Dự trữ ngoại hối của Việt Nam tăng cao kỷ lục với con số gần 80 tỷ USD. Mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang điều hành chính sách tiền tệ với lãi suất hợp lý, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp vay vốn dễ hơn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị ẢNH: QUANG HIẾU
Bơm 8,2 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế
Ngày 2/1, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2020 có sự tham gia của ban lãnh đạo NHNN, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Khoa học - Công nghệ Chu Ngọc Anh…
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, nhu cầu vốn của nền kinh tế rất lớn. Hệ thống ngân hàng vẫn là kênh dẫn vốn chủ đạo. Khi áp lực lãi suất quốc tế và trong nước tăng, NHNN kịp thời điều hành công vụ thị trường để kiểm soát ổn định mặt bằng lãi suất. Khi điều kiện cho phép, NHNN giảm lãi suất cho vay. Thực tế, với một số lĩnh vực cho vay ưu tiên, lãi suất đã giảm.
Đến cuối tháng 12/2019, dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng ước đạt trên 8,2 triệu tỷ đồng, tăng 13,7% so với cuối năm 2018. Cơ cấu tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Thông qua các chương trình kết nối giữa ngân hàng với doanh nghiệp đã góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng thuận lợi để phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh. Trong năm 2019, doanh số giải ngân cho vay mới của các tổ chức tín dụng đạt gần 600 nghìn tỷ đồng đối với gần 125 nghìn doanh nghiệp và một số khách hàng khác.
Ngành ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, bao gồm gia hạn nợ và điều chỉnh kỳ hạn trả nợ đối với gần 9 nghìn doanh nghiệp với dư nợ gần 3 nghìn tỷ đồng. Điều chỉnh giảm lãi suất, giảm phí…cho 2.500 doanh nghiệp và một số khách hàng khác với những khoản vay cũ có dư nợ trên 120 nghìn tỷ đồng.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Dự trữ ngoại hối của Việt Nam tăng cao kỷ lục đạt gần 80 tỷ USD vào cuối năm 2019. Theo Thủ tướng, con số này tăng 6 lần so với năm 2011 trong bối cảnh các nước trên thế giới và khu vực giảm. “Dự trữ ngoại hối là tấm nệm cho nền kinh tế, cho uy tín quốc gia. Mặt bằng lãi suất xu hướng giảm. Điều hành lãi suất đáng ghi nhận, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp vay vốn. Tuy nhiên, lãi suất của Việt Nam còn cao so với các nước như Thái Lan. NHNN đã nâng cao chất lượng tín dụng, tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, xuất khẩu”, Thủ tướng nói.
Năm 2020, Thủ tướng yêu cầu NHNN kiên trì mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng trưởng nhanh và bền vững. NHNN chủ động phối hợp với các bộ, ngành thực hiện giải pháp để đẩy lùi tín dụng đen, nhất là tội phạm công nghệ cao trong thanh toán. Cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, hạn chế nợ xấu, đảm bảo an toàn bền vững từng tổ chức và cả hệ thống.
Ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, năm 2020 NHNN sẽ điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động, thận trọng phối hợp với chính sách vĩ mô khác nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Theo đó, tổng phương tiện thanh toán đặt mục tiêu tăng 13%; tín dụng năm 2020 tăng khoảng 14%.“
Tăng trưởng tín dụng đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế tín dụng đen. NHNN đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết. Tại hội nghị, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường kiến nghị, ngành ngân hàng và ngành nông nghiệp cần nghiên cứu, bàn thảo để thống nhất cách thức cho vay mới, nhằm khơi dậy được tiềm năng đầu tư trong nông nghiệp. Với những chính sách tín dụng và thực trạng cho vay đang được triển khai cho thấy, ngay cả khi cho vay có thế chấp đầy đủ mà cuối cùng vẫn rủi ro.
“Chúng tôi đề nghị ngành ngân hàng phối hợp với ngành nông nghiệp xây dựng, phát triển các mô hình khởi nghiệp, thử nghiệm trong nông nghiệp. Từ đó kiểm soát, xử lý quyết liệt nợ xấu vốn gây ảnh hưởng tới thị trường tài chính tiền tệ và tác động tiêu cực tới thị trường tín dụng mà người dân và doanh nghiệp đang trông đợi, kỳ vọng”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kiến nghị.
Đến cuối tháng 12/2019, dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng ước đạt trên 8,2 triệu tỷ đồng, tăng 13,7% so với cuối năm 2018. Cơ cấu tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Năm 2020, Thủ tướng yêu cầu NHNN kiên trì mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng trưởng nhanh và bền vững
Theo Ngọc Linh/Tiền phong
https://www.tienphong.vn/kinh-te/du-tru-ngoai-hoi-tang-ky-luc-von-do-manh-vao-san-xuat-1505188.tpo