Áp dụng nghiêm túc phương pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, trại lợn của ông Lê Mạnh Quý (Lào Cai) thu về nguồn lợi lên đến cả trăm triệu mỗi ngày.
Áp dụng nghiêm túc phương pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi là “bí kíp” giúp chuỗi trang trại lợn quy mô lớn ở Lào Cai “sống khỏe” giữa tâm dịch tả châu Phi, mang về nguồn lợi lên đến cả trăm triệu mỗi ngày.
Chủ chuỗi trang trại lợn nói trên là ông Lê Mạnh Quý, Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi Quý Hiền ở Sơn Hà, Bảo Thắng, Lào Cai. Ông Quý từng được nhiều người biết đến nhờ thành công từ những trại gà vạn con áp dụng chăn nuôi công nghệ cao.
Ông Lê Mạnh Quý, Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi Quý Hiền ở Sơn Hà, Bảo Thắng, Lào Cai
Mặc dù mới “bước chân” vào nghề nuôi lợn từ năm 2016, nhưng đến nay ông Quý đã sở hữu trong tay 6 trang trại lợn, gồm 5 trại lợn thịt và 1 trại lợn nái giống, tổng đàn vào trên 7.000 con, với số vốn gần 80 tỷ đồng.
Điều đáng nói, suốt thời gian dài kể từ tháng 4/2019, khi dịch tả châu Phi chính thức xuất hiện và bùng phát chóng mặt ở Lào Cai, 6 trại lợn của ông Quý phân bổ rải rác giữa tâm dịch, nhưng tất cả đều trụ vững, ngay cả khi đàn lợn của hộ cận kề mắc dịch phải tiêu hủy hết.
“Đã xác định làm chăn nuôi thì phải đối mặt với dịch, không dịch này thì dịch khác, nhưng tài sản của mình thì mình phải giữ, chỉ có một là sống hai là chết, nếu không kiểm soát tốt thì sẽ không còn cơ hội, phá sản ngay!” - ông Quý cho biết.
Khu trang trại lợn thịt của ông Quý nhìn từ trên cao
Dịch tả châu Phi là một loại bệnh dịch hoàn toàn mới nên ông Quý khá bỡ ngỡ, ngoài tích cực lắng nghe từ nhiều nguồn thông tin thì cơ bản ông vẫn áp dụng từ kinh nghiệm… nuôi gà và cảm nhận của chính cá nhân.
“Bản thân tôi từng chứng kiến trang trại của một người bạn mắc dịch tả châu Phi và thấy rằng nếu giám sát, ngăn cách tốt mầm bệnh thì thậm chí ngay bên cạnh cũng không ảnh hưởng. Bởi vậy đầu tiên tôi cho rằng, phải áp dụng hàng rào sinh học tốt nhất có thể” - ông Quý chia sẻ.
Từ suy nghĩ đó, hàng rào sinh học do ông Quý lập ra nhằm phân định, ngăn cách giữa vành đai trong và ngoài trang trại. Theo đó, đầu vào trang trại gồm thức ăn, nước, thuốc thú y, con giống… và đầu ra là sản phẩm xuất bán luôn được kiểm soát chặt chẽ cùng các bước khử trùng nghiêm ngặt.
Cổng vào một trang trại lợn của ông Quý.
Trước khi vào trang trại phải lội qua hố khử trùng zic zắc và hệ thống phun sương khử trùng dày đặc.
Ngay đầu đường dẫn vào cổng các trang trại của ông Quý đã rắc trắng vôi bột cũng như thường xuyên phun thuốc khử trùng.
Sau cánh cổng luôn đóng kín là một hố nước sát trùng lớn bố trí thành lối đi kiểu “zic zắc”, bên trên là hệ thống phun suơng khử trùng dày đặc. Bất cứ ai muốn vào trại đều phải lội trực tiếp cả bàn chân qua hố nước, bởi theo ông Quý “bàn chân chính là chỗ dễ mang mầm bệnh từ nơi này qua nơi khác”.
Trong trại là một mô hình chăn nuôi lợn khép kín, biệt lập hoàn toàn với xung quanh. Nếu không được biết trước, ngay cả khi đặt chân vào trại rồi cũng ít ai phát hiện ra có lợn nuôi ở đây, phần vì công tác vệ sinh, khử trùng khá bài bản, phần vì chuồng nuôi “bí mật” như căn cứ quân sự.
Để tiếp cận trực tiếp với lợn trong trại, tiếp tục phải qua một lối đi dài phủ trắng vôi bột dẫn tới khu chăn nuôi riêng, tới đây một lần nữa phải qua cánh cổng phụ có bố trí hố nước khử trùng, tiếp đến phải thay toàn bộ quần áo, đeo ủng mới được vào chuồng – nơi ngay cửa vẫn còn một hố nước cuối cùng phải lội qua.
Hệ thống chuồng nuôi khép kín.
