Được xem như ngành "hot" nhưng có một thực tế là không ít sinh viên công nghệ thông tin (IT) tốt nghiệp ra trường không xin được việc phải chuyển sang ngành khác. Trong khi đó, nhà tuyển dụng cho biết nhu cầu của ngành rất cao nhưng lại không tuyển được. Vậy lý do là gì?
Học IT suốt ngày "ôm" máy tính nên hạn chế kỹ năng mềm
Tại ngày hội Công nghệ thông tin - IT DAY năm 2024 do Đoàn khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học tổ chức, rất đông sinh viên (SV) tham dự với mong muốn tìm hiểu rõ hơn về ngành nghề, cũng như cơ hội việc làm sau khi ra trường. Trong đó, có cả những SV đã tốt nghiệp cùng tham dự.
Nhiều sinh viên tìm đến ngày hội Công nghệ thông tin - IT DAY năm 2024 để tìm hiểu về ngành nghề ẢNH: ANH LẠC
N.V.Q, cựu SV của trường, kể chúng tôi câu chuyện của nhóm bạn chơi chung và đều học công nghệ thông tin, nhưng ra trường chỉ một số rất ít làm đúng chuyên ngành, còn lại "nhảy" sang ngành khác. Và Q. nằm trong số đông còn lại.
Q. chia sẻ: "Hiện nay chúng ta thường nghe nhiều người nói công nghệ thông tin là ngành hot, lương rất cao nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Đúng là ngành hot và lương cao nhưng đòi hỏi kỹ năng, kiến thức và tư duy cũng rất cao. Riêng nhóm của mình, chỉ khoảng 5/20 bạn là theo được đúng ngành, còn lại do không xin được việc nên có bạn nhảy sang làm chăm sóc khách hàng của một sàn thương mại điện tử, bạn làm sự kiện, còn bạn thì quay dựng các clip… Thậm chí có bạn học rất giỏi nhưng vẫn chưa xin được việc nên chuyển sang hướng đi dạy".
Q. cho rằng trong thời buổi hiện nay, ngoài việc học vững kiến thức từ nhà trường, còn đòi hỏi SV phải tự trau dồi và nâng cấp bản thân để theo kịp với sự phát triển từng ngày của công nghệ. Vì nếu không tự nâng cấp bản thân, sẽ nhanh chóng bị lạc hậu và không đáp ứng được yêu cầu của một người làm IT.
Bên cạnh đó, Q. cho biết ngôn ngữ lập trình rất nhiều, để thuần thục được hết cần phải có lượng kiến thức "khủng". Để từ ngôn ngữ đầu tiên, chuyển sang ngôn ngữ thứ 2, thứ 3 và phát triển theo công nghệ hiện nay, bản thân của một bạn IT suốt ngày phải ngồi với máy tính. Quá tập trung vào việc học dẫn đến kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp của các bạn không tốt. "Đối với dân học IT thường một ngày chỉ có cái máy tính. Thực tế vẫn có thể cân bằng được giữa việc học và tham gia các hoạt động bên ngoài, nhưng việc cân bằng đó đối với tụi mình là khó, và bản thân mình cũng không làm được", Q. khẳng định.
Chạy theo mức lương nhưng không chú trọng năng lực
Tại buổi talkshow với chủ đề "Định hướng nghề nghiệp ngành công nghệ thông tin" trong khuôn khổ của ngày hội, rất nhiều SV quan tâm vấn đề việc làm sau khi ra trường.
N.T.A, cựu SV của trường, đặt câu hỏi: "Là SV đã ra trường em gặp một số khó khăn nhất định khi tìm kiếm việc làm. Vậy theo chuyên gia, sau khi tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin thì tỷ lệ việc làm hiện tại có khả quan hay không?".
Sinh viên đặt câu hỏi về cơ hội nghề nghiệp trong ngành IT với chuyên gia tại buổi talkshow
Với câu hỏi này, chị Nguyễn Thị Thanh Ngân, Trưởng nhóm tuyển dụng Công ty Transcosmos Technology Việt Nam, cho biết công ty vẫn tuyển những SV mới ra trường, hiện tại đang nhận 80 CV nhưng chỉ tuyển được 5 người. Theo chị Ngân, tỷ lệ khả quan chưa được nhiều.
Và lý do theo chị Ngân là SV khi ra trường đang đứng trước 3 thách thức. Thách thức đầu tiên là sau dịch Covid-19, nhiều công ty phá sản nên ngành bắt đầu sàng lọc về con người, đó là tình hình của năm 2023 và bây giờ vẫn đang còn tiếp diễn. Thứ 2, hiện nay AI và ChatGPT đã ra đời cũng là một thách thức cho SV mới ra trường. Máy móc đang thay thế dần con người và điều đó cũng lấy đi một phần công việc của chúng ta. Chị Ngân ví dụ như ngày xưa có thể tỷ lệ tìm được việc làm là 70% thì hiện giờ còn khoảng 30 - 40%.
