Dễ trồng, chi phí đầu tư thấp, ít công chăm sóc, cây chuối đang mang lại giá trị kinh tế lớn cho người dân, mở ra hướng đi mới cho ngành nông nghiệp huyện biên giới Phong Thổ (Lai Châu) mấy năm trở lại đây.
Tiểu thương Trung Quốc thu mua chuối tại chợ chuối Việt Trung
Xây nhà, tậu xe nhờ chuối
Đến Phong Thổ (Lai Châu) dịp cuối năm này, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi hình ảnh những ruộng lúa, nương ngô hay những đồi đất trống trước đây thay bằng màu xanh bạt ngàn của những đồi chuối. Chuối được trồng kín trên các nương đồi, vùng đất trống dọc ven suối hay ven quốc lộ. Từ tờ mờ sáng, khi núi đồi đang phủ đầy sương giá, thì khắp các nẻo đường trong các thôn bản, trai làng lái xe máy, xe kéo chất đầy chuối hướng về cửa khẩu quốc tế Ma Lù Thàng. Mỗi chiếc xe máy chở từ 1,5-2,5 tạ chuối.
Với số vốn chỉ vỏn vẹn có 700 nghìn đồng, anh bàn với vợ lên xã Ma Ly Pho mua 700 gốc chuối giống về trồng tại diện tích đất 1,4ha được bố mẹ cho. Suy nghĩ rằng, tất cả kinh tế phụ thuộc vào đồi chuối nên 2 vợ chồng dành phần lớn thời gian để làm cỏ, chăm sóc cây chuối. Anh đi học tập kinh nghiệm từ những hộ trồng chuối lâu năm để cây chuối không bị nhiễm bệnh, nhờ đó 700 gốc chuối của gia đình sinh trưởng, phát triển tốt.
Từ 700 gốc chuối giống trồng, sau 1 năm nhà Sài đã có thu nhập kha khá. Không chỉ vậy, anh tiếp tục nhân giống mở rộng lên hơn 1.000 gốc. Với số tiền thu được từ bán chuối, Sài tiếp tục mua thêm 4.000m2 ruộng nương để mở rộng diện tích trồng chuối và khoai sọ. Nhận thấy nhu cầu sử dụng vật tư nông nghiệp của bà con trong xã, bản, năm 2014, vợ chồng anh lại vay thêm vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để nhập bán thêm vật tư nông nghiệp. Nhờ mạnh dạn làm ăn, tính toán hợp lý, kinh tế gia đình Sài được cải thiện đáng kể. Có nguồn thu nhập ổn định, anh xây được ngôi nhà cấp 4 khang trang và chăm lo cho con cái học hành.
Các đồi chuối bạt ngàn ở miền biên viễn
Hiện nay, tính cả đất mua thêm, gia đình Sài có gần 5 ha đất sản xuất bao gồm chuối, khoai sọ và trồng rừng. Sài trở thành người đầu tiên đưa cây chuối về trồng tại bản Dền Thàng. Theo chia sẻ của anh, từ các khoản thu, trừ chi phí công lao động chăm sóc, mỗi năm gia đình thu nhập trên 300 triệu đồng, tạo việc làm cho từ 3 - 6 lao động thời vụ tại địa phương.
Là đầu mối chuyên thu mua chuối của dân bản địa nhập cho thương lái, vợ chồng anh Lò Văn Von (34 tuổi, quê ở Tuần Giáo, Điện Biên) trung bình một năm cũng dành dụm được khoảng 400-500 triệu đồng. “Xuống Lai Châu buôn chuối từ năm 2012, sau 7 năm, vợ chồng tôi đã xây được hai căn nhà khang trang, một ở gần cửa khẩu, một ở trung tâm huyện Phong Thổ. Ngoài ra, chúng tôi còn mua được một chiếc xe tải nhỏ chuyên chở chuối, nhập cho các thương lái Trung Quốc”, anh Von phấn khởi.