“Đây là đối với trại lợn thịt, còn trại nái - giống thì mọi quy trình phải đảm bảo chặt chẽ hơn nữa vì con nái và con giống vốn dĩ sức đề kháng yếu hơn” - ông Quý cho biết.
Bên trong khu chuồng nuôi lợn thịt, hệ thống đèn điện và quạt điều hòa không khí hoạt động 24/24h, duy trì ánh sáng, không khí thông thoáng cùng nhiệt độ ổn định suốt bốn mùa.
Các ngăn chuồng cũng tách biệt máng ăn, nước tắm. Lợn trong trại không “bị” tắm mà có máng nước tắm riêng để “tự tắm theo sở thích”, nước tắm cũng được thay định kỳ.
Việc vệ sinh, khử trùng vành đai trong tính từ trong chuồng nuôi ra đến cổng phụ do số nhân công bên trong đảm nhiệm 2 lần/ngày. Từ cổng phụ ra cổng chính và đầu đường vào được tính là vành đai ngoài cũng vệ sinh tương tự, nhưng là do một bộ phận nhân công khác thực hiện.
Bên trong chia làm nhiều phân khu và ngăn chuồng khác nhau.
Trong giai đoạn dịch dã, các nhân công cùng các vật nuôi khác trong trại gồm chó, mèo gần như tuyệt đối không tiếp xúc với bên ngoài. Tất cả những gì phục vụ cho sinh hoạt trong trại đều tự cấp tự túc hoặc tiếp tế “nội bộ”.
Theo ông Quý: “Nhân công họ đều hết sức chia sẻ trong hoàn cảnh này. Tôi cũng trả lương họ khá cao, trung bình khoảng 10 triệu một người/tháng, riêng quản lý của các trại thì trên 20 triệu một người/tháng”.
Ở vành đai ngoài, các phương tiện chuyên chở cũng phân định rõ thành xe chở cám, xe chở lợn giống, xe chở lợn thịt… Các phương tiện này thường xuyên phải khử trùng trước và sau mỗi lần làm nhiệm vụ; đồng thời chỉ được phép di chuyển trên những cung đường ngắn và cố định, cuối cùng về tập kết tại nhà ông Quý.
Chuồng nuôi lợn luôn sáng đèn cùng hệ thống điều hòa hoạt động suốt cả ngày.
Ông Quý lưu ý, ngoài kiểm soát tốt hàng rào sinh học, một vấn đề quan trọng không kém là dù tả lợn châu Phi chưa có vaccine phòng bệnh nhưng vẫn phải kiểm soát chặt chẽ quy trình vaccine của các bệnh kế phát như tai xanh, lở mồm long móng, tả cổ điển, suyễn, circo, app… Và để đạt hiệu quả cao nhất thì phải làm ngay từ trên con giống.
“Không biết đúng hay không, nhưng tôi cho rằng cũng giống như người bị nhiễm virus HIV, khi phát bệnh không chết vì HIV mà chết vì bệnh khác thì tả châu Phi cũng vậy, phòng ngừa tốt các bệnh kế phát giúp lợn tăng sức đề kháng, nếu có phát dịch thì tốc độ chắc chắn cũng chậm hơn giúp mình có thời gian kiểm soát” - ông Quý nhấn mạnh.
Ông Quý cho biết, ông đã lường trước cả tình huống nếu có dịch xảy ra, nhưng với quy trình quản lý, kiểm soát chặt chẽ và cách ly theo kiểu “không bỏ hết trứng vào một giỏ” như hiện nay, ông Quý “tự tin rằng mình có thể kiểm soát tốt”.
Lợn tự ăn và tự tắm trong các ngăn chuồng biệt lập.
Khi được hỏi về lợi nhuận, ông Quý “bật mí” với giá lợn khoảng 66.000 – 68.000 đồng/kg lợn hơi như hiện nay, mỗi con lợn thịt xuất chuồng cho lời khoảng 3 triệu đồng. Bình quân mỗi ngày các trại thịt của ông Quý xuất ra 35 – 40 con, mang về tổng nguồn lợi “khủng” tới hơn 100 triệu đồng.
“Bản thân tôi muốn tìm kiếm một sự ổn định hơn, vì số lãi bây giờ vẫn đang phải bù cho thua lỗ hồi năm 2017, khi giá lợn hơi ở Lào Cai rớt xuống chỉ còn 13.000 – 15.000/kg. Sau những biến cố thì thành công nhất của tôi bây giờ chưa phải về tài chính, mà là xây dựng được chuỗi tổ chức sản xuất khá bền vững, dù rằng trong đó luôn có yếu tố may mắn” - ông Quý vui vẻ chia sẻ./.
Theo An Kiên/VOV.VN
https://vov.vn/kinh-te/mo-hinh-nuoi-lon-an-toan-chu-trai-thu-tram-trieu-dong-moi-ngay-983233.vov