Sinh viên tham dự tại ngày hội Công nghệ thông tin - IT DAY năm 2024
Chị Ngân kể: "Khi làm bài test (kiểm tra - PV) ở công ty của mình vì ứng viên mới ra trường nên nhà tuyển dụng hiểu rằng các bạn chưa có trải nghiệm và kinh nghiệm nhiều, vì thế chỉ đặt ra những câu hỏi mang tính chất nền tảng. Tuy nhiên, các bạn lại không nhớ, nền tảng không vững. Vì sao? Vì các bạn học vẹt, học cho có, cho xong. Các bạn cần phải học làm sao để phân loại và biết được mục đích khi nào sử dụng nó, chứ chỉ học lý thuyết, đến khi đi tuyển dụng sẽ thất bại ngay. Bên cạnh đó, các bạn phụ thuộc nhiều vào ChatGPT, như khi làm dự án, chưa kịp suy nghĩ đã nhờ ChatGPT giải đáp. Điều này dẫn đến việc thiếu động não, trì trệ và thiếu nhạy bén". Và đây cũng là thách thức thứ 3 mà chị Ngân đề cập.
Dù nhiều thách thức nhưng chị Ngân cho rằng cơ hội vẫn luôn có, và các bạn đừng nản chí. Nếu vẫn chưa tìm được môi trường phù hợp, thay vì vào một doanh nghiệp thì các bạn tạo ra nhóm chung, cùng làm một dự án nào đó, rồi học thêm cho cứng một ngôn ngữ lập trình… để sau này ứng tuyển vào các công ty phù hợp.
Nói về nhu cầu việc làm của lĩnh vực công nghệ thông tin hiện nay, chị Ngân cho biết rất cao nhưng chất lượng ứng viên thì chưa đáp ứng. "Mình thấy trên trang tuyển dụng có hàng trăm SV ứng tuyển nhưng mình không tuyển được. Vì kiến thức của các bạn chưa vững và kỹ năng mềm cũng không đáp ứng", chị nhận định.
Theo chị Ngân, bây giờ các bạn chạy theo mức lương nhưng điều cần ưu tiên là năng lực, năng lực ở đâu thì mức lương ở đó. "Các bạn chạy theo mức lương mà không chú trọng năng lực của mình ở đâu, đến một thời điểm nào đó mức lương cũng sẽ bão hòa. Các bạn thường hay muốn được như thế này, thế kia nhưng năng lực lại chưa đáp ứng. Khi đi phỏng vấn, làm sao để nhà tuyển dụng thấy bạn xứng đáng với mức lương 30 hay 50 triệu đồng, tức phải thể hiện ra được năng lực của bạn như thế nào và bạn có những gì".
Chị cũng cho rằng góc nhìn của ứng viên và nhà tuyển dụng đang khác nhau. Chẳng hạn ứng viên yêu cầu phải đưa ra mức lương phù hợp, mức lương cao rồi sẽ đáp ứng theo yêu cầu của công ty. Nhưng các nhà tuyển dụng lại không như vậy. Họ muốn ứng viên phải chứng minh thực lực cho họ thấy rằng xứng đáng với mức lương đó thì mới đề bạt vị trí công việc.
Chị Ngân cũng khuyên: "Các bạn cần thay đổi suy nghĩ một chút là ngành IT mức lương cao nhưng là đối với những người có năng lực thực sự. Và năng lực thực sự của mình có được theo từng chặng đường chứ không phải một phát nhảy lên tới đỉnh. Năng lực của con người có hạn, cần thời gian, cơ hội, môi trường để rèn luyện, rèn giũa".
Ngày hội Công nghệ thông tin - IT DAY do Đoàn khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học tổ chức, nhằm kết nối doanh nghiệp với sinh viên, nhà trường; tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận công nghệ, giới thiệu tuyển dụng việc làm... Hằng năm, chương trình thu hút hơn 5.000 lượt sinh viên tham dự và là hoạt động được sinh viên mong chờ nhất dịp đầu năm học. Ngày hội Công nghệ Thông tin - IT DAY năm 2024 bao gồm 2 nội dung chính là ngày hội triển lãm Công nghệ thông tin và đêm nhạc IT NIGHT. Ngày hội triển lãm thu hút các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo trong và ngoài lĩnh vực công nghệ thông tin đến quảng bá thương hiệu, trưng bày các sản phẩm, công nghệ mới nhất, các khóa học, đào tạo dài và ngắn hạn cho sinh viên. Thông qua ngày hội, các doanh nghiệp còn có thể tuyển dụng trực tiếp nhiều vị trí việc làm hấp dẫn. Ngoài ra còn nhiều hoạt động hấp dẫn tại ngày hội. |
Theo Anh Lạc/ Thanh niên
https://thanhnien.vn/nhu-cau-nganh-it-rat-lon-nhung-khong-tuyen-duoc-185241124193406188.htm