Để kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa như quan điểm của Đảng đã xác định, không chỉ cần nhận thức, nội lực, ý chí vươn lên mạnh mẽ của từng doanh nghiệp, doanh nhân mà còn rất cần một môi trường pháp lý đầy đủ, thông thoáng, phù hợp với kinh tế thị trường và cam kết hội nhập của Việt Nam, là "bà đỡ" để kinh tế tư nhân tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, vươn lên đóng góp xứng đáng vào thành tựu phát triển chung của đất nước.
Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước liên tục ban hành nhiều chủ trương, quyết sách tạo đòn bẩy để kinh tế tư nhân có môi trường công bằng, bình đẳng như các thành phần kinh tế khác, có cơ hội ngang nhau để bứt phá đi lên.
Làm rõ hơn chủ trương lớn và nhất quán này của Đảng, nhân dịp Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng 3/2/1930-3/2/2020, Thông tấn xã Việt Nam giới thiệu loạt 3 bài với tiêu đề Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế.
Phát triển kinh tế tư nhân với nghề nuôi cá lồng bè ở xã Hòa Bình, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang giúp nhiều hộ vươn lên làm giàu. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ vừa ra đời mới hơn một tháng, ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết một bức thư gửi cho giới công thương Việt Nam. Trong bức thư Bác đã nhấn mạnh vai trò to lớn của giới công thương trong công cuộc kiến thiết đất nước. “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy hoàn toàn nền độc lập của nước nhà, thì giới Công - Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ, Nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới Công - Thương trong công cuộc kiến thiết này”.
Hơn 70 năm qua đã chứng minh ý nghĩa lịch sử của bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi giới công thương vào ngày 13/10/1945 vẫn còn nguyên giá trị, thể hiện đường lối đúng đắn và chỉ dẫn mang tính chiến lược của Người đối với sự nghiệp xây dựng và kiến thiết đất nước, đặc biệt trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.
Coi trọng vai trò của kinh tế tư nhân
Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò của giới công thương đã được Đảng hiện thực hóa qua hàng loạt chủ trương, đường lối. Đại hội VI Đảng Cộng sản Việt Nam (12.1986) khởi xướng công cuộc đổi mới với chính sách kinh tế nhiều thành phần gồm kinh tế, xã hội chủ nghĩa, kinh tế cá thể, kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế tư bản nhà nước và kinh tế tự nhiên ở vùng núi cao. Đến Đại hội VII, đặc biệt từ Hội nghị Trung ương 2 khóa VII (1992), kinh tế tư nhân đã được coi trọng và khuyến khích phát triển “không hạn chế về quy mô và địa bàn hoạt động trong những lĩnh vực mà pháp luật không cấm”. Đại hội VII tiếp tục làm rõ hơn bằng việc khẳng định vị trí “kinh tế tư nhân được phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, theo sự quản lý, hướng dẫn của nhà nước”. Đồng thời, địa vị kinh tế của mỗi người dân được xác định cụ thể “mọi người được tự do kinh doanh theo pháp luật, được bảo hộ quyền sở hữu và thu nhập hợp pháp”.
Đại hội VIII (7/1996) của Đảng tiếp tục khẳng định tính nhất quán lâu dài phát triển kinh tế nhiều thành phần trên cơ sở mọi thành phần kinh tế đều được đối xử bình đẳng, nhà nước tạo mọi điều kiện để các doanh nhân yên tâm đầu tư làm ăn lâu dài.
Qua các Đại hội IX, X, XI, XII, vấn đề phát triển kinh tế tư nhân nhiều lần được đưa ra thảo luận nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Vị thế của kinh tế tư nhân không chỉ được khẳng định trong các văn kiện của Đảng mà còn được tiếp tục khẳng định trong Hiến pháp năm 2013: “1. Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; 2. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật; 3. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước. Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa”.
Chọn mặt gửi vàng
Tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh việc “hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế”. Quan niệm kinh tế tư nhân là “một động lực quan trọng của nền kinh tế” tại Đại hội XII cho thấy bước đột phá về nhận thức của Đảng ta so với giai đoạn trước, khi chúng ta chỉ coi kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế. Từ đây kinh tế tư nhân đã được lựa chọn là một điểm bứt phá của nền kinh tế đất nước, với kỳ vọng lớn lao là tận dụng được tiềm năng của lực lượng này để có những đóng góp xứng đáng vào sư phát triển của nền kinh tế nước nhà.
Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII tiếp tục yêu cầu phải phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân cả về số lượng và chất lượng, để thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Để tiếp tục phát huy vai trò của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Hội nghị Trung ương 5, khóa XII của Đảng đã ban hành các nghị quyết chuyên đề về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Đặc biệt, Hội nghị đã ban hành Nghị quyết số 10 - NQ/TW (6/2017) về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ. Đây được xem là quan điểm rất tích cực trong đổi mới về tư duy phát triển kinh tế tư nhân nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân tiếp cận bình đẳng mọi cơ hội, các nguồn lực, nhất là nguồn lực về vốn và đất đai, tài nguyên.
Nghị quyết xác định mục tiêu tổng quát: Phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Cụ thể hóa nghị quyết của Đảng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 98-NQ/CP, ngày 3/10/2017 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW. Chính phủ xác định rất cụ thể các nhiệm vụ phát triển kinh tế tư nhân tập trung vào ba nhóm chủ trương chính sách lớn trong Nghị quyết số 10-NQ/TW là: tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân; hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Hai năm qua, với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển. Nhiều cơ chế, chính sách mới đã được ban hành; nhiều giải pháp đã được triển khai, tất cả nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, góp phần phát triển kinh tế tư nhân theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng.
Theo Quỳnh Hoa (TTXVN)