Gia đình anh Hoàng Vân Phà (32 tuổi, trú tại xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ) cũng trồng được 1.000 cây chuối, thu nhập mỗi năm khoảng 200 triệu đồng. Vợ chồng Phà còn làm nghề cân thuê chuối, một ngày kiếm được 500.000 đồng/người. Tính ra, mỗi năm vợ chồng anh dành dụm được khoảng 500 triệu đồng. Có năm làm ăn tốt, thu nhập được gần cả tỷ đồng.
Tìm đầu ra bền vững
Theo tìm hiểu của chúng tôi, chuối được người dân các xã biên giới của huyện Phong Thổ trồng đại trà từ năm 2011, chủ yếu tự phát, lấy giống từ Trung Quốc. Anh Vũ Văn Mạnh (36 tuổi, chủ doanh nghiệp thầu chợ chuối Việt Trung) ở gần cửa khẩu Ma Lù Thàng cho hay, trung bình một ngày có khoảng 300 tấn chuối ở đây được xuất đi Trung Quốc, tiêu thụ tại các địa bàn chính như Trùng Khánh, Quảng Châu, Quảng Đông. Như đại đa số người dân ở đây, anh Mạnh mong muốn chính quyền địa phương quan tâm nhiều hơn, tư vấn kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc để chuối có chất lượng tốt nhất, cũng như tìm đầu ra ổn định, đầu tư hạ tầng để các chợ chuối được khang trang, tiểu thương thu mua tập trung.
“Sản phẩm chuối vẫn được người dân tiêu thụ đều đặn, không bị tồn đọng, nhưng do thị trường không ổn định, bấp bênh nên người dân thường hay bị ép giá, thời điểm giá cao có thể lên tới 15.000 đồng/kg, có khi xuống thấp chỉ được 5.000 đồng/kg. Với những bà con ở bản xa, mùa mưa lũ, giao thông đi lại khó khăn gần như việc tiêu thụ sản phẩm bị ngừng trệ”, anh Mạnh chia sẻ.
Còn nhớ bài học từ việc phát triển trồng cây ớt tại khu vực xã Ma Ly Pho những năm trước. Lợi nhuận lớn ban đầu từ tiêu thụ ớt sang thị trường Trung Quốc khiến người dân đua nhau trồng ớt. Cây ớt có thời điểm được ví là “cây cứu cánh cho đói nghèo” vì hiệu quả kinh tế mang lại. Tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm bị phụ thuộc, hướng đầu ra không ổn định, dẫn đến hàng loạt diện tích ớt đỏ rực rồi héo úa trong sự xót xa của người dân.
Nếu như bài học trồng ớt lại tái diễn đối với cây chuối trên các diện tích đất nông nghiệp đặt ra thách thức không nhỏ cho bà con huyện Phong Thổ. Bởi nếu cải tạo diện tích đất đã trồng chuối sang trồng các loại cây khác rất khó khăn và tốn nhiều thời gian vì đây là loài cây sinh trưởng rất mạnh, khó triệt phá.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu Tống Thanh Hải, cuối tháng 9 vừa qua, lãnh đạo tỉnh cùng một số sở, ngành, địa phương đã có buổi làm việc với đoàn công tác của một doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao về khả năng phát triển cây chuối trên địa bàn tỉnh. Doanh nghiệp này đang tiếp tục khảo sát, nghiên cứu các phương án khả thi để tìm đầu ra ổn định cho bà con vùng biên viễn.
Ông Tống Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu, cho biết toàn tỉnh hiện có gần 4.000 ha chuối, sản lượng trên 41.000 tấn một năm, tập trung tại các huyện Phong Thổ, Sìn Hồ. Cây chuối sinh trưởng, phát triển tốt, tuy nhiên việc trồng và tiêu thụ sản phẩm chưa có sự liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp và các đầu mối thu mua nên việc tiêu thụ chưa có đầu ra ổn định. Thị trường tiêu thụ hiện nay chủ yếu phụ thuộc vào các tiểu thương thu gom nên giá cả bấp bênh, bị ép giá nên ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Theo Tuấn Nguyễn - Quang Lộc/Tiền phong
https://www.tienphong.vn/kinh-te/cay-chuoi-mien-bien-biet-de-o-to-nha-lau-1504165.tpo