây, Thanh tra Sở Y tế TPHCM tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 4 cơ sở gồm: Nhà thuốc Ngọc Hà (108 Tô Ngọc Vân, P.Thạnh Xuân, Q.12), Nhà thuốc Cẩm Tú (19 Hồ Bá Kiện, P.15, Q.10), Nhà thuốc Nhị Trưng (410-412 Hai Bà Trưng, P.Tân Định, Q.1), Nhà thuốc Trường Minh (219A Lê Văn Sỹ, P.1, Q.Tân Bình).
Riêng Nhà thuốc Trung Nguyên 2 (783 Nguyễn Kiệm, P.3, Q.Gò Vấp), cơ sở này lưu giữ 1.503 khẩu trang các loại nhưng chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ mua vào với tổng giá trị bán ra theo niêm yết là 29.200.00 đồng (trong đó có 71 túi nilông, mỗi túi có chứa 10 chiếc khẩu trang y tế, qua xác minh có giá mua vào là 6.000 đồng/túi, giá bán ra niêm yết là 20.000 đồng/túi). Vì vậy, Thanh tra Sở Y tế TPHCM tiếp tục xem xét và tiến hành xử phạt vi phạm hành chính với các hành vi: Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; Lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.
Lừa bán nước rửa tay nhái
Nước rửa tay khô, cồn sát khuẩn cũng không còn hàng ở hầu hết siêu thị, tiệm thuốc… Một số trang facebook, zalo thông báo có hàng nhưng toàn thương hiệu lạ, giá trên trời từ 150.000-200.000 đồng/100ml. Chưa kịp mừng vì mua được chai nước rửa sát khuẩn từ người quen, chị Thanh Hoa (29 tuổi) lo lắng vì sau khi dùng vài lần, da tay khô nhám, nứt nẻ…
Mới đây, Công ty Cổ phần Trung tâm thương mại Lotte Việt Nam cảnh báo khách hàng cẩn trọng khi mua nước rửa tay khô hiệu CHOICE L trên mạng. Theo siêu thị, lợi dụng nhu cầu sử dụng của người dân trước dịch Covid-19, dân kinh doanh online đã rao bán nhiều sản phẩm cùng thương hiệu trên các trang mạng xã hội, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Theo Uyên Phương/Tiền phong
https://www.tienphong.vn/kinh-te/phong-chong-dich-covid19-bat-nhao-thi-truong-khau-trang-1520240.tpo