Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng Hiệp định thương mại tự do VN - EU (EVFTA) được coi là đòn bẩy cho tăng trưởng, mở ra cơ hội lớn thâm nhập thị trường quy mô GDP tới 18.000 tỉ USD.
Khai mở thêm thị trường 18.000 Công nhân Công ty TNHH SX HTD Bình Tân (Bita's) tại nơi làm việc - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết EU là thị trường nhập khẩu lớn nhất hàng hóa VN mà chúng ta có Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Hóa giải bớt rào cản
Ông Tuấn Anh cho rằng thị phần hàng hóa nhập khẩu từ VN so với tổng nhập khẩu của khu vực này còn khiêm tốn so với tiềm năng, một phần do vẫn còn rào cản đối với hàng hóa VN, phần khác do năng lực cạnh tranh của chúng ta còn hạn chế.
Vì vậy, cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ có được từ EVFTA chắc chắn sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh về giá của hàng hóa VN, mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu của VN.
Theo đó, cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng VN có lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản, kể cả gạo, đường, mật ong, rau củ quả, đồ gỗ... là rất đáng kể.
Cụ thể hiện nay, mới chỉ hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của VN sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).
Ngoài ra, GSP dự kiến cũng không thể kéo dài do nhiều ngành hàng của VN được EU coi là đã vượt trình độ cạnh tranh so với các nước được nhận ưu đãi khác.
Khi hiệp định có hiệu lực: 85,6% số dòng thuế nhập khẩu vào EU, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của VN sang EU sẽ về 0%.
Vì vậy, dự kiến sẽ được hưởng lợi nhiều từ hiệp định này đều là những ngành VN vốn có lợi thế cạnh tranh cao như giày dép, mũ, hàng dệt may và nông thủy sản.
Các ngành chịu sức ép cạnh tranh dự kiến gồm có hóa chất, phương tiện và thiết bị vận tải, thực phẩm chế biến và sản phẩm kim loại cơ bản.
Mức cam kết cao nhất
"Mức mở cửa thị trường trong EVFTA có thể coi là mức cam kết cao nhất mà VN đạt được trong các FTA đã được ký kết cho tới nay" - bộ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh.
Tương tự về nhập khẩu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay doanh nghiệp VN cũng sẽ được lợi từ nguồn hàng hóa, nguyên liệu nhập khẩu với chất lượng tốt và ổn định với mức giá hợp lý hơn từ EU.
Đặc biệt là nguồn máy móc, thiết bị, công nghệ/kỹ thuật cao từ các nước EU, qua đó để nâng cao năng suất và cải thiện chất lượng sản phẩm của mình.
Đáng chú ý với EVFTA, chuỗi giá trị mới của VN với một đối tác quan trọng trên thế giới sẽ được hình thành.
Môi trường đầu tư mở hơn và thuận lợi hơn, khi triển vọng xuất khẩu hấp dẫn hơn sẽ thu hút đầu tư FDI từ EU vào VN nhiều hơn, đặc biệt là các lĩnh vực như dịch vụ, tài chính, ôtô, chế biến chế tạo, công nghệ cao, nông sản thực phẩm chế biến...
Mặc dù vậy, hiệp định cũng có thể mang lại những thách thức. Trước hết theo ông Trần Tuấn Anh, nhiều ngành xuất khẩu của VN sẽ gặp các rào cản kỹ thuật rất chặt.
Như thủy sản, rau quả... vẫn vấp phải những hạn chế về kiểm dịch động thực vật, thậm chí là cả cách đánh bắt hải sản. Các quy định về quy tắc xuất xứ cũng sẽ là thách thức.
Theo Ngọc An/Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/don-bay-cho-kinh-te-viet-nam-20200212094907457.htm